Hà Nội:

Tuyệt đối không đưa cán bộ bị kỷ luật về bộ phận tiếp công dân

Tuyệt đối không đưa cán bộ bị kỷ luật về bộ phận tiếp công dân
TPO - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tuyệt đối không phân công, điều chuyển công chức vi phạm kỷ luật, yếu kém chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu gương mẫu... làm công tác tiếp công dân; không được coi cơ quan, bộ phận tiếp công dân là nơi giải quyết tồn tại về cán bộ.

Ngày 24/4, UBND TP ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân đến kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu rà soát, bổ sung, bố trí đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất, camera giám sát, hệ thống bảng biểu, quy định của pháp luật, nội quy về tiếp công dân, đèn chiếu sáng, ghế, nước uống, quạt mát, nhà vệ sinh... tại khu vực chờ của công dân. Phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ: tiếp đón ban đầu, hướng dẫn, thông tin cho công dân tại khu vực chờ tiếp, kể cả khi tiếp thường xuyên và định kỳ, đảm bảo nhanh gọn, giảm thời gian chờ đợi của công dân.

Niêm yết, thông báo công khai lịch tiếp, thời gian, tên, số điện thoại của cán bộ tiếp công dân, cán bộ lãnh đạo phụ trách từng ngày, buổi tại trụ sở, phòng tiếp; bố trí hộp thư nhận đơn thư phản ánh về thái độ phục vụ của cán bộ tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về vụ việc cụ thể. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc các sở, ban, ngành niêm yết số điện thoại di động, cố định tại trụ sở, phòng tiếp để tiếp nhận thông tin thường xuyên của công dân.

Bố trí đầy đủ trang thiết bị, lắp đặt camera giám sát tại khu vực phòng tiếp công dân. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc các sở, ban, ngành Thành phố chỉ đạo, phối hợp với Công an cấp huyện xây dựng và thực hiện qui chế phối hợp đảm bảo an toàn tại trụ sở, phòng tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình.

Thực hiện đúng quy định của pháp luật, của UBND TP về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết, trả lời các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Trường hợp chậm trả lời, chậm thông tin kết quả giải quyết phải thông báo cho công dân và nêu rõ lý do. Định kỳ ngày 25 hằng tháng, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trên theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tại văn bản số 188/UBND-BTCD, ngày 16/01/2017.

Cán bộ tiếp công dân phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách, của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tế, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, nhiệt tình, bảo đảm yêu cầu về sức khỏe và có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Ưu tiên lựa chọn cán bộ có kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực, cán bộ giỏi thuộc diện qui hoạch đề bạt, luân chuyển. Tuyệt đối không phân công, điều chuyển công chức vi phạm kỷ luật, yếu kém chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu gương mẫu... làm công tác tiếp công dân; không được coi cơ quan, bộ phận tiếp công dân là nơi giải quyết tồn tại về cán bộ.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.