Tỷ giá VND/USD: Quản chặt nên sẽ không tăng

Tỷ giá USD/VND năm nay dự báo sẽ ổn định.
Tỷ giá USD/VND năm nay dự báo sẽ ổn định.
TP - Với việc Thủ tướng yêu cầu không được để lãi suất tăng, liệu NHNN có chấp nhận rủi ro để điều chỉnh tỷ giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay? Tiền Phong xin giới thiệu bài phân tích của TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Tài chính.

Đồng USD sẽ đi về đâu?

Có một số lý do khiến cho tỷ giá giữa đồng USD và các đồng tiền khác trên thế giới ít chịu ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian gần đây. Thứ nhất, chính sách tăng lãi suất đã được dự đoán từ trước và thị trường đã có nhiều thời gian để thích ứng. Thứ hai, lãi suất tăng không phải là yếu tố duy nhất, thậm chí chưa chắc đã phải là yếu tố quan trọng nhất khiến cho đồng USD tăng giá trong thời gian qua. …

Nếu vậy, triển vọng của đồng USD trên thị trường thế giới thời gian tới sẽ không chỉ phụ thuộc vào việc Fed tăng lãi suất, mà còn phụ thuộc vào khả năng sinh lời của các tài sản tại Mỹ. Nếu các chỉ số DJIA, NASDAQ hay S&P 500… tăng chậm lại hoặc giảm, dòng tiền sẽ rời Mỹ để tìm đến các thị trường khác nhiều tiềm năng hơn. Lúc đó, đồng USD có thể sẽ không tăng giá cho dù Fed tiếp tục tăng lãi suất.

Về tỷ giá trung tâm, có một số lý do thúc đẩy NHNN điều chỉnh theo hướng tăng. Xét trên góc độ kỹ thuật, tỷ giá mà NHNN công bố hàng ngày hiện nay không phải là “trung tâm” theo đúng nghĩa, bởi nó thấp hơn cả giá bán lẫn giá mua USD trên thị trường cũng như giá bán và giá mua USD của chính NHNN. Vào thời điểm hiện nay, để trở thành tỷ giá trung tâm, nó phải nằm ở đâu đó trong khoảng 22.700 - 23.000 VND/USD.

Xét trên góc độ điều hành, mức tỷ giá trung tâm quá xa so với mức tỷ giá giao dịch trên thị trường hiện nay đồng nghĩa với việc thị trường đang giao dịch ở gần mức giá trần. Điều này sẽ hạn chế sự “linh hoạt” của thị trường và của chính NHNN trong trường hợp xuất hiện các cú sốc gây sức ép tăng tỷ giá. Một lý do khác có thể là NHNN muốn thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, để tác động đến xuất khẩu một cách chủ động, NHNN phải tác động đến tỷ giá giao dịch trên thị trường. Nhưng trong thời gian qua tỷ giá trên thị trường lại tương đối ổn định.

Sóng USD khó xảy ra

Thị trường thường hay tạo sóng để kiếm lời. Các sóng USD thường xuất hiện khi có những mất cân đối mang tính nền tảng về cung cầu ngoại tệ hay về tương quan giá trị giữa VND và các đồng tiền khác. Về cung cầu, năm nay Việt Nam đang nhập siêu. Nhưng khác với giai đoạn 2007-2011, hiện nay quy mô nhập siêu chỉ khoảng 2-3 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối lên đến hơn 40 tỷ USD. Đó là chưa kể cán cân thanh toán tổng thể có thể vẫn dương. Bởi vậy, việc bán ra vài tỷ USD để ổn định tỷ giá không phải là vấn đề đối với NHNN. Câu hỏi cần trả lời là: NHNN có muốn ổn định tỷ giá hay không?

Trong vài năm trở lại đây, các cuộc điều chỉnh tỷ giá thường không xuất phát từ sự thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ, mà do NHNN chịu sức ép phải đảm bảo tương quan về giá trị giữa VND và các đồng tiền khác. Nếu đồng USD tăng giá trên thị trường thế giới, NHNN gần như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc để VND mất giá, mặc dù có thể với quy mô nhỏ hơn và với tốc độ chậm hơn. Đây là gót chân Achilles của NHNN mà thị trường thường hay tận dụng.

Tuy nhiên, hiện nay đồng USD trên thế giới  đang có xu hướng giảm giá, ít nhất là trong ngắn hạn. Vậy thị trường trong nước lấy lý do gì để đầu cơ giá lên? Ở một mức độ nào đó, thúc đẩy xuất khẩu có thể là lý do hợp lý trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng yếu hiện nay.

Nhưng chính sách phá giá thường dẫn đến việc người dân chuyển đổi tài sản từ VND sang USD và tạo áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn. Với việc Thủ tướng yêu cầu không được để lãi suất tăng, liệu NHNN có chấp nhận rủi ro để điều chỉnh tỷ giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay? Nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không quá tệ, vấn đề ổn định lãi suất và nợ công có thể sẽ được ưu tiên.

Thực tế thời gian qua cho thấy, giá USD tại Việt Nam có xu hướng muốn đi xuống để đợi thời cơ đi lên. Nhưng NHNN đã không để điều này xảy ra, bởi nếu tỷ giá lên xuống thường xuyên với biên độ lớn theo thị trường thế giới, NHNN sẽ bị mất uy tín. 

Như vậy, những diễn biễn “lạ” của tỷ giá trên thị trường thế giới và trong nước vừa qua có thể là dấu hiệu cho thấy kỳ vọng của thị trường đã thay đổi. Trên thị trường thế giới, chu kỳ tăng giá của đồng USD có thể đã kết thúc. Còn ở trong nước, tỷ giá trên thị trường chưa có lý do để tăng, nhưng cũng không thể giảm vì bị NHNN chặn dưới.

Kể từ đầu năm 2017 đến nay đồng USD trên thị trường thế giới cũng như trong nước đã có những biến động “không như kỳ vọng”. Trong khi Fed ngày càng tỏ ra “diều hâu” trong chính sách tăng lãi suất, đồng USD trên thị trường thế giới lại có xu hướng giảm giá.

Mặc dù đồng USD giảm giá trên thị trường thế giới, NHNN lại liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo xu hướng tăng. Bất chấp việc NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo xu hướng tăng và Việt Nam đang nhập siêu trong 4 tháng đầu năm, tỷ giá trên thị trường trong nước vẫn ổn định.

Kể từ đầu năm 2017 đến nay đồng USD trên thị trường thế giới cũng như trong nước đã có những biến động “không như kỳ vọng”. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng tỏ ra “diều hâu” trong chính sách tăng lãi suất, đồng USD trên thị trường thế giới lại có xu hướng giảm giá. Mặc dù đồng USD giảm giá trên thị trường thế giới, NHNN lại liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo xu hướng tăng. Bất chấp việc NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo xu hướng tăng và Việt Nam đang nhập siêu trong 4 tháng đầu năm, tỷ giá trên thị trường trong nước vẫn ổn định.

MỚI - NÓNG