Ai không ảnh hưởng?
Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Giám đốc ĐHQG TPHCM nhận xét: Năm nay điểm sàn thấp hơn năm trước nên việc tuyển sinh vào các trường tốp sau có thể sẽ “dễ thở” hơn ở mức “có cải thiện” nhưng không có sự đột phá như mong đợi.
Riêng ĐHQG TPHCM, ông Nghĩa cho biết, các đại học (ĐH) thành viên của ĐHQG TPHCM có tới 90% thí sinh được tuyển vào học theo mức điểm sàn 1 và khoảng 10% theo mức sàn 2, không có ĐH nào tuyển sát sàn mức 3.
Một ĐH tốp giữa như ĐH Lâm nghiệp không có ngành nào tuyển sinh ở mức sàn 1, mức cao nhất; khoảng 50% thí sinh được tuyển theo mức 2 và 50% theo mức 3 nhưng cũng chỉ hoàn thành được 70% chỉ tiêu, khoảng 2.000 thí sinh. 1.000 chỉ tiêu còn lại, ĐH này sẽ xét tuyển tiếp theo nguyện vọng (NV) 2 và sẽ nhận đơn xét tuyển bằng điểm chuẩn từng ngành.
So sánh với khả năng tuyển của năm trước, ông Trần Quang Bảo, trưởng phòng đào tạo trường này, nói: Khả năng tuyển năm nay tương đương năm trước; trường tốp giữa như Lâm nghiệp hy vọng đón được lớp thí sinh trượt từ trường tốp đầu; Nhưng các trường dân lập vẫn sẽ khó tuyển vì chất lượng còn thấp, học phí cao…
Vẫn căng!
Một nhà tuyển sinh của trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân cho biết, năm nay số thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào ĐH giảm rất nhiều so với năm ngoái do xu hướng phụ huynh cho con em, nhất là thí sinh mức trung bình hay trung bình khá, đi học nghề nhiều và không hướng đến thi đại học.
Bên cạnh, một bộ phận thí sinh đủ điểm sàn đã đăng ký đi học nghề vẫn còn có thí sinh thuộc diện này mong muốn đi học ĐH nên các trường ĐH tốp dưới vẫn còn hy vọng tuyển. Trường này tuyển 400 chỉ tiêu học ĐH và 450 chỉ tiêu học cao đẳng (CĐ) nhưng chỉ có 146 hồ sơ đăng ký dự thi.
Trong 146 thí sinh đăng ký, chỉ có 26 thí sinh đến dự thi và không thí sinh nào đủ điểm sàn của Bộ GD&ĐT, dù là mức sàn thấp nhất - thí sinh đạt điểm cao nhất của hội đồng thi này là đạt 9 điểm!
Vạn Xuân chỉ trông chờ vào tuyển NV2 và NV3 và sự rủi ro vẫn nằm ở phía trước vì năm 2013 trường này chỉ tuyển được 140 thí sinh học ĐH nhưng sau một thời gian học tập, một số thí sinh chuyển trường; một số đi thi lại ĐH và chỉ còn 110 theo học!
ĐH Lương Thế Vinh, dù có cơ sở vật chất lý tưởng nhưng năm ngoái rơi vào tình trạng vô vọng hoàn toàn vì không tuyển sinh được một người học nào thì năm nay cũng đang… chờ đợi.
Năm 2014 trường này không tổ chức thi mà để thí sinh thi nhờ trường ĐH khác; tuy nhiên, không một thí sinh nào đăng ký thi và nhà trường đang phải chờ họp để tính tiếp phương án tuyển được 700 chỉ tiêu năm 2014.
Có dồi dào thật không?
Trong sự kiện công bố điểm sàn, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định về nguồn tuyển dồi dào năm 2014. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hội Nghĩa đặt câu hỏi: Nguồn tuyển có dồi dào thật không khi mà ông đồng ý với nhận định con số 1 triệu thí sinh Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ là lượt thí sinh trong khi mọi tính toán phải dựa trên tổng số đầu thí sinh thực sự.
Nói về điều này, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ HN nhận xét: Đúng ra Bộ GD&ĐT phải có số liệu thật chính xác từ Sở GD&ĐT, không nên ước chừng dễ tạo nên sự sai lệch quá. Câu chuyện này chả khác gì câu chuyện tính GDP của cả nước và của các tỉnh, ông Hóa nhận xét.