Tuyển Việt Nam vắng Quang Hải ở AFF Cup 2022?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vắng Quang Hải chắc chắn là một tổn thất đối với đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022 sắp tới. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là một thảm hoạ nếu nhìn vào lực lượng HLV Park Hang-seo đang nắm trong tay.

Không phải vô cớ, nỗi lo đội tuyển Việt Nam vắng Quang Hải ở kỳ AFF Cup sắp tới lại dấy lên gần đây. Các nguồn thạo tin đều cho thấy khả năng tiền vệ sinh năm 1997 không tham dự giải đấu này là khá cao. Cụ thể theo kế hoạch, AFF Cup 2022 sẽ khởi tranh từ giai đoạn giữa tháng 12/2022 qua đầu tháng 1/2023. Trùng thời điểm trên, Ligue 2 của Pháp đang bước vào nhịp quan trọng. Với vị thế chông chênh hiện tại, Pau FC khó lòng chấp nhận nhường quân cho đội tuyển Việt Nam. Trong khi đó, Quang Hải cũng đang có nhiều cơ hội được đội bóng Pháp trao cơ hội, củng cố vị trí hiện tại. Nếu trở lại Việt Nam dự AFF Cup 2022 thời điểm trên, anh có thể bỏ lỡ khoảng 5 trận cùng Pau FC.

Tuyển Việt Nam vắng Quang Hải ở AFF Cup 2022? ảnh 1

Tiền vệ Quang Hải

Đó rõ ràng là lựa chọn khó khăn với Quang Hải, vốn đang rất khát khao khẳng định được giá trị của mình khi đầu quân cho đội bóng Pháp. Do không thuộc FIFA Days, Pau FC cũng có quyền từ chối trả quân, cho dù HLV Park Hang-seo muốn triệu tập Quang Hải.

Nếu nhìn vào vai trò của Quang Hải ở đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, rất dễ để đưa ra những cảnh báo về những khó khăn đặt ra tại AFF Cup 2022 nếu thực sự tiền vệ quê Đông Anh không thể dự tranh. Anh thường xuyên chiếm vị trí chính thức ở đội bóng, thuộc tốp cầu thủ có cường độ thi đấu lớn nhất ở đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park. Dù phủ nhận không phụ thuộc vào một cá nhân nào, ai cũng thấy HLV Park Hang-seo sử dụng Quang Hải triệt để ra sao.

Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa đội tuyển Việt Nam không thể bước lên ngôi cao nhất ở AFF Cup 2022 nếu thiếu Quang Hải. Có nhiều cơ sở để tin rằng nếu có giải pháp hợp lý, HLV Park Hang-seo hoàn toàn đủ khả năng để cùng các học trò đạt mục tiêu giành lại ngôi vị số 1 từ tay Thái Lan. Đầu tiên, tuyển Thái cũng đang đứng trước những khó khăn khá lớn. Những bất ổn đang xảy ra ở Hiệp hội bóng đá Thái Lan (FAT), gần nhất là việc họ không đủ kinh phí để thuê HLV ngoại cho đội tuyển U23. Sự ổn định ở cấp thượng tầng là yêu cầu quan trọng để đội tuyển Thái Lan có thể tập trung cho nhiệm vụ chuyên môn.

Về nhân sự, đội tuyển Thái Lan cũng có khả năng thiếu ngôi sao số 1 Chanathip Songkrasin, người đang chơi bóng ở J-League (Nhật Bản). Chanathip đã công khai ý định xin rút do muốn nghỉ ngơi giai đoạn cuối năm. Thực tế, Chanathip từng không dự kỳ AFF Cup 2018 và chỉ trở lại để giúp đội tuyển Thái Lan tăng cường sức mạnh. Bên cạnh Chanathip, HLV Mano Polking cũng có thể không có sự phục vụ của Thanawat, tiền vệ đang khoác áo Leicester City (Anh) vì chấn thương.

Ngược lại, đội tuyển Việt Nam đang khá dồi dào nhân sự ở tuyến giữa. Tại SEA Games 31, ông Park đã thành công khi sử dụng bộ đôi tiền vệ trung tâm Hùng Dũng và Hoàng Đức. Sự tiến bộ vượt bậc của Hoàng Đức thời gian qua là tín hiệu tốt với đội tuyển Việt Nam. Sự phối hợp ăn ý của cả hai có thể giúp tuyến giữa đội tuyển Việt Nam đảm bảo được cả khả năng hỗ trợ phòng ngự và tổ chức tấn công.

Ngoài ra, ông Park cũng có thể trông đợi vào sự trở lại của Đoàn Văn Hậu bên hành lang cánh trái, hoặc Tấn Tài đang chơi rất hay bên cánh phải. Cả hai đều là mẫu hậu vệ tham gia tấn công rất hiệu quả.

Vấn đề đặt ra đối với HLV Park Hang-seo có lẽ chỉ là cần tiếp tục đổi mới lối chơi, xây dựng các chiến thuật linh hoạt hơn trong bối cảnh các đối thủ ở Đông Nam Á đã không còn lạ gì các “bài” cũ của nhà cầm quân Hàn Quốc. Bản thân ông Park sau khi đã “no nê” các danh hiệu cũng cần tự làm mới mình, qua đó có thể “thổi lửa” vào các học trò, nâng cao tinh thần chiến đấu cho đội tuyển Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.