Ông đánh giá thế nào về vai trò của HLV Mai Đức Chung trong trận đấu với Campuchia vừa rồi?
Tôi muốn dành lời khen cho HLV Mai Đức Chung. Có thể người ngoài nhìn vào trận đấu vừa rồi thấy đội tuyển Việt Nam đá không đẹp, nhưng với góc nhìn chuyên môn của riêng tôi, nếu đặt trường hợp HLV thiếu kinh nghiệm, đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể bị Campuchia cầm hoà, thậm chí đánh bại.
Cách sử dụng nhân sự của ông Chung trước Campuchia cũng đầy kinh nghiệm. Nhất là thời điểm ông ấy tung Mạc Hồng Quân vào sân. Ở thời điểm cậu ta xuất hiện trên sân, các hậu vệ Campuchia bị hút hết vào thể hình của Mạc Hồng Quân, rồi bỏ quên Quang Hải trong pha không chiến dẫn đến bàn thắng quyết định của đội tuyển Việt Nam.
Trưởng đoàn đội tuyển Việt Nam, ông Dương Vũ Lâm (trái) - ảnh: Trọng Vũ
Vì sao ông lại nói thế, thưa ông?
Về trình độ, tôi khẳng định cầu thủ Việt Nam vẫn có trình độ cao hơn cầu thủ Campuchia. Họ có tiến bộ, nhưng là tiến bộ so với chính họ, chứ chưa so được với bóng đá Việt Nam. Campuchia có tiền đạo Chan Vathanaka khá lợi hại, nhưng nhìn chung chất lượng toàn đội của họ không đều, không đồng đều bằng đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, riêng trong trận đấu này thì chúng ta gặp vấn đề lớn về thể lực.
Hầu hết các cầu thủ của chúng ta 2 tháng qua chưa đá bất kỳ trận chính thức nào để tích luỹ đủ thể lực cho một trận đấu quốc tế, thuộc vòng loại giải châu Á. Cá biệt có trường hợp còn nghỉ thi đấu dài ngày hơn thế, do mới hồi phục chấn thương, lại không được thi đấu tích luỹ trước trận ở giải trong nước, vì giải trong nước cũng tạm ngưng. Thành ra, thể lực là vấn đề lớn của đội tuyển Việt Nam trong trận đấu với Campuchia.
Dường như các cầu thủ của ông cũng hụt hơi trước đối phương trong quá trình bóng lăn?
Tôi nói thật là một số vị trí trên sân của chúng ta gần như căng cứng các bắp do quá tải, kể cả những vị trí nổi tiếng khoẻ xưa nay. May mà Campuchia chọn sai lối chơi, họ chủ yếu đá dài giúp chúng ta có điều kiện để bắt bài và ngăn chặn, đặt trường hợp họ dám cầm bóng phối hợp ngắn, đua tốc độ trong trận vừa rồi, tôi e rằng các cầu thủ Việt Nam sẽ không đủ sức đeo bám họ.
Đã vậy trận đấu còn diễn ra trên sân cỏ nhân tạo. Với một đội bóng chưa có nền tảng thể lực tốt thì đá trên mặt sân này càng nhanh xuống sức, do tốc độ bóng, độ nẩy của quả bóng đều cao hơn so với bình thường. Họ quen rồi, trong khi chúng ta không ở trạng thái sung sức nhất mà phải đá trên mặt sân không quen.
Có vẻ như việc giải V-League nghỉ quá lâu đã ảnh hưởng đến các cầu thủ?
Tới đây, có lẽ phải tính lại việc dừng V-League như thế này. Với các đội tuyển trẻ, họ cứ tập trung còn V-League vẫn cứ diễn ra, vì các nền bóng đá hàng đầu thế giới chẳng ai dừng giải vô địch quốc gia như chúng ta.
Bóng đá Việt Nam cũng đã có được bài học từ việc dừng giải vô địch quốc gia rồi. Rằng Thái Lan không cần dừng Thai-League, đội tuyển U22 của họ cũng chỉ cần tập trung ngắn hạn, nhưng vẫn đánh bại U22 Việt Nam tập trung ròng rã 2 tháng trời, cùng với giải V-League được dừng hẳn lại để phục vụ đội U22 đá SEA Games. Tập trung dài ngày, dừng giải quốc nội mà không đạt hiểu quả thì tiếp tục làm thế để làm gì!
Có nghĩa là đã đến lúc bóng đá Việt Nam thay đổi cách tập trung các đội tuyển?
Bài học thực tiễn thì chúng ta đã có, như tôi vừa nói. Cũng nên tính toán việc tập trung các đội tuyển ngắn hạn, như các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới. Một năm tập trung nhiều đợt, chuẩn bị đối tượng thi đấu cọ xát trong từng đợt khác nhau, theo mục tiêu cụ thể. Chứ việc tập trung quá dài ngày cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý và phong độ của các cầu thủ, nhiều khi điểm rơi lại thành “điểm rụng”. Điểm rơi phong độ không rơi vào giải đấu chính thức mà rơi vào các trận giao hữu mới đáng lo.
Xin cảm ơn ông!