Tỷ phú sủi cảo duy nhất trên thế giới kiếm tiền thế nào?

Chen Zemin là tỷ phú sủi cảo đầu tiên và duy nhất trên thế giới, theo xếp hạng của Forbes. Ông từ bỏ nghề bác sĩ 30 năm kinh nghiệm để khởi nghiệp khi đã 50 tuổi.

Khi 3 tuổi, Chen sống nghèo khổ với cha và phải di chuyển hết nơi này đến nơi khác trong suốt thời thơ ấu. "Những trải nghiệm cơ hàn thời nhỏ là kho tàng quý giá nhất trong cuộc sống của tôi. Khi lên 10, tôi hay đến rạp chiếu phim, nhà hát làm bất cứ việc gì để kiếm tiền. Khi là học sinh trung học, tôi mở một tiệm cắt tóc nhỏ phục vụ khách hàng chủ yếu là láng giềng lân cận. Ngoài ra, tôi làm nhiều việc bán thời gian khác để thử khả năng và kỹ năng của mình", ông nhớ lại.

Cuối cùng, Chen nhận ra mình có hai đam mê: mày mò, sửa chữa những thiết bị, máy móc và nấu những món ăn truyền thống.

Tỷ phú sủi cảo duy nhất trên thế giới kiếm tiền thế nào? ảnh 1

Tỷ phú USD sủi cảo Chen Zemin hiện 72 tuổi và vẫn chưa có đối thủ vượt qua ông

Khi đã là Phó chủ tịch của Bệnh viện Nhân dân Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Chen cảm thấy công việc hàng ngày thật chán: "Quả thật không có gì khiến tôi cảm thấy bận rộn thực sự. Công việc chỉ là đi lang thang kiểm tra các toà nhà và họp hành". Vậy là ông giải khuây bằng cách sửa chữa trang thiết bị cũ của bệnh viện, sửa chữa radio cho hàng xóm và tạo ra máy giặt đầu tiên tại Trịnh Châu.

Với công việc chán chường tại bệnh viện, Chen tập tành khởi nghiệp trong thời gian rảnh rỗi. Năm 1989, ông vay mượn 15.000 nhân dân tệ để kinh doanh kem sữa. Ông đã phát minh ra một cái máy có thể sản xuất và thậm chí bán sỉ kem. Nhưng vì lý do thời tiết nên kinh doanh thất bại.

Khi Trung Quốc có chính sách mở cửa hội nhập, khuyến khích người dân phát triển kinh tế. Dù đang có thu nhập cao của nghề bác sỹ, Chen vẫn muốn nắm bắt cơ hội này để thực hiện ước mơ trở thành một trong những người giàu đầu tiên.

Vào một mùa đông, Chen đi công tác ở thành phố Cáp Nhĩ Tân và thấy người dân mỗi lần làm ra rất nhiều sủi cảo nhưng phải để phần sủi cảo dư ngoài trời lạnh cho bữa ăn tối tiếp theo. Điều đó khiến ông nảy ra ý tưởng làm sủi cảo đông lạnh.

Tuy nhiên, thời điểm đó Trung Quốc không có sẵn máy làm đông lạnh, trong khi nhập khẩu thiết bị  từ nước ngoài tốn hơn 10 triệu nhân dân tệ. Sau khi suy tính, Chen quyết định tự mình chế tạo ra máy móc. Ông mua một số tấm xốp, lá sắt, quạt kiểu tuabin, ống thép liền mạch, máy nén khí... và thiết kế ra một thiết bị làm giảm nhiệt độ. Đây chính là thiết bị đông lạnh đầu tiên ở Trung Quốc, với sản lượng 30 tấn mỗi ngày.

Từ đây, ông  nhận ra  thực phẩm đông lạnh có thể trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ nên bất chấp sự ngăn cản từ gia đình, đã từ chức ở bệnh viện vào năm 1992 lúc 50 tuổi. Chen thuê một căn nhà nhỏ và bắt đầu với công ty thực phẩm đông lạnh đầu tiên tại Trung Quốc. Ba tháng sau, ông tiếp tục hoàn thành hai phát minh về quy trình đông lạnh và bao bì với thiết kế chi tiết từ  vật tư, nguyên liệu, quy trình sản xuất, khối  lượng tịnh ... Sử dụng các bộ phận cơ khí thu lượm từ các đống rác bệnh viện, Chen làm ra một chiếc máy làm đông lạnh hai giai đoạn: làm lạnh bánh từng viên một, nhanh đủ để tinh thể nước đá không hình thành bên trong lớp dầu và làm hỏng kết cấu viên bánh; thứ hai là công đoạn làm bao bì có thể bảo vệ chúng khỏi bị cháy đông.

