“Tỷ phú chân đất” vùng Đông Tảo

“Tỷ phú chân đất” vùng Đông Tảo
TP - Nhiều người quen gọi Nguyễn Văn Thiết, ở xã Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên là “tỷ phú chân đất”, bởi anh chỉ là một nông dân bình thường, xây dựng cơ đồ với hai bàn tay trắng.
“Tỷ phú chân đất” vùng Đông Tảo ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tặng anh Thiết bức tranh sơn mài năm 2003, khi về thăm trang trại 
     Ảnh: Phong Cầm (chụp lại ảnh tư liệu)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, khi về thăm mô hình kinh tế của anh, đã nhận định: “Đây là một điển hình về làm kinh tế nông nghiệp nông thôn”...

Đường vào trang trại của Nguyễn Văn Thiết bạt ngàn cây ăn quả, cây cảnh. Bước vào cổng trang trại, tôi thấy anh đang hướng dẫn người giúp việc tạo dáng một cây si.

Tay lấm lem bùn đất, Thiết nở nụ cười hiền khô chào với chất giọng đặc sệt Hưng Yên. Sau vài tuần nước, Thiết kể: “ở đây trước kia là vùng đất làm lò gạch, toàn ao với vũng.

Là thanh niên, nhiều lần đi qua thấy đất bỏ hoang, tiếc quá, thế là tôi làm đơn xin thầu đất làm trang trại...”. Sau khi được xã đồng ý, Thiết thuê ô tô chở đất từ bãi sông Hồng về lấp phẳng. Anh cho rào, chia thửa để làm trang trại trồng cây cảnh.

Những năm 80, khi đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, anh Thiết mạnh dạn vay vốn từ bạn bè, người thân; lặn lội từ Bắc chí Nam tìm giống cây cảnh về ươm.

Lứa cây đầu hầu như mất trắng, vì vốn kiến thức của anh về cây cảnh lúc đó chưa đủ. Dần dà, từ kinh nghiệm thực tế và học được từ các nhà khoa học, các mô hình trang trại đăng tải trên báo chí, anh quyết định trồng quất cảnh, cây vạn tuế, cây si, cây đa rồi mộc lan, lộc vừng, cau cảnh...

Nhiều cây, nhờ tạo dáng đẹp, anh bán được cả trăm triệu đồng. Đến những năm 1990- 1991, trang trại của anh thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Anh trả nợ, tích cóp tiền đấu thầu thêm đất mới. Nhờ vậy, trang trại của anh hiện đã rộng tới 25.000 m2.

Anh cho trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như: cam Canh, bưởi Diễn... Thu nhập từ cây ăn quả mỗi năm 1,2-1,4 tỷ đồng. Anh cho xây dựng thêm ao, chuồng để chăn nuôi lợn, gà.

Hiện, trong trang trại của anh có gần 1.000 con lợn, thu nhập từ bán lợn 7-8 trăm triệu đồng/năm. Trang trại ngày càng phát triển, cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trẻ với thu nhập ổn định từ  800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng.

Những trăn trở 

Theo anh Thiết, hiện nay nhiều mô hình trang trại trên cả nước làm ăn hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích và giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động.

Tuy nhiên, cái khó của các chủ trang trại là ít hiểu biết về khoa học kỹ thuật. “Trang trại tôi có được như hôm nay là do kinh nghiệm thực tế chứ về khoa học kỹ thuật nói thật là tôi ít được cập nhật”- Anh Thiết thừa nhận.

Cái khó thứ hai của các chủ trang trại là ít được vay vốn ngân hàng. “Vì không được hỗ trợ vốn, nên muốn phát triển trang trại nhiều khi rất khó” - Anh Thiết nói.

“Tỷ phú chân đất” vùng Đông Tảo ảnh 2
Một góc trang trai chăn nuôi

Một khó khăn mà hầu như chủ trang trại nào cũng đang phải đối mặt là xây dựng thương hiệu. Anh Thiết kể: “Nhiều đoàn khách nước ngoài về tận trang trại ăn cam, bưởi đều khen rất ngon. Thậm chí, họ nói có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Thế nhưng, trong thời gian SEA Games 23 diễn ra tại Việt Nam, khách nước ngoài chỉ ăn những loại quả đã có tem, mác; còn cam, bưởi Hưng Yên chất lượng rất tốt mà không bán được, do khách nước ngoài chỉ quen ăn những loại đã được kiểm chứng...

Vì thế, nhất thiết các chủ trang trại phải bắt tay nhau cùng xây dựng thương hiệu. Có như vậy, sản phẩm làm ra mới có thị trường cả trong nước và xuất khẩu.

Với những ý tưởng táo bạo, luôn đi trước một bước Nguyễn Văn Thiết đã lôi cuốn được nhiều chủ trang trại khác cùng liên kết, tạo nên sức cạnh tranh và phát triển. Riêng trang trại của Thiết, trong năm 2005 đã mang về cho anh hơn 2 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG