Tỷ phú mơ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nghe tin ông tỷ phú Mơ sắp đi Mỹ, tôi vội phóng xe về Đông La. Thôn Đồng Nhân xã Đông La thuộc vùng đất bẩy làng La ven sông Đáy, sông Nhuệ xưa, giờ đã lên thị thành, ô tô theo đường nhựa vào từng nhà. Vào thời gian trước năm 2000, khi ông Nguyễn Văn Đường gây dựng cơ sở sản xuất mơ muối, mơ nướng xuất khẩu sang Nhật, khách buôn Trung Quốc, khách Nhật muốn về Đồng Nhân phải đi vòng vo thăm hỏi đến nửa ngày.

Từ những năm ấy, không chỉ Đồng Nhân mà cả xã Đông La đã gọi ông Nguyễn Văn Đường là tỷ phú Mơ muối, mơ nướng. Quả mơ, từ thứ quả chỉ để ăn chơi, cùng lắm mỗi mùa mơ chùa Hương được đưa về Hà Nội bán cho các gia đình làm ô mai Tết, hoặc ngâm với đường để làm xi rô uống mùa hè. Từ năm 1988, khi ông cử nhân ngân hàng kiêm nhà thơ Nguyễn Văn Đường về hưu non, mở xưởng mơ muối, sấu muối, chanh muối xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, các thương lái bắt đầu kéo về Đồng Nhân.

Thế rồi năm 1997, một thương gia Nhật Bản, đại diện cho công ty Takarakasel tìm đến ông Đường đặt sản xuất thử 12.000 kg mơ muối, thì Đông La bắt đầu gắn bó với quả mơ. Rồi vùng mơ Bắc Cạn với loại mơ cùi dày hạt nhỏ hương vị thơm ngon được phát hiện. Chính quyền tỉnh Bắc Cạn cử sáu mươi thanh niên từ các huyện về Đồng Nhân tập huấn phương pháp thu hoạch và bảo quản mơ, nâng dần năng suất quả mỗi năm lên hơn một nghìn tấn.

Mơ muối Đông La của ông Nguyễn Văn Đường, năm 1999 chính thức chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản. Khách hàng Nhật Bản nhận xét: “Hàng Việt Nam đạt chất lượng tốt, vượt chất lượng hàng chúng tôi nhập từ Đài Loan và Trung Quốc lục địa. Mơ muối của ông được đánh giá ngang ngửa với mơ muối sản xuất tại Nhật Bản”. Năm 2001, hàng mơ muối của ông Đường xuất sang Nhật đạt mức kỷ lục là 48.000 kg.

Những năm tiếp theo có thêm mặt hàng mơ nướng do ông Đường sáng chế, vụ mơ năm 2002-2003 có 90.750 kg mơ nướng, tương đương gần 130.000 kg mơ muối, đã được xuất sang Nhật, thu về 3,7 tỷ đồng. Từ vùng đất thuần nông nghèo, nay Đông La đã thành vùng chế xuất, mỗi năm thu hút theo thời vụ, từ 40 đến 150 lao động. Từ năm 2006, con gái ông Đường, nối bước cha trực tiếp làm Xưởng chế biến ô mai Đồng Nhân. Cho tới giờ, năm 2021, 2022 sau Covid, hàng xuất khẩu khó khăn, mơ ô mai chủ yếu tiêu thụ trong nước, mỗi năm xuất xưởng từ 100 đến 140 tấn thành phẩm đi khắp các thị trường Bắc Trung Nam.

Cả hai vợ chồng ông Đường giờ đã quá bát tuần, ông sinh năm 1940, bà Dương Bích Sâm kém ông một tuổi, nhưng cả hai còn rất tráng kiện, đẹp đôi, ứng xử với nhau như cặp vợ chồng son khiến tôi liên tưởng tới những tiểu thuyết diễm tình từ thuở “Hồn bướm mơ tiên”, “Đời mưa gió” của nhóm Tự lực Văn đoàn.

“Lần này hai bác đi Mỹ để định cư thật sao?” - Tôi hỏi ông Đường mà như đã cầm chắc câu trả lời, vì biết hai ông bà đã từng ở Mỹ sáu năm với con gái thứ ba, Nguyễn Thanh Thúy, từ 2006 đến 2012 và đã có thẻ xanh.

“Tôi đã nói với chú rồi - ông Đường coi tôi như em trai, chẳng muốn giấu chuyện gì - Với người già chúng mình thì không ở đâu bằng ở quê Mẹ Việt Nam. Năm 2012, vì bà cụ tôi mất, vợ chồng tôi phải về sớm, chứ không phải không về”.

