Lương y quốc gia Anh Đào (nguyên bác sĩ Viện Y học cổ truyền Quân đội, bác sĩ Phòng khám đông y 138A Giảng Võ, Hà Nội) cho biết vậy. Theo ông, cảm, phong hàn hay mắc khi thời tiết thay đổi, cơ thể không thích nghi kịp, tà khí (phong, hàn) sẽ xâm nhập cơ thể và gây bệnh.
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc chứng cảm, phong hàn với biểu hiện là: Ho, sợ gió, sợ lạnh, nhức đầu, ngạt mũi, chảy mũi, mạch phù khẩn, sốt nhẹ, không mồ hôi, đau đầu, người đau ê ẩm, rêu lưỡi trắng mỏng (viêm cấp đường hô hấp trên cũng thuộc cảm mạo).
Có một số cách đơn giản chữa cảm, phong hàn theo Đông y như sau:
1- Xoa bóp, day ấn huyệt
Đưa bệnh nhân vào nơi ấm và kín gió, xoa bóp day ấn huyệt sau:
Thái xung (trên mu bàn chân nằm giữa kẽ ngón 1 – 2 của bàn chân đo lên 2 tấc – khoảng 2 ngón tay nằm ngang - về phía mu của bàn chân); huyệt Nội quan (ở mặt trước cẳng tay từ lằn chỉ cổ tay đo lên 2 tấc, ở giữa hai gân cơ); huyệt Túc tam lý (ở mặt ngoài cẳng chân, dưới bờ xương bánh chè 3 tấc, cách mào xương chày 1 tấc); huyệt Thận du (ở vùng thắt lưng từ mỏm gai đốt sống thắt lưng hai đo ngang ra 1,5 tấc).
Day bấm các huyệt Lao cung (ở trong lòng bàn tay tại điểm giao nhau giữa đường khe giữa ngón 3 - 4), huyệt Lạc chẩm (ở phía mu bàn tay cách khe liên khớp bàn ngón của ngón trỏ và ngón giữa 1,5 tấc về phía mu bàn tay).
Huyệt Thái xung (dùng khi đau vùng thượng vị, huyệt vị du, huyệt trung quản). Nếu đau vùng quanh rốn bấm thêm huyệt Chương môn, Thiên khu; Đau vùng bụng dưới bấm thêm huyệt Trường du, Khí hải.
Mỗi huyệt day bấm 30 giây đến 1 phút, lực ấn vừa phải để vị trí huyệt tức là được.
Xong dùng 5 lát gừng già hãm nước nóng cho bệnh nhân uống. Hoặc rang gạo, bọc vào khăn để trên rốn người bệnh.
2. Xông hơi
Dùng các lá bạc hà, kinh giới, tía tô, lá chanh, lá bưởi, lá tre, lá sả, cúc tần mỗi thứ một nắm, rửa sạch, đổ ngập nước trên thuốc khoảng 2cm. Miệng nồi bịt lá chuối, hoặc giấy dày. Đun sôi 1 – 3 phút thì bắc xuống đem đến gần người bệnh chuẩn bị xông. Bệnh nhân trùm chăn kín, ngồi mở nắp vung bỏ ra ngoài, lấy đũa cả chọc thủng 1 lỗ giấy (lá) bịt miệng nồi để hơi nóng và các hương tinh dầu toả ra mặt và thân. Vừa xông hơi vừa ngoáy nồi xông, vừa thở đều chậm, khoảng 10 phút. Nước xông nấu từ các loại lá có tinh dầu giúp diệt khuẩn đường hô hấp, giúp ra mồ hôi, người nhẹ nhõm.
Xông xong thì bỏ chăn, lau khô người, thay quần áo. Chú ý tránh gió.
Lưu ý: Khi xông hơi nên ở nơi kín, tránh gió lùa. Không dùng cho trẻ nhỏ. Xông xong ăn bát cháo giải cảm
3. Cháo giải cảm
Hành tăm cả rễ 20g, gừng tươi 10g, gạo nếp 50g để nấu cháo loãng. Hành thái nhỏ, gừng thái tăm, hay giã nát cho vào bát. Khi cháo chín, múc ra khi đang sôi cho vào bát quấy đều. Ăn cháo nóng, trùm chăn cho ra mồ hôi. Hành, gừng để phát hãn giải biểu, cháo nóng để giúp hành gừng và bổ chính khí.
Lưu ý: Nếu đã ra mồ hôi thì không dùng bài thuốc này.
