Năm 1999, đang học phổ thông, Tùng đã bắt đầu cùng gia đình lưng trần trên vùng đồi Bến Dung toàn sỏi đá được Nhà nước giao khoán để đào hố trồng cây cao su (vàng trắng). Bao vốn liếng từ tiền bán trâu, bò, lợn, gia cầm, cộng với 50 triệu đồng vay ngân hàng, gia đình Tùng đầu tư hết vào trồng cây cao su. Sau 7 năm, 17ha cao su của gia đình bắt đầu cho thu hoạch mủ.
Là người sáng dạ nhất gia đình, sau khi học xong phổ thông, Tùng làm chủ trang trại. Tùng cắp sách đi khắp nơi học cách chăm sóc, khai thác mủ cao su sao cho đúng quy trình, để phát triển bền vững. Cứ ba giờ sáng, Tùng cùng ĐVTN trong thôn lại lên đồi Bến Dung hì hụi cạo mủ. Vì cây cao su phải cạo mủ từ lúc tờ mờ sáng đến khi mặt trời mọc mới đạt hiệu quả cao. Dù trời mưa lạnh, muỗi cắn đỏ chân, tay, nhưng suốt những năm qua, Tùng và các bạn ĐVTN được thuê làm đã quen với tác phong công nghiệp.
Ngoài cao su, Tùng còn trồng 3ha luồng; nuôi trâu, bò, lợn và đàn gia cầm hàng ngàn con. Mô hình kinh tế trang trại của Tùng đang tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động trẻ địa phương, với thu nhập 1,6 triệu đồng/người/tháng. Vào thời điểm chăm sóc cây cao su trong năm, Tùng còn giải quyết việc làm cho 30 lao động. Tổng thu nhập (sau khi trừ chi phí) từ mô hình trang trại của Tùng hiện đạt trên 1 tỷ đồng/năm (chủ yếu từ mủ cao su).
Anh Lại Đình Quang, Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn (Tỉnh Đoàn Thanh Hóa) cho biết đây là một trong những mô hình lớn, có hiệu quả nhất do đoàn viên ở nông thôn Thanh Hóa làm chủ. Năm 2011, Tùng được nhận giải thưởng Lương Định Của của T.Ư Đoàn.