Theo ông Kuleba, việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine bị cản trở bởi các vấn đề kỹ thuật và hậu cần. Tuy nhiên, ông kêu gọi các phi công Ukraine, những người chỉ quen với máy bay do Liên Xô sản xuất, hãy bắt đầu tập luyện trên các máy bay phương Tây càng sớm càng tốt.
“Tôi không cho rằng việc chuyển giao máy bay chiến đấu sẽ diễn ra trong tương lai gần, bởi đây là một nhiệm vụ rất khó khăn về mặt hậu cần và kỹ thuật. Nhưng chúng tôi khuyến cáo rằng việc đào tạo phi công Ukraine lái máy bay phương Tây nên bắt đầu ngay bây giờ, để khi quyết định cung cấp máy bay được đưa ra, chúng tôi không lãng phí thời gian hoặc mất nhiều tháng cho việc đào tạo”, ông nói.
Nhà ngoại giao này cũng kêu gọi Berlin tăng cường cung cấp đạn dược cho Ukraine, cụ thể là đạn pháo. Ông tuyên bố rằng ngành công nghiệp Đức sẵn sàng chuyển đạn dược cho Kiev, nhưng vấn đề nằm ở chính phủ nước này.
“Chúng tôi đã ngồi lại với các đại diện của Ukraine và ngành công nghiệp vũ khí Đức. Ngành công nghiệp Đức, trước sự chứng kiến của tôi, đã yêu cầu chính phủ nước này một điều: Hãy ký kết các hợp đồng”, ông Kuleba nói.
Thời gian gần đây, Kiev đã tăng cường kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp máy bay chiến đấu - cụ thể là F-16 do Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên phương Tây vẫn chưa chấp nhận đề nghị này. Cuối tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông “đang loại trừ khả năng đó” vì người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky “hiện không cần F-16”. Theo quân đội Mỹ, hiện “không có cơ sở nào để cung cấp F-16 cho Ukraine”, ông Biden nói với ABC News vào thời điểm đó.
Dù vậy theo truyền thông Mỹ, Lầu Năm Góc đã mời các phi công Ukraine đến căn cứ quân sự ở Arizona để xác định thời gian huấn luyện họ lái F-16.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc viện trợ cho Ukraine các loại vũ khí, nói rằng việc đó sẽ chỉ kéo dài chiến sự chứ không thể đổi kết quả cuối cùng.