“Vậy lần này hai bác sang để hoàn thiện nốt cái quốc tịch Mỹ?”

Ông Đường nghiêng tai, vì nghễnh ngãng, muốn tôi nhắc lại. Rồi ông cười, nụ cười xuê xoa nhưng có nét như giễu cợt.

“Thế là chú lại thiên nghĩ theo hướng thực dụng. Tuổi hai ông bà già này thì thiết gì cái quốc tịch Mỹ. Đợt này chúng tôi đi ba tháng thôi. Tôi sang để giúp con Thúy xây dựng chuỗi nhà hàng ẩm thực Việt ở một vài bang của Mỹ. Chú biết không, nhà hàng ẩm thực, đặc sản phở Hà Nội của con Thúy ở Bethlehem bang Pennsylvania được Thống đốc bang khen. Người Mỹ bảo: Việt Nam là vương quốc ẩm thực. Phải biết phát huy ưu thế này”.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên, nhưng rồi tự ngẫm ra. Vậy là ông già trí lự này vẫn không chịu ngồi yên ở cái lam viên Đồng Nhân, nơi ông đã tay không xây dựng cơ đồ hơn ba mươi năm qua.

***

Những người Đông La thế hệ ông Nguyễn Văn Đường, chắc không còn nhiều, nếu còn đều biết hai mẹ con bà Vy thuộc loại bần cố nông nghèo rớt mồng tơi của làng Đồng Nhân. Người mẹ trẻ hai mươi tuổi có mang được tám tháng thì chồng ra ga Hàng Cỏ đi Nam, làm phu đồn điền, với quyết tâm đổi đời, thoát cảnh nghèo đói triền miên.

Người vợ một mình vượt cạn, sinh con trên thửa đất mười thước và ba gian nhà gianh vách nứa. Ấy là năm 1940, năm mà cậu bé Nguyễn Văn Đường chào đời. Hai mẹ con côi cút nuôi nhau, mẹ làm đủ nghề: Hàng xay hàng xáo, buôn bán dạo, nay chợ So mai chợ Đăm, chợ Mỗ, trong cảnh biền biệt tin chồng, tin cha. Người mẹ, với căn cốt tứ đức tam tòng trong máu, dù rau cháo, cũng quyết cho con học hành bằng chúng bạn.

Cậu bé Đường noi gương người ông họ, quan đốc học Hà Đông Nguyễn Văn Hùng, người được học trò là Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, sau làm cố vấn cho chính phủ Cụ Hồ, có bài tiễn thầy về hưu được in trên báo Trung Bắc tân văn, 1931, lưu bút trong nhà thờ họ, quyết không thua kém bạn, luôn đoạt loại giỏi trong các kỳ thi. Ngày ấy, cả tỉnh Hà Đông mới có trường cấp ba Nguyễn Huệ.

Mấy năm trời, ngày nào Đường cũng cuốc bộ từ nhà ra thị xã, nhiều khi với cái bụng lép kẹp. Sau năm 1963, anh đỗ bằng Đại học Ngân hàng . Cũng năm đó, đại đăng khoa tiếp tiểu đăng khoa, như duyên trời định, anh quen nàng Dương Bích Sâm, là Việt kiều Lào, sang điều trị ở Bệnh viện Hữu Nghị.

Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, thực chất là mối tình sét đánh, vì nàng quá đẹp và đoan trang hiền thục. Bố mẹ Sâm người Hà Tĩnh, sang Xiêng Khoảng, Viên Chăn sinh sống, từng giúp đỡ và là cơ sở cách mạng Lào và Việt Nam. Đám cưới đời sống mới của anh cán bộ ngân hàng với cô thiếu nữ Việt kiều đơn giản nhưng ghi một mốc son suốt đời.

Bằng nghị lực và sự học hỏi không ngừng, Nguyễn Văn Đường trở thành một cán bộ xuất sắc của ngành ngân hàng, có thêm bằng cao đẳng Pháp lý, được hưởng lương chuyên viên.

“Đang thăng tiến như vậy, tại sao bác lại nghỉ hưu non vào năm 48 tuổi” - Tôi hỏi ông Đường.

“Năm 1988, có chủ trương tinh giảm biên chế, chú ạ - Ông Đường nhìn tôi thăm dò – Tôi hỏi chú, nếu đặt vào hoàn cảnh tôi lúc ấy, một mẹ già, bốn con nhỏ, nghèo đến mức phải gửi một đứa con gái sang Viên Chăn nhờ bà ngoại nuôi giúp, ấy là con Thanh Thúy đang ở Mỹ bây giờ đó, trong khi đó mình có phấn đấu đến giời biển người ta vẫn không tin dùng mình…”.