4. Đánh cảm
Có thể đánh cảm bằng rượu gừng - tóc rối, lá trầu không, cám gạo rang nóng, theo quy trình: Chà vùng trán vuốt sang hai thái dương xuống má: 20 - 30 lần. Chà xuôi từ hai bên gáy xuống dọc hai bên thái dương bả vai, lưng, thắt lưng và giữa sống lưng: 20 - 30 lần. Chà xuôi từ vai xuống phía ngoài cẳng tay mu bàn tay: 20 - 30 lần. Chà xuôi từ phía sau đùi, phía ngoài đùi xuống cẳng chân, bàn chân: 20 - 30 lần.
Đánh cảm xong nằm đắp chăn kín cho ra mồ hôi. Phương pháp này thường kết hợp với uống thuốc giải cảm hoặc ăn cháo giải cảm.
Đánh gió:
Nếu đánh cảm bằng lòng trắng trứng gà và đồng bạc, thì cho đồng bạc vào trong lòng trắng trứng còn nóng bọc vào vải mỏng bao (vuốt) vùng lưng dọc cột sống từ trên xuống dưới, bao trên mặt từ giữa trán ra hai bên xuống má, bao vùng tay chân từ gốc chi đến ngọn chi.
Có thể thay trứng, bạc bằng rượu trắng với gừng sao nóng ấm.
Khi cơ thể ra mồ hôi nên tránh ra ngoài gió, vì các lỗ chân lông đang mở rộng nếu bị gió nhập vào rất không tốt cho bệnh nhân.
5. Uống thuốc giải cảm sau:
Bài 1: Lá bạc hà, lá kinh giới, lá tía tô, cam thảo dây, hành hoa. Mỗi thứ một nắm, thêm một lát gừng. Hãm nước sôi, uống nóng trong ngày.
Bài 2: Tía tô 10g, bạch chỉ 6g, kinh giới 10g, vỏ quýt 5g, địa liền 6g, gừng tươi 3 lát, bạc hà 10g. Sắc uống ngày 1 thang uống 3 ngày.
Chỉ dùng 1 trong 2 cách, tùy thể trạng bệnh nhân.
Bài thuốc 3: Tô bạch thang (thuốc nam châm cứu).
Tô diệp, trần bì, cam thảo dây, củ gấu đều dùng 12g, gừng 8g, hành tăm 5g.
Hành, gừng để sơ tán phong hàn. Hương phụ, trần bì để lý khí. Tô diệp để giáng khí bình suyễn. Cam thảo để điều hoà các vị thuốc. Nếu nhức đầu nhiều thêm mạn kinh tử, bạch chỉ. Nếu đầy bụng, buồn nôn, hay tiêu chảy phân lỏng thêm hoắc hương, hậu phác.
Nên dùng kèm một tô cháo giải cảm gồm: cháo trắng, hành ta, lá tía tô thái nhuyễn, gừng tươi, lòng đỏ trứng gà và một chút tiêu đen - sẽ giúp cơ thể hết cảm, phục hồi sức khỏe rất hiệu quả.
Vào mùa mưa, chúng ta nên chuẩn bị sẵn trong gia đình những nguyên liệu để nấu cháo như trên, rất hữu ích trong việc ngăn chặn, giải cảm.
Luôn bỏ túi 2 thứ đề phòng cảm mạo, phong hàn
Luôn để trong túi 1 củ gừng nướng, hoặc dầu gió.
Khi có triệu chứng ớn lạnh dọc xương sống, nhức đầu, mệt mỏi uể oải, sợ lạnh, đi tiêu phân lỏng, có sốt nhẹ, hoặc hạ đường huyết, bủn rủn chân tay, toát mồ hôi, chân không đứng vững… là đã bị cảm mạo, phong hàn.
1- Hãy nướng sẵn một củ gừng bỏ túi, luôn mang theo người. Khi thấy các triệu chứng cảm mạo, phong hàn thì nhấm ăn dần. Ăn hết nửa củ gừng nướng là đánh bay được các triệu chứng khó chịu của cảm mạo, phong hàn.
Về nhà cần uống thêm nước đường gừng tươi nóng. Hoặc đánh gió bằng gừng tươi giã nhỏ, trộn với rượu trắng, tóc rối, bọc vào miếng vải đánh giải cảm.
2- Bỏ túi hộp cao sao vàng, dầu khuynh diệp... Hãy xoa dầu, đánh cảm.
Dầu gió ngoài đánh bay các triệu chứng choáng váng, mệt lả, ngất xỉu, nôn… của cảm mạo, phong hàn. Còn rất tốt để trị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau gân, đau cơ bắp, tụ máu, thâm tím, đầy hơi, chậm tiêu, khó tiêu, chống lạnh đường hô hấp..