Tuyển sinh 2018: Công bố tỷ lệ có việc làm, tin được không?

Tân sinh viên nhập học tại ĐH Kinh tế quốc dân năm 2017. Ảnh: Như Ý.
Tân sinh viên nhập học tại ĐH Kinh tế quốc dân năm 2017. Ảnh: Như Ý.
TP - Bộ GD&ĐT chưa công bố quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH - CĐ, nhưng các trường ĐH đã bắt đầu lên kế hoạch tuyển sinh cho năm 2018. Đáng lưu ý, theo quy định từ năm nay, các trường ĐH phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp, những trường không có thông tin này sẽ không được thông báo tuyển sinh.

Thi trước, xét tuyển sau

ĐH FPT vừa công bố phương án tuyển sinh 2018 trên website của trường. Theo đó, các thí sinh có nguyện vọng theo học tại Trường ĐH  FPT cần đáp ứng đủ hai tiêu chí sau: Đủ tiêu chuẩn học đại học theo Quy định của Bộ GD&ĐT năm 2018; Trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh hoặc đủ điều kiện tuyển thẳng của Trường ĐH FPT.

Với những thí sinh không đủ điều kiện tuyển thẳng thì sẽ phải tham gia hai bài thi vào ngày 13/5/2018. Trong đó, bài thi 1 nhằm đánh giá năng lực phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan đến ngành học đăng ký dự thi; Bài thi 2 nhằm đánh giá năng lực nghị luận thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh đã hoàn thành chương trình trung học.

Sau khi thi xong có kết quả, trường sẽ công bố điểm chuẩn để nộp hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, để trúng tuyển, thí sinh còn phải qua một điều kiện nữa đó là đủ điều kiện học ĐH do Bộ GD&ĐT quy định. Thời gian nhập học theo quy định trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 do Bộ GD&ĐT tạo ban hành.

Một số trường ĐH khu vực phía Nam cũng đã bắt đầu công bố một số ngành mới trong mùa tuyển sinh 2018. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM mở thêm ngành Khoa học chế biến món ăn. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng có thêm 5 ngành mới là Năng lượng sáng tạo, Thiết kế đồ họa, Kiến trúc, Quản lý xây dựng và Quản trị nhà hàng.

Còn tại khu vực phía Bắc, phần lớn khi được hỏi, một số trường cho biết có thêm một số ngành mới nhưng đang chờ được duyệt nên chưa công bố cụ thể. Trong khi đó, Trường ĐH  Khoa học và Công nghệ Hà Nội (gọi tắt là Trường ĐH Việt Pháp) cho biết dự kiến mở 6 ngành mới gồm 5 ngành hệ ĐH là Kỹ thuật hàng không, An toàn thông tin, Hóa học, Vật lý kỹ thuật và điện tử, Toán ứng dụng và 1 ngành thạc sĩ là Quản lý vận hành không vận quốc tế.  Trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2018 có thêm 3 ngành học mới là Quản lý xây dựng, Kỹ thuật công trình thủy và Toán ứng dụng.

Chuẩn đến đâu?

Từ trước mùa tuyển sinh 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế xét tuyển sinh ĐH, CĐ khối ngành sư phạm. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của quy chế này, đó chính là việc Bộ GD&ĐT quy định từ năm 2018, các trường ĐH phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh. Những trường không công khai đầy đủ thông tin thì không được thông báo tuyển sinh. Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Huyên, Trưởng Ban Công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hàng năm trường đều lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về vấn đề việc làm. Vừa qua, trường cũng đã hoàn thành đánh giá ngoài, đơn vị kiểm định cũng cho biết tỷ lệ sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng là 94%.

Còn bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho hay từ lâu, trường đã hình thành văn hóa chất lượng trong sinh viên. Các sinh viên có kênh đánh giá chất lượng đào tạo của trường trên internet. Qua phản hồi, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ĐH Ngoại thương có việc làm là 97%. “Năm nào trường cũng công bố công khai tỷ lệ này. Tôi cho rằng, trường nào hình thành được văn hóa chất lượng trong sinh viên thì sẽ không có chuyện làm để đối phó với quy định này của Bộ GD&ĐT” – bà Hương khẳng định.

Tuy nhiên, qua kết quả thẩm tra 208 trường ĐH, Học viện vừa được Bộ GD&ĐT công bố cho thấy, có nhiều trường, tỷ lệ giảng viên có trình độ ĐH vẫn còn khá lớn. Nhiều người cho rằng việc công bố kết quả thẩm tra có thể thấy được phần nào bức tranh của giáo dục ĐH Việt Nam. Có trường lý luận là do trường vẫn còn đào tạo hệ CĐ nên tỷ lệ giảng viên có trình độ ĐH chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, xét về tổng quy mô tuyển sinh và quy mô đào tạo hệ cao đẳng của những trường này đều chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với đào tạo ĐH chính quy. Ví dụ như tại ĐH Văn Hiến, trường có 315 giảng viên cơ hữu nhưng có tới 127 giảng viên có trình độ ĐH, chiếm hơn 40%. Nhưng quy mô đào tạo ĐH của trường là 6.903 và CĐ chỉ có 357, tức là quy mô đào tạo CĐ bằng 5% so với quy mô đào tạo ĐH.

Chính vì vậy, việc công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm của các trường ĐH trong mùa tuyển sinh 2018 khó tránh được sự nghi ngờ của xã hội.

Trường ĐH Nam Cần Thơ có 497 giảng viên cơ hữu, trong đó có 1 GS, 7 PGS, 40 TS, 287 thạc sĩ và 162 ĐH. Tức là số giảng viên cơ có trình độ ĐH gấp 4 lần số giảng viên cơ hữu có trình độ Tiến sĩ và chiếm hơn 32% tổng giảng viên cơ hữu. ĐH Tây Đô có 597 giảng viên cơ hữu, với 6 GS, 15 PGS, 75 TS và 170 ĐH. Tỷ lệ giảng viên có trình độ ĐH của ĐH Tây Đô chiếm hơn 28% tổng số giảng viên cơ hữu. Trường ĐH Trà Vinh có 916 giảng viên cơ hữu thì có tới 340 giảng viên có trình độ ĐH, chiếm tỷ lệ trên 37%.

MỚI - NÓNG