Tuyển sinh đại học 2023: Công thức chọn ngành phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Làm thế nào để chọn được ngành học như mong muốn? Hiện có nhiều kỳ thi riêng, có nên tham gia hết các kỳ thi để tăng cơ hội trúng tuyển đại học (ĐH) năm nay?

Đó là những băn khoăn chính của thí sinh trước mùa tuyển sinh tới được nêu ra tại ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi trẻ TPHCM phối hợp Bộ GD&ĐT, Tổng cục Dạy nghề, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, tỉnh Đoàn Thanh Hóa, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức trong 2 ngày cuối tuần qua.

Tuyển sinh đại học 2023: Công thức chọn ngành phù hợp ảnh 1

Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh trong hai ngày cuối tuần qua Ảnh: Diệp An

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói rằng, có thể dùng kết quả của kỳ thi/đợt thi cao nhất để dự tuyển vào ngành/trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả này. Hoặc có thể sử dụng kết quả thi này với nguyện vọng 1, kết quả thi kia với nguyện vọng 2. Phần mềm xét tuyển sẽ xét từ trên xuống. Đại diện các cơ sở tổ chức các kỳ thi này đều khẳng định mọi học sinh đều có thể dự thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy vì nó bám sát yêu cầu cơ bản trong chương trình THPT.

Nếu học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng cơ bản học tại trường và có thể tham khảo, làm thử bài thi minh họa mà các cơ sở công bố thì đều có thể đạt kết quả tốt mà không cần luyện thi quá nhiều bên ngoài nhà trường.

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, để hỗ trợ thí sinh làm quen với kỳ thi đánh giá tư duy, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức đợt thi thử cho thí sinh. Thí sinh có thể dự thi trên máy và ngồi ở bất cứ đâu cũng có thể tham gia được. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo đang tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy đều có các đề thi tham khảo để thí sinh làm quen cấu trúc bài thi.

Nhiều thủ tục xét tuyển thực hiện trực tuyến

Ông Thảo cho rằng, việc tổ chức nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy cũng như sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau chỉ để tăng thêm cơ hội xét tuyển cho thí sinh.

Các bài thi đánh giá năng lực, tư duy cũng được xây dựng sát hơn với mục tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, nhưng không có nghĩa kỳ thi tốt nghiệp THPT không đáng tin cậy. Sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là một phương thức xét tuyển mà các cơ sở đào tạo dùng trong kỳ tuyển sinh năm nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, khuyên: “Các em chỉ cần quan tâm đến điều kiện xét tuyển của mỗi phương thức, thời hạn đăng ký xét tuyển và nhớ đăng ký chính thức theo thứ tự ưu tiên các nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT”.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, lưu ý, sau khi đã đăng ký xét tuyển bằng các phương thức khác nhau do các trường quy định, thí sinh phải đăng ký các nguyện vọng xét tuyển theo thứ tự ưu tiên trên hệ thống xét tuyển của Bộ.

“Nhiều thủ tục đăng ký xét tuyển ĐH năm nay vẫn thực hiện trực tuyến. Quy định bao gồm cả những nguyện vọng xét tuyển sớm và đã được các cơ sở đào tạo xác nhận đủ điều kiện trúng tuyển.

Mặt khác, học bạ điện tử của học sinh lớp 12 năm nay sẽ được cập nhật trên hệ thống dữ liệu của Bộ GD&ĐT để phục vụ công tác xét tuyển. Để không xảy ra sai sót, các em học sinh cần rà soát dữ liệu của cá nhân theo hướng dẫn của các thầy, cô ở trường THPT, TS Hùng nói.

PGS.TS Vũ Thị Hiền đưa ra một “công thức” lựa chọn gồm ba bước: chọn trước ngành mình muốn học; mỗi ngành chọn ra ba nhóm trước ở các mức từ thấp đến cao xét về uy tín của trường, cơ hội đỗ/trượt; trộn tất cả thông tin về ngành/trường đã chọn thành một danh sách và xếp thứ tự ưu tiên theo mong muốn. Nguyện vọng thích nhất xếp số một.

MỚI - NÓNG