Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị làm rõ vì sao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng lại giảm mạnh Ảnh: NHẬT MINH
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị làm rõ vì sao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng lại giảm mạnh Ảnh: NHẬT MINH
TP - “Năm 2020, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 40% nhưng năm 2021 chỉ đạt trên 5%. Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng lại giảm nhiều đến như vậy”, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu câu hỏi và đề nghị các cơ quan làm rõ khi tham gia thảo luận tại Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng, ngày 23/10.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thời gian qua đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý; nhất là trong đấu tranh với các vi phạm trong buôn bán các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bộ cũng đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Năm 2021, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí cho biết, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng chủ yếu ở lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai…

Trước tình trạng này, Viện Kiểm sát nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Qua đó, đã thu hồi hơn 4.500 tỷ đồng, phong tỏa tài khoản và kê biên nhiều tài sản có giá trị lớn như: cổ phiếu, bất động sản.

Đặc biệt, VKSND Tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả, đã thu hồi được hơn 2,7 triệu USD.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục...

Đặc biệt, trong năm 2021 đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, như hiện tượng thu tiền để được tiêm chủng vắc xin tại một số cơ sở tiêm chủng; một số đối tượng yêu cầu người dân “trả phí” để được ưu tiên tiêm trước… Tình trạng làm giả giấy nhận diện mã QR Code để vào “luồng xanh vận tải”; lợi dụng “luồng xanh” để vận chuyển người, hàng hóa trái phép… xảy ra ở một số địa phương.

Về thu hồi tài sản tham nhũng, dẫn con số nêu trong báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cho biết, tổng số tiền phải thi hành trên 72 nghìn tỷ đồng, hiện đang tổ chức thi hành trên 34 nghìn tỷ đồng và đã thu được trên 4 nghìn tỷ đồng.

Để việc thu hồi tài sản tham nhũng được hiệu quả, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung xây dựng Luật Đăng ký tài sản vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ này. Ông cũng đề nghị Chính phủ có lộ trình áp dụng nhiều biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội theo hướng các hoạt động giao dịch kinh tế đều qua ngân hàng để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Thảo luận về nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) bày tỏ sự băn khoăn khi kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm 2021 giảm rất nhiều so với trước. “Năm 2020, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt hơn 40% nhưng năm 2021 chỉ đạt trên 5%. Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng lại giảm nhiều đến như vậy”, bà Thủy đặt câu hỏi.

Đối với các vụ việc tiêu cực, có dấu hiệu tham nhũng trong công tác phòng, chống dịch, bà Thủy đề nghị xử lý nghiêm minh, không áp dụng biện pháp giảm nhẹ. “Trong khi người dân khó khăn, cả nước chung tay phòng, chống dịch mà lại lợi dụng vào đó để trục lợi là không thể chấp nhận được”, bà Thủy thể hiện quan điểm.

Theo chương trình, hôm nay (24/10), Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận vào các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.