“Ý bác nói là khi ấy bác không có khả năng vào Đảng…?”.

“Không bao giờ tổ chức kết nạp con một kẻ đi Nam không rõ hành tung – Ông Đường khẳng định – Tôi đã kể chú nghe lần tôi cắt máu ngón tay viết đơn xin vào bộ đội nhưng không được chấp nhận chưa nhỉ. Đấy, đã không có niềm tin với nhau thì làm sao mình còn động lực để làm việc. Vậy thì nhân giảm biên chế, mình nhường ghế của mình cho người khác. Tôi về hưu để tìm cách thoát nghèo. Ban đầu tôi định làm xây dựng. Tôi tính toán, làm xây dựng nhất định sẽ giàu. Nhưng không bền, vì sẽ phải đi đêm, sẽ phải khai khống để đội giá mới có lãi… Cuối cùng tôi chọn khâu chế biến nông sản. Nông nghiệp là lợi thế của nước mình. Chỉ cần mình tìm đúng mặt hàng và có đầu ra. Tôi học cách chế biến dong riềng, muối sấu, trám, mơ…”.

Tôi muốn trở lại câu chuyện về người cha đi Nam.

“Bác có ân hận vì cuộc đi Nam của người cha mà bác không có đường thăng tiến, phải nghỉ hưu sớm?…”.

“Không, chú ạ. Trái lại tôi càng thương ông cụ. Cho tới giờ tôi vẫn chưa hình dung nổi thầy tôi là người thế nào. Suốt bao nhiêu năm, cho tới năm 1975, tôi vẫn nghĩ thầy tôi còn sống. Tôi tưởng tượng ra ông cụ trở thành một người nằm vùng như ông tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, ông nhà văn Vũ Bằng… rồi ông cụ sẽ trở về để an ủi mẹ tôi, để tôi và cả dòng họ tự hào…- Ông Đường thổ lộ nỗi sâu kín nhất của mình – Suốt từ ngày thầy tôi rời làng, đến năm 1954 mới có một tấm bưu thiếp gửi kèm một tấm ảnh báo tin là vẫn còn sống. Sau đó lại biệt tăm. Năm 1975, sau giải phóng, mẹ tôi bắt tôi phải đi tìm thầy bằng được. Địa chỉ là tấm bưu thiếp duy nhất mẹ tôi còn giữ. Bà cụ làm một cái lễ trời phật tổ tiên rồi giao cho tôi một túi đồng xu. Mẹ bảo, đi qua bất cứ một cầu nào thì ném một đồng xu. Tôi nghe theo mẹ, ném năm trăm mười tám đồng xu qua năm trăm mười tám cây cầu từ quê tôi vào tới Sài Gòn…”.

Tự nhiên tôi dừng ánh mắt ở vầng trán bóng rộng của người bạn vong niên. Ngay từ hồi chụp ảnh với Thủ tướng Phan Văn Khải trong một cuộc hội thảo, với các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản, vầng trán ấy đã luôn nhô lên như thế.

“Cuối cùng đã tìm thấy ông cụ?”

“Một người làng nói ông cụ mất từ năm 1966, hưởng dương 46 tuổi. Từ năm 1940, khi vào tới Sài Gòn tên thầy tôi là Ba, anh Ba Bắc Việt. Ông cụ không đi đồn điền mà làm nghề cắt tóc và đủ nghề ở khu vực đường Nguyễn Biểu, cầu chữ Y. Rồi ông là cơ sở cách mạng. Bị bắt, bị tra tấn. Bị bệnh phổi. Tôi đã tìm khắp khu vực đó cả tuần. Linh tính báo thầy tôi nhất định để lại một tín hiệu gì đấy. Quả nhiên, cuối cùng tôi cũng tìm ra: Thầy tôi có bà vợ hai tên Mai, người Quảng Ngãi, có con gái tên Trinh.

Nhưng cả hai mẹ con đã đi kinh tế mới ở Long Thành, Đồng Nai. Phải ba năm sau, sau mấy lần tìm kiếm nữa, tôi mới tìm thấy dì Mai và em Trinh ở khu kinh tế mới Long Thành. Bà Mai, em Trinh nhận ra máu mủ thầy tôi, ôm lấy tôi khóc ròng. Bà kể: Nếu u anh ngoài nớ khổ một, thì tui khổ mười. Ba anh nhớ quê, nhớ vợ con, chẳng thiết làm ăn, suốt ngày chỉ cờ bạc. Có lúc đã có ô tô, có của ăn của để. Nhưng rồi lại trắng tay. Rồi ba bị bịnh phổi do bị tra tấn vì nghi cơ sở cách mạng chìm, không thuốc thang, không bệnh viện. Tro cốt thầy tôi được gửi trong ngôi chùa đường Lê Văn Duyệt.

Mộ chí ghi: “Nguyễn Văn Việt, quê La Phù, Hà Đông”. Năm 1978, tôi và thằng con cả đưa hài cốt thầy tôi về quê, sau 38 năm tha hương. Cuộc trở về của thầy tôi làm mẹ tôi như trút được khối nặng trong lòng, lại có thêm người em, vợ bé của chồng, là bà Mai và cô con gái là Trinh. Em Trinh sau có chồng và con cái đề huề. Ngày bà Mai mất, năm 2017, thọ gần 90 tuổi, tôi vào chịu tang, mặc áo xô, đội mũ rơm như con trai của bà. Chắc mẹ tôi dưới suối vàng cũng ấm lòng lắm!”.

Tỷ phú mơ ảnh 1

Cơ ngơi tỷ phú mơ trong khu dân cư sầm uất

Chỉ ít ngày nữa, đầu mùa xuân năm Quý Mão, cặp tình nhân Nguyễn Văn Đường – Dương Bích Sâm, ngoại bát thập, sẽ bay sang Mỹ để giúp con gái gây dựng một chuỗi cửa hàng ẩm thực Việt trên những vùng đất lạ. Tôi tin, giấc mơ Việt, hiện thực Việt ấy sẽ bay xa, lan tỏa, sẽ nảy chồi Xuân trên nửa Tây bán cầu.

Tôi đi trong khuôn viên hơn nghìn mét vuông với tòa ngang dãy dọc bốn năm ngôi nhà liên hoàn và một ao cá vuông vắn, một vườn bưởi, mít, xanh um của ông và rưng rưng nghĩ tới người mẹ đã chờ chồng rồi thờ chồng, nuôi một con trai duy nhất suốt từ năm 20 tuổi…

“Đây, cái nền nhà mười thước đất ngày xưa của mẹ con tôi đây – Ông Đường níu tôi lại chỗ gốc bưởi đang đơm quả vàng trĩu cành – Ngày tôi bé, chỗ này là ba gian nhà tranh của mẹ con tôi. Sau năm 1988, khi về hưu non, tôi quyết bằng mọi giá phải đổi đời, phải xây cho mẹ một ngôi nhà. Thế rồi dự án làm mơ muối, mơ nướng thành công. Tôi có Đô la, có Yên Nhật. Tôi mua đất của bốn gia chủ xung quanh, để có cơ ngơi bây giờ…”.

Tỷ phú mơ ảnh 2

Vợ chồng tỷ phú mơ

Tự nhiên tôi dừng ánh mắt ở vầng trán bóng rộng của người bạn vong niên. Ngay từ hồi chụp ảnh với Thủ tướng Phan Văn Khải trong một cuộc hội thảo, với các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản, vầng trán ấy đã luôn nhô lên như thế. Con người ngày nào cũng hút liền ba bao thuốc lá Vina, tới mức chỉ bật một lần lửa từ sáng ngủ dậy và chỉ tắt thuốc trên môi lúc đêm nằm trên giường, vậy mà thấy tác hại của thuốc, một ngày trong năm 2000, liền tuyên bố: Từ tám giờ sáng mai mẹ và các con theo dõi nhé, bố sẽ bỏ thuốc. Lời nói như dao chém đá. Và từ đó không bao giờ cầm lại điếu thuốc. Con người có vầng trán cương nghị ấy, năm 1992-1993 từng được mời tham gia Ban tư vấn kinh tế, làm việc tại Ban Kinh tế Trung ương phố Nguyễn Cảnh Chân. Và, từ mảnh đất cố hương, ông đã vạch con đường thoát nghèo cho mình và các con, từ tay trắng, từ căn nhà tranh vách nứa, trở thành tỷ phú Mơ, một giấc mơ có nguyên liệu từ cây trái quê hương.

Chỉ ít ngày nữa, đầu mùa xuân năm Quý Mão, cặp tình nhân Nguyễn Văn Đường – Dương Bích Sâm, ngoại bát thập, sẽ bay sang Mỹ để giúp con gái gây dựng một chuỗi cửa hàng ẩm thực Việt trên những vùng đất lạ. Tôi tin, giấc mơ Việt, hiện thực Việt ấy sẽ bay xa, lan tỏa, sẽ nảy chồi Xuân trên nửa Tây bán cầu.

MỚI - NÓNG