Như vậy, sau 4 lần chạm trán gần nhất, tính cả hai trận giao hữu trước thềm AFF Cup 2016, đội tuyển Việt Nam đã để Indonesia ghi tới 8 bàn, chia đều mỗi trận 2 bàn. Rất dễ để từ đây rút ra nhận xét rằng, hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam có vấn đề, và thực tế là đúng như vậy.
Không kể 2 trận giao hữu mà kết quả chỉ mang tính chất tham khảo, ở cả hai lượt trận bán kết với Indonesia, hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam đều mắc các lỗi cá nhân. Ở trận lượt đi trên sân Pakansari, hai bàn thua của tuyển Việt Nam đều là hệ quả từ lỗi chơi thiếu tập trung (bàn đầu tiên) và sai lầm cá nhân (của trung vệ Quế Ngọc Hải trong bàn thứ 2). Rất đáng tiếc và cũng đáng trách khi ở trận đấu hôm qua, hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam tiếp tục lặp lại sai lầm này.
Ở bàn thua đầu tiên, thủ môn Nguyên Mạnh và cả hàng phòng ngự đã lúng túng trước pha tạt bóng không mấy nguy hiểm của tiền đạo Boaz Salossa, để rốt cuộc bóng nảy vào khung thành sau pha phá hỏng của hậu vệ Đình Đồng. Bàn thua này đã đẩy đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng vào thế vô cùng bất lợi, khi buộc phải ghi ít nhất 2 bàn để có thể nuôi tiếp hy vọng. Đỉnh điểm sự yếu kém của hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam là chiếc thẻ đỏ của thủ môn Nguyên Mạnh ở phút 76, sau pha đánh nguội 1 cầu thủ Indonesia trong vòng cấm. Đây là lỗi rất đáng trách của Nguyên Mạnh khi đẩy đội nhà vào thế mất người trong hoàn cảnh đang bị dẫn trước. Cho đến tình huống này, ít có ai còn dám nghĩ đến việc đội tuyển Việt Nam có thể lật ngược tình thế trước Indonesia.
Không hoàn thành mục tiêu
Ở đây cần nói thêm rằng trong cả 3 trận đấu trước đó với đội tuyển Việt Nam, Indonesia chỉ chơi một chiến thuật duy nhất, là phòng ngự-phản công. Với lợi thế thắng 2-1 ở lượt đi, không có gì bất ngờ khi hôm qua, HLV A.Riedl áp dụng chiến thuật này, với chân sút duy nhất trên hàng công là Boaz Salossa. Các pha phản công của Indonesia cũng tập trung nhiều ở hai cánh, “bài tủ” của ông Riedl khi còn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Trong phần lớn thời gian, gồm cả sau thời điểm Việt Nam chỉ còn chơi với 10 người, Indonesia vẫn duy trì lối chơi này. Bất chấp điều đó, HLV Hữu Thắng và BHL đội tuyển Việt Nam có vẻ như đã không tìm ra giải pháp hữu hiệu để có thể đánh bại được đối thủ. Cho đến trước khi có bàn gỡ cân bằng tỉ số 1-1 do Văn Thanh ghi (phút 83), đội tuyển Việt Nam gần như bế tắc, không tạo được cơ hội nào rõ nét trước khung thành Indonesia. Hai bàn thắng của Văn Thanh và Vũ Minh Tuấn chỉ càng tô đậm sự thất bại trong chiến thuật và lối chơi của Việt Nam những phút trước đó. Rõ ràng, khi không chịu sức ép gánh nặng tâm lý và chơi với tâm thế không còn gì để mất, các đường tấn công của đội tuyển Việt Nam đã thanh thoát và nguy hiểm hơn hẳn. Nhiều người cũng có lý do để tiếc khi HLV Nguyễn Hữu Thắng đã không đưa ra những điều chỉnh chiến thuật sớm hơn, hoặc ngay khi danh sách xuất phát. So với trận đấu lượt đi thì Văn Quyết, Đinh Thanh Trung và cả Trọng Hoàng hay Công Phượng (vào sân từ ghế dự bị), vẫn chơi thiếu sắc nét so với những Thành Lương hay Vũ Minh Tuấn.
Việc nhận tiếp bàn thua thứ 2 ở hiệp phụ đầu tiên không phải vấn đề quá lớn, bởi thực tế đội tuyển Việt Nam khi đó đã thua sút hoàn toàn so với Indonesia, cả về quân số và thể lực. Với việc dừng chân ở bán kết, đội tuyển Việt Nam đã không hoàn thành mục tiêu đặt ra, và giấc mơ ở đấu trường khu vực một lần nữa chỉ là những giấc mơ.
Tổng tỉ số sau hai lượt trận là 4-3 nghiêng về phía đội tuyển Indonesia, kết quả đủ giúp đội bóng của HLV A.Riedl giành quyền vào chung kết AFF Cup 2016. HLV Nguyễn Hữu Thắng đã không thể đánh bại được người thầy cũ trong lần gặp lại trên cương vị mới.