UBND tỉnh Hà Tây nói về gian lận thi cử

UBND tỉnh Hà Tây nói về gian lận thi cử
Ông Từ Văn Dần - Trưởng phòng Văn xã, UBND tỉnh Hà Tây đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh những vấn đề tiêu cực thi cử vừa qua ở tỉnh này.
UBND tỉnh Hà Tây nói về gian lận thi cử ảnh 1
Ông Từ Văn Dần. Ảnh: Vietnamnet

Ông Từ Văn Dần cho biết: Xung quanh vụ việc phản ánh lộn xộn thi cử ở Hà Tây, Thường trực tỉnh ủy chiều thứ 6 tuần trước (23/6) đã có ý kiến với UBND, yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Tây xác minh. Hiện, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành gồm lãnh đạo Sở và các ban ngành liên quan.

Thưa ông, ông có thể cho biết quan điểm của UBND tỉnh về việc giám thị Đỗ Việt Khoa tố cáo tình trạng tiêu cực ở hội đồng thi Phú Xuyên A, cũng như hướng xử lý của UBND?

Trước hết, việc đồng chí Khoa phản ánh phải xác minh và làm rõ. Sẽ có những biện pháp và hình thức xử lý theo đúng kết quả của đoàn thanh tra kết luận.

Nói một cách khách quan, chúng tôi hoàn toàn tiếp thu những chứng cứ mà giáo viên Đỗ Việt Khoa và những thông tin báo chí phản ánh. Chúng tôi rất trân trọng những ý kiến đó và coi đó là những chứng cứ để khi điều tra làm rõ có kết luận cho chắc chắn.

Năm 2001, thầy giáo Nguyễn Thượng Long, thanh tra chuyên môn kiêm nhiệm của Sở và hiện là giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo cũng có phản ánh tương tự, nhưng sự việc không được giải quyết?

Cách đây 5 năm thì thứ nhất là các đồng chí lãnh đạo cũng có sự thay đổi, và bản thân tôi cũng chưa chứng kiến trường hợp nào như năm nay. Tức là những tình huống tại kỳ thi năm nay thì trước đây chưa diễn ra... Hơn nữa, lúc đó tôi chưa về Ủy ban công tác.

Khi tiếp nhận công việc, cũng không có những bàn giao, văn bản hoặc những giấy tờ liên quan như đơn đề nghị của thầy giáo Long giao cho tôi.

Nhưng, nhiều giáo viên và học sinh ở Hà Tây thừa nhận, tình trạng lộn xộn trong thi cử không chỉ diễn ra trong năm nay mà phổ biến ở kỳ thi tốt nghiệp những năm trước...

Cá nhân tôi thấy đó không phải phổ biến nhưng là hiện tượng đầu tiên đòi hỏi các ban ngành chức năng của địa phương phải vào cuộc với thái độ làm việc hết sức thận trọng và nghiêm túc.

Hiện dư luận đang làm phép so sánh giữa cách xử lý tiêu cực thi cử Tiền Giang với Hà Tây. Giám thị không phải công khai danh tính mà Sở GD-ĐT Tiền Giang đã rất quyết liệt...

Thực ra đó cũng là một cách làm vì khi đó Tiền Giang đã tìm ra dấu hiệu chắc chắn số bài thi đó giống hệt nhau nên có cách xử lý nhanh. 

Còn đối với Hà Tây, cần phải thận trọng. UBND tỉnh cũng đã thành lập một hội đồng phúc khảo bài thi của một số hội đồng thi trên địa bàn. Đồng thời, có công điện của Bộ GD-ĐT về phúc tra lại bài thi của 3 hội đồng gồm Phú Xuyên A, Đồng Quan và dân lập Xuân Mai.

Theo tinh thần đó, Sở GD-ĐT Hà Tây đã báo cáo UBND tỉnh và từ hôm 26/6 hội đồng đã làm việc.

Quy trình làm như vậy là do địa phương chủ động hay chờ chỉ đạo từ phía trên?

Trước đây đã có chủ động, nhưng đồng thời có công điện của Bộ GD-ĐT thì chúng tôi căn cứ đó để tiến hành xác minh chấm lại bài thi tại một số hội đồng dưới sự giám sát của Bộ.

Nhiều giáo viên của Hà Tây đề nghị, để Hội đồng phúc khảo bài thi được công bằng thì nên để chính những giám thị tố cáo như ông Đỗ Việt Khoa cùng tham gia?

Vấn đề này lãnh đạo tỉnh chưa đề cập đến. Theo thông lệ, những người đứng đơn không nằm trong đối tượng vì Hội đồng phúc khảo có đủ khả năng công tâm được giao nhiệm vụ làm công việc đó thì không nhất thiết là người khiếu nại hoặc có vấn đề đề nghị phải tham gia trong đoàn đó.

Tôi nghĩ, Hội đồng phúc khảo sẽ làm nghiêm túc và trung thực.

Không ít nhận định, nếu Hà Tây không xử lý nghiêm vụ này trước những nhân chứng vật chứng cụ thể thì ngành giáo dục sẽ đối mặt với chất lượng "rởm" của cả hệ thống giáo dục phổ thông trong nhiều năm tiếp theo?

Vấn đề này thực ra xã hội đang cần phải làm quyết liệt, không chỉ riêng Hà Tây. Ngay trong năm học này, chỉ đạo của Tỉnh ủy  là cũng muốn lập lại kỷ cương trật tự thông qua kỳ thi; đồng thời, đánh giá chất lượng đúng thực chất phải tổ chức dạy và học rất nghiêm túc để giác ngộ từng bước.

Và đến một lúc nào đó, đánh giá thực chất tất cả chất lượng từ kết quả thi tốt nghiệp đến đánh giá vấn đề vào đời...

Có khi nào sự kiên quyết xử lý tiêu cực thi cử nhưng không được do vấp phải sức ép?

Tôi chỉ thấy có sức ép từ phía nhận thức của người dân. Tức là tâm lý người ta cũng muốn đỗ tốt nghiệp. Nhưng cách làm như thế nào phải từ các nhà quản lý.

Vậy các giải pháp đưa ra của địa phương năm nay có thực sự quyết liệt để thay đổi nhận thức đó và các nhà quản lý chấp nhận chất lượng thấp một chút hay không?

(Cười). Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT, hội đồng phúc khảo của tỉnh cũng muốn làm công minh để tính đến một điều làm sáng tỏ và góp phần vào việc làm thay đổi dần nhận thức người dân.

Ông có tính đến kết quả của hồi đồng phúc khảo bài thi cho tỷ lệ tốt nghiệp tụt xuống hoặc sẽ có những học sinh bị hủy kết quả sẽ liên quan đến thành tích phấn đấu của địa phương?

Nếu hội đồng phúc khảo làm đúng quy chế thì phải chấp nhận thực tế. Phải hết sức tin tưởng và tôn trọng trách nhiệm của hội đồng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Kiều Oanh
Vietnamnet

MỚI - NÓNG