Tỷ phú Thái Lan và người cha tàn độc

Tỷ phú Thái Lan và người cha tàn độc
TP - “Bao nhiêu ký ức đau đớn hãi hùng kéo về như bão tố. Người bố bắt con lao động kiệt sức, và sẵn sàng giết con”...

> Nhóm 24h tiềm năng: Nơi khơi dậy tiềm năng

Đó là vài dòng về bi kịch gia đình mà tỷ phú (tiền baht) Thái Lan Vikrom Kromadit, nhà đầu tư Khu Công nghiệp Amata Việt Nam (Biên Hòa, Đồng Nai) đã trải qua. Ông kể lại cuộc đời qua cuốn tự truyện Nghiệt ngã và thành công.

Tỷ phú Vikrom Kromadit tại buổi ra mắt cuốn tự truyện ở TPHCM
Tỷ phú Vikrom Kromadit tại buổi ra mắt cuốn tự truyện ở TPHCM.

Là con của một người trồng mía, không muốn nối nghiệp cha, Vikrom Kromadit, sinh năm 1953, đến từ tỉnh Kanchanaburi - Thái Lan đã quyết chí lập thân ở thủ đô Bangkok.

Ở tuổi 22 và gần như với hai bàn tay trắng, Vikrom đã không ngừng phấn đấu, vươn lên bằng một ý chí mạnh mẽ, trở thành nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Thái Lan, Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Amata lừng danh Đông Nam Á.

Trong cuốn tự truyện, với tựa tiếng Anh Be a better man, dường như những ký ức hãi hùng về người cha hoang dâm, nhẫn tâm đến khó tin, sẵn sàng nổ súng vào con trai, đã hun đúc một ý chí vươn lên cho cậu bé Vikrom.

Doanh nhân 5 tuổi

Vikrom nói, chỉ có khoan dung mới xóa bỏ được hận thù
Vikrom nói, chỉ có khoan dung mới xóa bỏ được hận thù.

Ông cố nội cậu bé Vikrom là người gốc Hoa, quê Quảng Đông. Vikrom là anh cả trong số 23 người con, gồm 9 đứa em cùng cha mẹ và 13 đứa em khác mẹ cùng cha. Cha ông là một ông chủ nông dân chuyên trồng mía ở tỉnh Kanchanaburi, tỉnh lớn nhất ở miền trung Thái Lan.

Ngoài mẹ, người sinh cho cha 10 đứa con, ông bố lần lượt dụ dỗ, ăn nằm với hết phụ nữ này đến phụ nữ khác, kể cả kẻ hầu người hạ, thậm chí là em họ vợ…

Ngoài 4-5 bà vợ lẽ, với 13 đứa con mà ông không hề quan tâm sự sống chết, người đàn ông khỏe mạnh, đẹp trai và ham muốn xác thịt vô độ ấy, vẫn là cột trụ lao động trong gia đình, còn có rất nhiều mối tình qua đường và nhiều con ngoài giá thú.

Ngoài 80, ông già này vẫn còn muốn kết hôn và có thêm con. Lần kết hôn gần nhất của ông là vào năm 2007.

“Giá ông ấy mê phụ nữ nhưng vẫn chăm sóc tốt mẹ con chúng tôi thì đi một nhẽ”, ông Kromadit kể, trong buổi ra mắt cuốn tự truyện với độc giả Việt Nam tại quận 7, TPHCM vừa rồi. “Nhưng mà không. Gia đình tôi luôn đầy ắp những trận cãi vã giữa cha và mẹ, những trận đòn roi trút xuống mấy anh em, thậm chí chỉ vì lỡ bắt gặp cha giở trò “dê xồm” với người hầu gái”.

Có lẽ vì thế mà ngay từ nhỏ, ý thức vươn lên, lập thân, thoát khỏi sự kiểm soát của người cha đã luôn được nung nấu trong con người Vikrom. Cũng ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ thiên hướng kinh doanh.

Phi vụ kinh doanh đầu tiên của cậu bé Vikrom 5 tuổi là đi bán lạc rang ở bãi chiếu bóng. Số là ở vùng quê ông, cứ lâu lâu người ta lại chiếu phim ở sân bóng và đây là thú vui về đêm duy nhất.

Cậu bé Vikrom, thấy các anh chị họ đi bán lạc rang kiếm được tiền bèn xin bác ruột mình được tham gia. Hôm ấy cậu kiếm 25 xu đầu tiên trong cuộc đời, là tiền lãi từ việc bán một túi lạc.

Những lần sau, cậu luôn là người bán được nhiều lạc hơn các anh chị vì đơn giản là trong đầu cậu bé chỉ quan tâm đến chuyện bán hàng, không hóng hớt phim ảnh.

Và ngay từ lúc này, trong đầu óc non nớt của cậu bé Vikrom đã hình thành khái niệm mà trong kinh doanh ngày nay gọi là “tăng doanh thu nhưng không tăng đầu tư”: quan sát thấy nhiều đôi thanh niên ở xa phải lặn lội bằng xe máy tới xem phim, không có ghế ngồi, Vikrom liền đem đống báo cũ bán kèm với lạc rang để họ trải xuống đất thay chiếu. Mùa bán lạc đó đã mang về cho Vikrom vài chục baht.

