Tuyến đường văn minh vẫn trên giấy

Ô tô đậu dưới lòng đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 gây cản trở giao thông
Ô tô đậu dưới lòng đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 gây cản trở giao thông
Mục tiêu xây dựng 16 tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị cấp thành phố vẫn chưa biết khi nào thành công

Ngày 30-12, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa TP - đã tổ chức hội nghị đánh giá việc xây dựng tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị (gọi tắt là tuyến đường văn minh) và xây dựng các tuyến kênh xanh - sạch - đẹp.

Đăng ký để rồi… than!

Bà Đặng Hồng Linh, Trưởng Phòng Văn hóa - Gia đình Sở Văn hóa và Thể thao TP, cho biết tiêu chí để đánh giá các tuyến đường văn minh là “đường thông, hè thoáng, mặt tiền nhà sạch đẹp” tập trung vào 3 nhóm nội dung chính gồm: chấp hành pháp luật về trật tự đô thị, an toàn giao thông; xây dựng mỹ quan đường phố, nếp sống văn minh đô thị và giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Theo đó, hiện toàn TP ngoài 16 tuyến đường đang xây dựng để trở thành đường văn minh cấp TP thì các quận - huyện cũng có 141 tuyến đường đang triển khai và tiếp tục xây dựng. Cụ thể, ở quận 5 - nơi có 3 tuyến đường đang xây dựng đường văn minh cấp TP - để bảo đảm các tiêu chí trên đã xây dựng mô hình Đội hình phản ứng nhanh của Quận đoàn 5 phối hợp với CSGT điều tiết giao thông và giờ cao điểm.

Quận 1 - nơi có 9 tuyến đường văn minh cấp TP - hiện gắn 96 camera an ninh để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông. Quận 10 - nơi có 3 tuyến đường văn minh cấp TP - cũng đề ra hàng loạt giải pháp để đáp ứng 3 tiêu chí trên.

Tuy nhiên, bà Võ Thị Bích Vân - Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận 10 - cho hay đặc thù của tuyến đường 3 Tháng 2 (1 trong 16 tuyến đường văn minh cấp TP) kéo dài qua 8 phường và là nơi buôn bán khá náo nhiệt nên việc đáp ứng tiêu chí là khó, bởi ý thức của người dân còn chưa cao. Đơn cử, nhiều cột điện, các mảng tường bị bôi bẩn gây mất mỹ quan. Thậm chí, lực lượng chức năng tháo băng rôn quảng cáo trong buổi sáng thì buổi chiều đã bị gắn lại.

“Đa số các căn nhà mặt tiền trên tuyến đường này được cho thuê lại nên đóng cửa từ 24 giờ đến 8 giờ hôm sau nên các đối tượng xấu tranh thủ thời gian này đi dán quảng cáo, treo băng-rôn... không ai cản được, đã góp phần rất lớn bôi bẩn bộ mặt con đường này” - bà Vân chia sẻ.

Những khó khăn bà Vân nêu cũng là những khó khăn mà những địa phương đang xây dựng tuyến đường văn minh cấp TP gặp phải. Chính vì lẽ đó, dù việc xây dựng các tuyến đường văn minh cấp TP thực hiện từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa có tuyến nào đáp ứng được 3 tiêu chí trên.

Đồng quan điểm, bà Linh cho rằng để duy trì ổn định về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường ở một TP đông dân như TP HCM vẫn là một thách thức lớn. Thực trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường vẫn tiếp diễn, tùy tiện xả nước thải, rác thải ra đường. Một số tuyến đường, nhân viên quét rác vào giờ cao điểm gây ùn tắc giao thông. Do đó, các địa phương cần quyết liệt hơn.

Hầu hết bị lấn chiếm

Theo tìm hiểu, 16 tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị tập trung ở khu vực trung tâm như: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Duẩn (quận 1), Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, quận 3), Điện Biên Phủ (quận 1, quận 3, quận 10), Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (quận 1, quận 5), 3 Tháng 2, Nguyễn Tri Phương (quận 10), Nguyễn Chí Thanh (quận 5, quận 10, quận 11) và các tuyến đường gần sân bay là Trường Sơn, Phạm Văn Đồng. Qua ghi nhận thực tế, người dân sinh sống trên những tuyến đường này đang ngao ngán với đủ kiểu lấn chiếm vỉa hè, lòng đường từ nhiều năm qua.

Đường Phạm Văn Đồng đi qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức được coi là một trong tuyến đường đẹp nhất TP bởi mặt đường và vỉa hè rộng rãi với nhiều cây xanh dọc tuyến. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi đưa vào sử dụng, vỉa hè đã bị “chia năm xẻ bảy” làm quán nhậu, quán cà phê...

Bà Lê Thu Nguyệt (ngụ phường 13, quận Bình Thạnh) cho biết hơn 2 năm nay bà không thể đi tập thể dục vào buổi tối trên tuyến đường này. Nguyên nhân là do các quán nhậu bày bàn ghế tràn lan trên vỉa hè, khoảng nào trống thì làm chỗ đậu xe. “Người dân ở phường thì ít mà người nơi khác đến thuê mặt bằng thì nhiều, nhậu thâu đêm. Thậm chí, nhân viên quán còn xuống lòng đường chèo kéo khách” - bà Nguyệt ngao ngán.

Đường Nguyễn Đình Chiểu từ lâu trở thành nỗi ám ảnh với người đi làm vào giờ cao điểm. Phụ huynh đến gửi và đón con ở Trường Mầm non 19-5 đậu xe hơi ngay dưới lòng đường, mặc dù tuyến đường này cấm đậu. Giờ, người đi xe máy phải lách qua khe hẹp giữa 2 ô tô nên rất nguy hiểm.

Các tuyến đường khác như Nguyễn Tri Phương, An Dương Vương thì vỉa hè trở thành nơi trưng bày sản phẩm xe máy của các cửa hàng. Người đi bộ muốn đi qua đây chỉ còn cách đi dưới lòng đường. Riêng đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn trước Bệnh viện Chợ Rẫy) thì vẫn bát nháo, lộn xộn nhiều năm qua cùng với các lần ra quân lập lại trật tự của chính quyền địa phương. Các hàng quán tạm bợ, quán ăn nấu ăn trên vỉa hè rồi đổ nước thải xuống cống, trông rất nhếch nhác và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Theo NLĐ
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.