Tỷ phú sủi cảo duy nhất trên thế giới kiếm tiền thế nào? ảnh 2

Một dây chuyền sản xuất sủi cảo hiện đại của Sanquan

Không dùng cách tiếp thị đánh bóng rầm rộ, Chen mang sản phẩm đến một thị trường nổi tiếng là Hải Nam giới thiệu cách làm làm sủi cảo đông lạnh và mời người dùng nếm thử . Ông khéo léo xây dựng hình ảnh một người phụ nữ trung niên nấu ăn cho gia đình trong một không khí gia đình ấm cúng cho mẫu quảng cáo của mình, nhưng lại lấy bối cảnh mùa đông lạnh lẽo vì mùa bán chạy nhất là lễ hội đèn lồng - thời gian mà người dân Trung Quốc hay ăn món truyền thống là sủi cảo.

Sau khi công ty đã bước đầu thành công với thị trường địa phương, Chen tiếp tục mở rộng đến Bắc Kinh - nơi người dân thành thị không quen dùng sủi cảo. Ông giới thiệu sản phẩm đến những trung tâm mua sắm và siêu thị, tiếp thị hình ảnh gần gũi giúp người dân quen với sản phẩm mới lạ. Chen cải tiến một chiếc ôtô để giao hàng với tủ lạnh và máy phát điện. Đến nơi, chỉ cần đứng ở ngoài trời, ông có thể gọi khách hàng lần lượt đến nếm thử sản phẩm tại chỗ.

Nhiều doanh nghiệp lúc này nhận thấy thị trường tiềm năng của sủi cảo đông lạnh nên đã bắt đầu đặt hàng công ty khá nhiều. Tuy nhiên ngay sau đó, Chen lại gặp sự cạnh tranh gay gắt của hơn 30 đối thủ. Ban đầu, ông rất giận vì nghĩ họ đã vi phạm bản quyền và định thuê luật sư kiện ra tòa. Nhưng rồi ông nhận ra có quá nhiều người làm sản phẩm tương tự mình. “Luật không thể cấm được số đông”, ông nói.

Sau đó Chen thay đổi quan điểm, ông ủng hộ sự phát triển của ngành và thậm chí  chia sẻ bí quyết kinh doanh cho đối thủ. “Trào lưu đô thị hóa đang tăng mạnh, người dân thành thị đều có tủ lạnh và không có thời gian nấu ăn. Dù tôi có mở rộng quy mô thế nào cũng không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường đang mở rộng này”, ông nhận định.

Sanquan, tên công ty của Chen đặt trụ sở tại tỉnh Hà Nam - một tỉnh nông nghiệp. Nguồn nguyên liệu dồi dào tại đây giúp ông cắt giảm được chi phí sản xuất. Ngoài cung cấp việc làm cho hơn 20.000 nhân viên, Sanquan còn phát triển trồng trọt và chăn nuôi, từ đó nâng cao thu nhập cho hơn  400.000 nông dân.

Hiện nay, công ty có 7 nhà máy, 35 văn phòng kinh doanh, khoảng 2.000 đại lý và chiếm 27% thị phần tại Trung Quốc. Trong đó, nhà máy lớn nhất ở Trịnh Châu có khoảng 5.000 lao động và sản lượng đáng kinh ngạc với 400 tấn sủi cảo/ ngày. Sản phẩm của Chen xuất khẩu đến thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Australia và châu Á. Ngoài sản phẩm chủ đạo là sủi cảo, công ty còn mở rộng sản xuất những sản phẩm truyền thống: bánh xếp chiên, bánh tro, hoành thánh... Hiện, công ty còn mở thêm dịch vụ cung cấp gạo ăn liền.

Khi Chen thành lập Sanquan, trong 10 người dân Trung Quốc chỉ có một người có tủ lạnh. Cuối những năm 1980, khi mạng lưới điện được phổ cập và thu nhập người dân tăng, thì tủ lạnh đã trở nên phổ biến trong hầu hết các hộ gia đình. Trong 12 năm ( 1995-2007), con số người dân thành thị có tủ lạnh tại Trung Quốc từ 7% đã tăng lên 95 %.

Yantai Moon, một hãng sản xuất tủ lạnh Trung Quốc cho biết lợi nhuận của họ tăng gấp 5 lần chỉ trong năm 2013. Và khi đạt mốc 141 triệu m3, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để dẫn đầu thế giới về thể tích các kho đông lạnh. Như vậy, kinh doanh của tỷ phú sủi cảo Chen Zemin sẽ càng hưng thịnh hơn.

Theo Trần Bé

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG