Tuyển sinh ĐH: Không nên chỉ dựa vào một kỳ thi

Tuyển sinh ĐH: Không nên chỉ dựa vào một kỳ thi
TS Đàm Quang Minh cho rằng việc tuyển sinh đại học muốn khoa học và hiệu quả không thể và không nên chỉ dựa vào một kỳ thi.

Đề xuất tách thi đại học và tốt nghiệp THPT của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại hội nghị tổng kết do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 21/8 nhận được sự quan tâm của dư luận.

Đại diện một số trường đại học cho biết việc tự chủ tuyển sinh là xu thế tất yếu nếu muốn phát triển nền giáo dục đại học ở Việt Nam, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ lao động nước nhà.

Tuyển sinh thông qua một kỳ thi đã lạc hậu

Từ lâu, kỳ thi đại học và sau này là THPT quốc gia được người học và xã hội đánh giá như “kỳ thi của đời người”. 12 năm đèn sách và tương lai phía trước của mỗi học sinh phụ thuộc kết quả của một kỳ thi. Người đậu vui mừng và tự hào, ở chiều ngược lại là bi quan và tủi hổ.

TS Đàm Quang Minh cho rằng học sinh, nhà trường và xã hội nên quên khái niệm thi đại học đi, vì tuyển sinh không nhất thiết phải thi.

“Ngày nay, việc chọn sinh viên vào học tại các trường qua các kỳ thi đơn lẻ đã cho thấy sự lạc hậu và không phù hợp. Kết quả thi, ở một số tiêu chí nào đó, đã không đánh giá đúng đắn về tương lai của người học”, ông Minh nêu quan điểm.

Ông Minh cho rằng những trường đại học hàng đầu thế giới, với tỷ lệ chọn dưới 5%, luôn có cách đánh giá ứng viên một cách khắt khe qua nhiều công đoạn. Trong đó, việc xét điểm thi, ví dụ ở Mỹ là điểm SAT, chỉ là một phần của tuyển chọn. Theo đó, điểm SAT cũng chỉ đóng vai trò trong việc lọc hồ sơ là chủ yếu.

Ông Minh đề xuất các trường đại học top đầu của Việt Nam cũng nên làm như vậy. Điểm thi THPT cũng là một dạng giống SAT, sẽ là thông số đầu vào. Các trường top dưới có thể linh hoạt hơn, thậm chí là mở đầu vào như các đại học cộng đồng của Mỹ. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, một số ngành nên có yêu cầu đặc biệt như giáo viên, bác sĩ, luật sư, kiểm sát, an ninh…

Trong khi đó, ông Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng trừ những trường như y dược, sư phạm, quân đội, công an… nên có phương án tuyển sinh riêng, còn lại những trường khác có thể tuyển sinh bằng hình thức ghi danh, tức là mở đầu vào.

“Sở dĩ các trường khác có thể tuyển người học bằng cách ghi danh vì chúng ta sẽ siết đầu ra, đào tạo theo mô hình chóp. Sinh viên sẽ được sàng lọc trong quá trình học”, ông Phan Ngọc Minh phân tích.

Các trường nên có trách nhiệm với xã hội

Ông Phan Ngọc Minh cho rằng tuyển sinh theo phương án nào cũng sẽ có điểm tích cực và hạn chế nhưng vì trách nhiệm với xã hội các trường đại học nên nghiên cứu, tìm ra phương án phù hợp nhất.

Theo ông, những khối ngành kinh tế, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội không có nhiều đặc thù, các trường này có thể xem xét tuyển sinh bằng hình thức ghi danh hoặc sử dụng kết quả kỳ thi của Bộ GD&ĐT như hiện tại, hay của một trung tâm giám định chất lượng của cả nước (trong tương lai).

“Các ngành này không có yêu cầu gì đặc biệt, quá trình đào tạo cũng không có nhiều đặc biệt. Sinh viên sau khi ra trường sẽ làm việc ở những khu vực nghề nghiệp không quá đặc thù, do đó có thể không cần phương thức tuyển sinh riêng”, ông Minh nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo ông Minh, nỗi lo nằm ở y dược, sư phạm…, các trường đào tạo những ngành nghề này nhất thiết phải có kỳ tuyển chọn, sát hạch riêng. Những nghề nghiệp này rất đặc thù và quan trọng, do đó phải sàng lọc được tinh hoa để đào tạo.

Câu chuyện ngành sư phạm rớt giá, 3 điểm mỗi môn cũng có thể đỗ cao đẳng để sau này ra “gõ đầu” trẻ cũng được ông Minh nhắc đến như một lý do bức thiết đòi hỏi các trường phải nhanh chóng đi đến tự chủ tuyển sinh.

“Đó là thực tế rất đau đớn. Tuy nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi do nghề giáo không được coi trọng, ra trường thất nghiệp, không ai chọn học để tuyển sinh dễ dãi, 'vơ bèo vớt tép' như vậy. Ở chiều ngược lại, những trường y dược, đầu vào 29 điểm cũng đừng lấy làm vui. Các trường nên chú trọng đến trách nhiệm với xã hội thông qua những con người mà mình đào tạo, không chỉ về mặt kiến thức, kỹ năng, mà còn cả mặt đạo đức”, đại diện một trường đại học xin giấu tên nói.

Trong khi đó, theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH FPT, các trường tuyển sinh một cách tỉnh táo và có trách nhiệm thì đã không xảy ra những câu chuyện “nực cười” như điểm chuẩn 30,5 vừa qua.

Thi tốt nghiệp THPT theo hình thức 30/70

TS Lê Trường Tùng đề xuất phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hình thức 30/70 để giải quyết bài toán tuyển sinh của các trường.

“Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT cho trên 850.000 thí sinh, chỉ trượt 1%-2% thì nên bỏ cho đỡ tốn kém. Tuy nhiên, tâm lý hiện nay không thi thì học sinh không học. Bằng tốt nghiệp THPT mang tính quốc gia dựa trên khung chương trình đào tạo thống nhất, nên vẫn cần đánh giá ở mức quốc gia thông qua đề thi chung”, ông Tùng nói.

Ông Tùng đề xuất tổ chức thi tốt nghiệp THPT, nhưng theo mô hình 30/70, tức chỉ thi cho 30% số thí sinh của từng trường, 70% học sinh có học lực tốt sẽ được đặc cách tốt nghiệp.

Theo phương thức này, học sinh sẽ phải cố gắng học để lọt vào top 70. Tại sao lại là hình thức 30/70?

“Với tỷ lệ tốt nghiệp không có địa phương nào dưới 85% như hiện nay, chỉ cần thi cho 30% thí sinh là hợp lý. Phương thức 30/70 có thể áp dụng ngay từ năm 2018, Bộ GD&ĐT nên xem xét quyết định sớm. Tôi tin là phụ huynh, thầy cô, học sinh sẽ ủng hộ, phương thức này không làm giảm chất lượng đào tạo, tăng quyền chủ động cho địa phương, tạo động lực cho học sinh cố gắng, quan trọng nhất là giảm công sức tổ chức thi cử”, ông Tùng đề xuất.

Đồng thời, khi áp dụng mô hình thi tốt nghiệp THPT 30/70, chỉ 30% thí sinh có kết quả thi, cho nên các trường đại học không thể chỉ dựa vào kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Các trường buộc phải thực hiện việc thi tuyển hoặc xét tuyển đại học theo tiêu chí riêng hoặc từng nhóm trường, thực hiện đúng chức năng tự chủ tuyển sinh của mình.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.