Cũng từ lúc 5 tuổi, Vikrom đã biết tiết kiệm tiền để dành bằng cách… mở tài khoản ngân hàng dù với 50 baht ít ỏi. Sau 3 năm, “sự nghiệp” bán lạc rang đã được mở rộng sang cả hạt dưa, kem que, bánh mì giòn và khi gia đình người bác chuyển về Bangkok, cậu bé 8 tuổi liền tiếp quản bộ đồ rang lạc, bỏ tiền đầu tư để cùng bà nội mở một quầy bán lạc rang, kẹo mút…

Sang trang mới

Bước ngoặt cuộc đời đến với Vikrom khi ông bố bất ngờ đồng ý cho cậu đi du học Đài Loan, với mục tiêu sau này quay về giúp ông phát triển kinh tế gia đình.

Thế là chàng thiếu niên từ Kanchanaburi quê mùa đã biết đến xuất ngoại. Tuy nhiên, sự cố lại xảy đến trong một lần về quê nghỉ hè, Vikrom đã bất hòa với cha mình khi ông tiếp tục thói trăng hoa cố hữu.

Vì thương mẹ, chàng trai Vikrom đã không kiềm chế được bản thân, đụng độ với người cha dù biết sau lưng quần ông ta là một khẩu súng lục và ông hoàn toàn có thể nổ súng bất cứ lúc nào. Ông bố đã cắt tiền trợ cấp đi học.

Vikrom quay lại Đài Loan mà chưa biết sẽ sống ra sao. Để trụ lại được, anh làm đơn xin học bổng của chính quyền Đài Loan, cắt giảm tối đa mọi chi phí. Bên cạnh việc học, Vikrom mua lại trang sức từ Thái Lan và bán cho các bạn đồng môn ở Đài Loan kiếm chênh lệch.

Để ý thấy mỗi khóa sinh viên ra trường thường bỏ lại rất nhiều xe đạp cũ, anh đề xuất với nhà trường được mua lại “đống sắt vụn” ấy rồi tân trang, bán tiếp cho những sinh viên khóa mới. Làm đủ thứ việc để kiếm tiền, Vikrom học được cho đến khi ra trường.

Về Thái Lan, Vikrom khởi nghiệp bằng việc xuất khẩu bột sắn và cá hộp. Liên tục gặp thất bại nhưng anh không hề nản chí, cũng không cậy nhờ sự giúp đỡ của cha vì biết chẳng đời nào ông giúp, dù hai cha con đã làm lành với nhau từ lâu.

Lắm lúc, trong túi quần chàng doanh nhân Vikrom chỉ còn 25 xu, dù túi áo là cả xấp danh thiếp của các nhà xuất nhập khẩu hàng hóa lớn. Công ty V&K (K là viết tắt của Kelly, tên người vợ Đài Loan, sau này ly hôn) đầu tiên đóng trụ sở tại một căn nhà thuê ở thủ đô Bangkok. Ông chủ Vikrom lúc này kiêm trực điện thoại, đầu bếp, giao hàng…

Việc kinh doanh dần dần dễ thở hơn một chút thì lại xảy ra chuyện. Ông bố công khai đưa vợ lẽ trẻ đẹp về sống chung với mấy mẹ con ở Kanchanaburi. Căng thẳng gia đình đã dẫn đến cuộc đọ súng của người cha và Vitit, em trai Vikrom.

Kết quả, Vitit bị bắn vào đầu, tưởng chừng khó sống sót. Trong cơn tức giận, Vikrom đã thủ hai khẩu súng ngắn, một khẩu súng săn, lái xe đi tìm cha với mục đích tiêu diệt mầm đau khổ của cả nhà rồi tự sát.

Nhưng trên đường đi, sau khi tĩnh tâm, Vikrom bỏ ý định này. Do gia đình bãi nại nên người cha không bị khởi tố.

Sau biến cố ấy, Vikrom đã đón mẹ và gần đủ 22 đứa em về Bangkok chăm sóc. Ngoài kinh doanh, Vikrom làm thay vị trí của một người cha, chăm lo cho các em khôn lớn, cho đi học, dạy làm người…

Ngoài 30 tuổi, doanh nhân Vikrom nhận thấy chỉ kinh doanh cá hộp và nông sản sẽ gặp phải cạnh tranh và thiếu bền vững nên chuyển hướng đầu tư thêm mảng xây dựng khu công nghiệp. Sau 20 năm, trong tay ông đã là một tập đoàn Amata hùng mạnh với 3 khu công nghiệp, một tại Biên Hòa, Việt Nam.

Đúng sinh nhật lần thứ 50, khi vừa kết thúc tiệc, Vikrom lái xe tới chùa xuống tóc đi tu báo hiếu một tháng theo tục lệ Thái Lan. Thời gian này, ông đã có những suy nghĩ về chuyện gia đình, về cha mẹ và thấy rằng, chỉ có khoan dung độ lượng mới xóa bỏ hận thù.

“Tôi nhắm mắt suy ngẫm về cuộc đời mình từ nhỏ đến lớn, nghĩ đến những điều tốt đẹp mà bố đã dành cho tôi, từng chu cấp cho tôi du học, từng dạy dỗ cho tôi nên người như ngày hôm nay…

Thế rồi tôi tụng kinh bằng tiếng Phạn, cầu nguyện cho bố mẹ và xin được tha thứ cho nhau về mọi sai lầm, bi kịch trong quá khứ”.

Tỷ phú Thái Lan và người cha tàn độc ảnh 3

Doanh nhân Vikrom Kromadit:

Tài sản ròng: 145 triệu USD, xếp hạng 34 tại Thái Lan theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2008

Hiện sống độc thân (đã ly hôn)

Phương châm sống: Chia sẻ kiến thức và bí quyết thành công với mọi người

Ước nguyện: Để lại toàn bộ tài sản cho Quỹ từ thiện Amata sau khi qua đời

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG