Ðưa​ Nghị quyết Ðại hội Ðảng XIII vào cuộc sống: Bảo vệ cán bộ '6 dám'

0:00 / 0:00
0:00
Ðại hội XIII của Ðảng - Ảnh: Nhật Minh
Ðại hội XIII của Ðảng - Ảnh: Nhật Minh
TP - Trò chuyện với PV Tiền Phong về việc đưa Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng vào cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Ðảng  cho rằng cần có quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Việc đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, có ý nghĩa như thế nào đối với thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra, thưa ông?

Nghị quyết dù có hay đến đâu, song nếu không đưa vào cuộc sống, không trở thành thực tiễn thì mãi mãi chỉ là trên giấy. Vì thế, tôi rất tâm đắc với phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Đại hội XIII rằng: “Không phải Đại hội xong là coi như xong. Đây chỉ là mở đầu. Làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không mới là thành công thực tế của Đại hội”.

Ðưa​ Nghị quyết Ðại hội Ðảng XIII vào cuộc sống: Bảo vệ cán bộ '6 dám' ảnh 1

 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Ðảng 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị sau Đại hội, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, sớm đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định quan trọng của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế.

Thực tế hiện nay chúng ta thấy, khâu thực hiện vẫn là một điểm yếu trong hoạt động của bộ máy. Nhiều khi chủ trương, đường lối rất đúng, song để đi vào được cuộc sống lại mất rất nhiều thời gian. Cấp nào cũng thụ động, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; xã chờ huyện, huyện chờ tỉnh, tỉnh chờ trung ương, thành ra phải mất rất nhiều thời gian thì những chủ trương, đường lối chính sách đó mới có hiệu lực trong thực tiễn.

Vậy theo ông, làm thế nào để Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sớm đi vào cuộc sống?

Trước hết, các cơ quan trung ương cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, từ tuyên truyền cho đến xây dựng các quy định có liên quan. Trong tuyên truyền phải đổi mới để làm sao thực chất, hiệu quả hơn, chứ chỉ đọc và nghe thì hiệu quả cũng rất hạn chế. Đặc biệt trong khâu thực hiện, trước hết mọi cấp, mọi ngành cần căn cứ vào nội dung Nghị quyết để xem cái gì có thể thực hiện được ngay thì thực hiện, không phải chờ hướng dẫn. Cái gì thuộc lĩnh vực quản lý của ngành thì chủ động hướng dẫn cho cấp dưới thực hiện…

Trong Nghị quyết Đại hội XIII, đâu là những điểm nhấn mà theo ông cần sớm triển khai để tạo ra những hiệu quả trong thực tế?

Tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua, chúng ta đã bầu ra 200 người vào Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có 180 Ủy viên Trung ương chính thức và 20 Uỷ viên Dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã bầu ra 18 Uỷ viên Bộ Chính trị và 5 Uỷ viên Ban Bí thư. Công tác nhân sự đã đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, nhiệm kỳ mới, nhân sự mới, cần phải có những cơ chế mới để đội ngũ cán bộ an tâm đổi mới sáng tạo và cống hiến. Điều rất mừng là tại Đại hội XIII vừa qua, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với việc xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám”: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đây là nội dung rất mới, là điểm nhấn của Đại hội XIII, vì vậy tới đây các cơ quan được giao nhiệm vụ cần sớm biến cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám” thành quy định cụ thể để thực hiện.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ các cấp trong bộ máy của chúng ta ở nhiều nơi vẫn còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại, không dám quyết, không dám làm, tính năng động, sáng tạo còn hạn chế. Bây giờ là lúc tập trung xây dựng cơ chế, tạo động lực để đội ngũ cán bộ có khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển để địa phương mình không thua địa phương khác, ngành mình không thua ngành khác… Muốn thế, phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ “6 dám”. Có cơ chế sẽ tạo ra động lực cho sự phát triển, không cán bộ nào đứng ngoài cuộc. Sự dám làm, dám chịu trách nhiệm chính là xông vào cuộc, xông vào để giải quyết những bất cập mà cuộc sống đang đặt ra. Nếu cán bộ sợ sai, trông chờ, ỷ lại, thụ động, chờ “cấp trên cầm tay chỉ việc” thì khó mà tạo ra sự đột phá.

   Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, đội ngũ cán bộ các cấp trong bộ máy của chúng ta ở nhiều nơi vẫn còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại, không dám quyết, không dám làm, tính năng động, sáng tạo còn hạn chế. Bây giờ là lúc tập trung xây dựng cơ chế, tạo động lực để đội ngũ cán bộ có khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển để địa phương mình không thua địa phương khác, ngành mình không thua ngành khác…

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.