Úc khó tránh vướng vào vòng xoáy Huawei

TP - Tháng trước, khi Ngoại trưởng Úc Marise Payne bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada, tiếng nói của bà bị chê là quá muộn.
Ông Yang Hengjun là một blogger nổi tiếng ở Úc

Vụ Trung Quốc bắt giữ 2 người Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor hôm 10/12/2018,  bị cho là để trả đũa việc Canada bắt giữ phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu - vấp phải sự phản đối của Mỹ, Anh, EU, Đức và Pháp. Phản ứng của Úc hôm 20/12 được đưa ra sau khi chịu áp lực từ giới học giả và các nhà cựu ngoại giao rằng phải thể hiện đoàn kết với đồng minh, ABC News đưa tin.

Nhưng vài tuần sau đó, Úc gặp vấn đề tương tự khi chính công dân của mình là ông Yang Hengjun, một nhà văn Úc gốc Trung Quốc bị bắt giữ. Ông Yang, một tiểu thuyết gia và nhà cựu ngoại giao từng chỉ trích Bắc Kinh, bị bắt cuối tuần trước tại sân bay Quảng Châu sau chuyến bay từ New York. Ông Yang được cho là đang bị “giám sát tại nơi ở” sau khi bị buộc tội đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc. 

Vụ bắt giữ này khiến nhiều người lo ngại Bắc Kinh đang mở rộng chiến dịch trả đũa Canada bằng cách nhằm vào công dân những nước ủng hộ Ottawa. 

“Các lãnh đạo chính trị Úc không nói mạnh như những nước khác trong vụ bắt hai người Canada, và họ cũng lưỡng lự chỉ trích Trung Quốc trong những vấn đề khác. Vì thế, vụ việc lần này hy vọng sẽ là lời nhắc nhở chính phủ Úc rằng im lặng trước những vấn đề như vậy không có lợi nhiều cho mình, và cần có quan điểm dựa trên các giá trị khi xử lý quan hệ với Trung Quốc”, báo South China Morning Post dẫn lời ông Alex Joske, nhà nghiên cứu tại Viện chính sách chiến lược Úc ở Canberra.

 “Tôi đánh giá vụ bắt ông Yang liên quan trực tiếp đến kiểu ngoại giao con tin của chính phủ Trung Quốc”, ông Feng Chongyi, một người bạn của ông Yang và là phó giáo sư tại ĐH Công nghệ ở Sydney, nói. 

Bà Payne hôm 24/1 kêu gọi Bắc Kinh xử lý vụ việc này “một cách minh bạch và công bằng”, và cho biết các quan chức Úc đang cố gắng thu xếp hỗ trợ lãnh sự càng sớm càng tốt. Bà Payne còn nói “chưa có bằng chứng” vụ này liên quan đến Huawei, nhưng sẽ rất phiền nếu có sự liên hệ như vậy. 

Lợi ích kinh tế lớn

Úc xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 110 tỷ đô la Úc sang Trung Quốc trong năm 2016-2017, cấu thành gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của họ. 

Dù sát cánh với Washington và các đồng minh, Canberra vẫn tránh quyết liệt với Trung Quốc như chính quyền Trump. Úc tách mình khỏi cuộc chiến thương mại của ông Trump và khước từ tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hại trên biển Đông. Tháng 8 năm ngoái, Canberra cấm Huawei tham gia vào kế hoạch xây dựng mạng lưới 5G vì lý do an ninh và ban hành luật cấm can thiệp nước ngoài, bị coi là nhằm vào Bắc Kinh. Quan hệ hai nước vì thế trở nên căng thẳng, nhưng sau đó khôi phục nhờ nhiều hoạt động ngoại giao tích cực. 

Hôm 24/1 Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne đến Trung Quốc để gặp người đồng cấp Ngụy Phượng Hòa. “Vụ bắt giữ ông Yang phủ bóng lên cuộc gặp của hai bộ trưởng quốc phòng, nhưng tốt nhất là hai nước tránh căng thẳng công khai trong khi cho phép tiến hành quy trình lãnh sự để giải quyết vấn đề”, GS Yuan Jingdong, công tác tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại ĐH Phúc Đán ở Thượng Hải, nhận xét. 

Học giả này cho rằng Úc chắc chắn có rất nhiều lợi ích kinh tế trong việc duy trì quan hệ ổn định và cùng có lợi, vì 1/3 hàng xuất khẩu của họ dựa vào Trung Quốc, trong khi các sinh viên và du khách Trung Quốc đóng góp to lớn cho nền kinh tế Úc. Nhưng vụ ông Yang nếu kéo dài có thể khiến Úc chịu sức ép phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. 

Từng bị bắt giữ ở Trung Quốc trong khoảng 1 tuần của năm 2017, ông Feng nói rằng Úc không thể tạo tiền lệ công dân của họ bị bắt với những cáo buộc mơ hồ vì lý do chính trị.