Kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), cho thấy việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến các CTMTQG, cơ bản đến nay đã hoàn thành với khối lượng khá lớn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành đã ban hành trên 54 văn bản liên quan đến quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình. Trên cơ sở đó bình quân mỗi tỉnh ban hành khoảng từ 40 - 50 văn bản quản lý, hướng dẫn theo thẩm quyền.
Về các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc vẫn khá tích cực, tỷ lệ nghèo giảm 3,4% (đạt và vượt 3% mục tiêu kế hoạch giao). Mặc dù lần đầu tiên làm chủ Chương trình mục tiêu quốc gia, song Ủy ban Dân tộc đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tham mưu, điều phối ban hành các văn bản, nắm bắt tình hình địa phương và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thẩm quyền và trách nhiệm được giao.
Ảnh minh họa: ĐT |
Tuy nhiên, theo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, do khối lượng các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN rất lớn, nên mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban dân tộc, các bộ ngành trung ương và địa phương đã rất tích cực, quyết liệt nhưng công tác ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, nhiều bất cập, có nội dung hướng dẫn của Chương trình đến nay chưa hoàn thành, có nội dung yêu cầu sửa đổi.
Cụ thể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, thì 16 tháng sau (14/10/2021) Chính phủ mới ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021). Tiếp theo đó, gần một năm sau nhiều bộ ngành mới ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến dự án, tiểu dự án của Chương trình. Cá biệt có những bộ ngành gần 18 tháng mới ban hành thông tư hướng dẫn.
Bên cạnh đó, số liệu do Bộ Tài chính báo cáo về giải ngân vốn kế hoạch 2022 (gồm cả vốn 2022 kéo dài sang 2023) là 55,85%; vốn kế hoạch năm 2023 giải ngân đến tháng 6/2023 ước đạt 16,5%. Như vậy, sau khi Chương trình đã triển khai được nửa giai đoạn thì vốn giải ngân vẫn còn rất thấp.
Được biết, Chương trình này được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và Thủ tướng phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 1719/QĐ-TTG ngày 14/10/2021. Với vốn dự kiến thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 137.664 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp gần 54.324 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là gần 10.017 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách 19.727 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác hơn 2.967,2 tỷ đồng.