Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2005: Giờ G sắp điểm

Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2005: Giờ G sắp điểm
Kỳ thi ĐH đang đến gần đồng nghĩa với việc các trường phải "gồng mình" chuẩn bị hàng loạt công việc để tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh dự thi.
Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2005: Giờ G sắp điểm ảnh 1

Cò xe ôm ở bến xe phía Nam bám theo các thí sinh lên Hà Nội thi. Ảnh: Hồng Vĩnh

Là một trong những trường đại học (ĐH) lớn tại Thủ đô Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) có địa điểm thi tuyển sinh trải dài khắp 3 khu vực Hà  Nội, Vinh và Quy Nhơn.

Tại Vinh và Quy Nhơn công việc tuyển sinh được thực hiện theo mô hình liên kết tuyển sinh nên đã làm việc với các  trường để tiện phối hợp. Tại Hà Nội ĐH KTQD có tới 30 điểm thi với 724 phòng, trong đó có 26 điểm thuê các trường THPT và một số trường THCS (622 phòng).

Mặc dù hàng năm số lượng TS đăng ký dự thi chỉ chiếm khoảng 74 %  (nghĩa là có khoảng 25% TS ảo), nhưng ĐH KTQD vẫn phải thuê đủ số phòng thi từ cách đây 2 tháng và tổ chức các dịch vụ đầy đủ theo con số 23.000 hồ sơ đăng ký dự thi đủ thấy một “trọng tải” nặng mà các trường ĐH phải chịu trong quá trình tổ chức thi. 2.100 người được đầu quân vào việc coi thi, trong đó CBCNV và giáo viên được huy động tối đa, số giám thị còn lại là một số sinh viên năm cuối. 

Để đón tiếp TS, ĐHKTQD đã tổ chức lại chỗ ở để có thể đáp ứng đủ nhu cầu ăn ở và  nhà ăn của trường sẵn sàng phục vụ theo giá  của SV.  Khoảng 30  xe ô tô của trường được sử dụng để đưa đề thi, nhận bài thi, thanh kiểm tra...

Đâu là vấn  đề của mùa thi năm nay?

Ông Nguyễn Ngọc Hoà - Phó Hiệu trưởng ĐH Luật HN - cho biết: Cũng như tất cả các trường ĐH khác trên cả nước hiện đang gồng mình để tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh dự thi, ĐH Luật đang chuẩn bị các công việc thường niên một cách chặt chẽ hơn.

Ông nhấn mạnh kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ đang đi vào nề nếp rõ rệt sau một vài năm cải tiến gần đây. Tuy nhiên, vấn đề thực sự của kỳ thi hiện nay nằm ở chỗ khác.

Trường ông được cơ quan công an (CA) thông báo về thủ đoạn tinh vi hơn của bọn “đạo chữ” trong phòng thi so với những năm trước, chủ yếu dùng hình thức “thi kèm” (vào cùng phòng thi và làm hộ bài, chuyển giấy nháp...), kẻ thi hộ vẫn giữ đúng tên và sẽ vào phòng thi để tiếp xúc với TS  bằng mọi cách, sẽ có những trò giả mạo khó phát hiện. Ông Hoà cho biết năm nay ĐH Luật, đặc biệt tăng cường khâu giám thị. 

Đại diện PA25 (CA TP Hà Nội) cũng cho biết, có một số trường ĐH làm tốt công tác coi thi, tuy nhiên vẫn có những giám thị làm không hết trách nhiệm của mình và để đối  phó với thủ đoạn tinh vi hơn của những kẻ thi hộ thi kèm năm nay một số trường giữ kín danh sách giám thị và phòng thi đến phút chót để tránh việc gửi gắm.

Có trường (ĐH Luật) có thêm thanh tra độc lập với điểm trưởng điểm thi và còn có thêm tổng thanh tra đi kiểm tra  toàn bộ công việc coi thi...

Theo PA25 2 kinh nghiệm này nên được phổ biến rộng rãi tới các trường để góp phần chống thi hộ, thi kèm. PA25 cũng cho biết GĐ CA Hà Nội cũng đã gửi kế hoạch bảo vệ an toàn cho kỳ thi đến các quận huyện từ đầu tháng 6 để tăng cường bảo mật in sao đề thi, bảo vệ các điểm thi...

Thí sinh chú ý khi bước chân xuống bến xe

Số thí sinh đang ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ tại Hà Nội là 416.828, tại TPHCM có 385.496 hồ sơ (25%), Cần Thơ - 76.967, Quy Nhơn - 70.206, Vinh - 49.686. Như vậy sẽ có số lượng người tương tự đổ vào các khu vực thi kể trên.

Ông Vương Duy Toàn - Phó GĐ Cty Quản lý Bến xe HN - cho biết: Cty sẽ tăng cường xe, tăng cường lực lượng thanh niên để phối hợp với các lực lượng CA, TN tình nguyện (TNTN) để đảm bảo việc đi lại tốt nhất cho các thí sinh và các bậc phụ huynh khi đi lại tại bến xe.

Ông lưu ý thí sinh một số điểm sau đây: không để lực lượng xe ôm, cò xe lôi kéo; khi cần được giúp đỡ tìm đến lực lượng TNTN hoặc các cán bộ bến xe (đồng phục trắng, có đeo biển kèm ảnh và họ tên) hoặc đi theo chỉ dẫn của hệ thống loa, biển chỉ dẫn của bến xe. Bộ phận bảo vệ của bến xe sẽ phối hợp với CA để ngăn chặn kịp thời các hiện tượng trộm cắp, lừa đảo, gây mất trật tự giao thông...

MỚI - NÓNG