Tuyển diễn viên: Lại đãi cát tìm vàng

Phim “Chủ tịch tỉnh”, một trong số nỗ lực của VFC cứu thảm họa truyền hình. Ảnh: VFC
Phim “Chủ tịch tỉnh”, một trong số nỗ lực của VFC cứu thảm họa truyền hình. Ảnh: VFC
TP - Chọn 30 ứng viên từ hơn nghìn hồ sơ, Trung tâm sản xuất phim truyền hình thuộc Đài THVN (VFC) kỳ vọng tìm gương mặt mới cho phim truyền hình.

> Thù lao thấp, vai hay, vẫn diễn

Phim “Chủ tịch tỉnh”, một trong số nỗ lực của VFC cứu thảm họa truyền hình. Ảnh: VFC
Phim “Chủ tịch tỉnh”, một trong số nỗ lực của VFC cứu thảm họa truyền hình. Ảnh: VFC.
 

Bốn tháng thành diễn viên?

Trẻ (không quá 30 tuổi), ngoại hình ưa nhìn và có khả năng diễn xuất- đương nhiên là tiêu chí của cuộc thi loại này. “Nhưng chúng tôi chú trọng đặc thù làm phim, cho nên vóc dáng, sắc thái, biểu cảm, năng khiếu diễn xuất phục vụ cho việc làm phim, chứ không nhắm đến diễn hoạt động trên sân khấu”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, giám đốc VFC nói.

Ứng viên đủ tiêu chuẩn có cơ hội theo học khóa đào tạo từ tháng 9 đến tháng 12, dưới sự dẫn dắt của các nghệ sỹ tên tuổi. Vào được vòng cuối, thí sinh phải trải qua nhiều cửa ải: Khoảng 400 hồ sơ được gọi thi sơ tuyển, nhiều vòng thi năng khiếu diễn xuất cá nhân, phối hợp nhóm hoặc thử khả năng ứng biến của thí sinh theo yêu cầu BGK.

Đỗ Thanh Hải cho biết: “Đây là cuộc tuyển chọn diễn viên, phục vụ hoạt động nghiệp vụ của trung tâm. Hi vọng là cuộc đãi cát tìm vàng”.

Trong các đợt chọn diễn viên tương tự từ năm 2006, các nhà làm phim VFC có niềm tin sẽ tìm được lớp diễn viên trẻ triển vọng, xóa ký ức không tốt của một số phim thảm họa truyền hình. Qua một số khóa đào tạo ngắn, VFC phát hiện vài gương mặt: Việt Anh (Cao Thanh Lâm trong Chạy án), Minh Hương (vai Đặng Thùy Trâm, phim truyện Đừng đốt), Duy Khoa, Danh Tùng...

Không thể à uôm

NSND Thế Anh gọi cách đào tạo của VFC mới chỉ dừng lại giải pháp tình thế: “Họ cũng có cái khó riêng. Truyền hình ngày càng phát triển, diễn viên không đáp ứng được, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn lấy thành phần tay ngang. Nhưng đào tạo như thế mới chỉ ở phần ngọn, vẫn phải đào tạo bài bản, có học có hành đàng hoàng, bổ sung kiến thức.

Diễn viên đóng được hay, sâu sắc, tế nhị chính là do học vấn. Tôi thèm khát một thế hệ diễn viên vừa có học vấn cao, diễn giỏi và ngoại ngữ tốt. Chứ ngoại ngữ kém quá, tự dưng con người xìu lắm, không vênh lên được”.

Trong một hội thảo về công nghiệp điện ảnh, NSND Thế Anh từng đề xuất cử đạo diễn đi đào tạo ở nước ngoài. Với đào tạo diễn viên, ông giữ quan điểm nên học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, diễn viên của họ học ở Mỹ về mới mong cạnh tranh, có chỗ đứng trong nước.

Ở Việt Nam, hệ thống trường trong nước chưa chuẩn lắm, sinh viên ra trường mới nắm được một số điều cơ bản về diễn xuất. Thi thoảng có gương mặt sáng như Lan Ngọc vai Nương (Cánh đồng bất tận), nhưng vẫn cần khóa thực tập ở nước ngoài để nâng cao tay nghề. Ông ví von: “Nghệ sỹ của ta bơi trong ao tù quá lâu rồi, giờ phải khao khát ra biển”.

NSƯT Hà Xuyên từ diễn viên múa đến với điện ảnh năm 17 tuổi trong Xa và gần, sau này để lại ấn tượng với vai Ngọc Mai trong Biệt động Sài Gòn, nhấn mạnh nỗ lực bản thân: “Một diễn viên có ngoại hình đẹp và có tuổi trẻ chắc chắn có cơ hội thành công nhiều hơn, nhưng trụ được với nghề thì phải có tài năng thật sự.Nhận phim nào tôi cũng lao động hết khả năng, bởi đó không chỉ là chuyên môn mà còn là trách nhiệm, là danh dự nghề nghiệp”.

Thành công là sự trả giá, chứ không thể à uôm, NSND Thế Anh tâm đắc với tấm gương của nữ diễn viên Natalie Portman, Oscar nhờ Thiên nga đen: “Tôi xem đi xem lại, rất cảm phục nữ diễn viên chính. Cô ấy phải tập ballet 5 tiếng một ngày trong gần sáu tháng trời để nhập vai. Bỏ công bỏ sức thế mới mong thành công, chứ cứ như một số diễn viên phim Xin thề anh nói thật, hay Anh chàng vượt thời gian, tôi không chịu nổi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG