Tuyến buýt nhanh BRT lắp phân cách cứng đoạn nào?

TPO - Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ lắp đặt dải phân cách trên đường Lê Văn Lương, đoạn từ nhà chờ kéo dài đến các nút giao thông Hoàng Đạo Thuý, Nguyễn Tuân, Khuất Duy Tiến... và một điểm ở Láng Hạ.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản số 246/SGTVT-KCHTGT về việc điều chỉnh Tổ chức giao thông trên tuyến xe buýt nhanh BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã). 

Theo đó, căn cứ hiện trạng hạ tầng và lưu lượng giao thông sau khi tuyến xe buýt nhanh BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã) đưa vào vận hành, khai thác sử dụng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội giao Ban Quản lý Dự án duy tu hạ tầng giao thông đô thị chủ trì khảo sát lên phương án, tổ chức thực hiện lắp đặt dải phân cách di động bằng trụ mũi tên phản quang phân làn BRT với làn đường giao thông chung trên đường Lê Văn Lương, đoạn từ nhà chờ kéo dài đến các nút giao thông: Hoàng Đạo Thuý, Nguyễn Tuân, Khuất Duy Tiến. Đối với nhà chờ Láng Hạ sẽ lắp đặt ở chiều đi Láng Hạ.

Việc lắp đặt dải phân cách, điều chỉnh đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông để ưu tiên cho vận hành xe buýt BRT đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, rất nhiều người dân thường xuyên lưu thông qua khu vực Lê Văn Lương lo ngại tình trạng tắc đường sẽ càng thêm trầm trọng.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cho biết, trong bối cảnh ý thức tham gia giao thông của người dân vẫn còn chưa cao, việc tăng cường lực lượng chức năng rất tốn công sức mà hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

“Thời điểm hiện tại cấp thiết cần dải phân cách cứng vì tổ chức giao thông chưa văn minh thì phải cưỡng bức”, ông Thông nói. Nếu không làm ngay, thì lộ trình, vận hành của BRT không thể đảm bảo… mất chức năng vận chuyển hành khách nhanh, khối lượng lớn của BRT. Sau khi đưa BRT đi dải phân cách thành công, có thể đưa các loại phương tiện công cộng khác như buýt thường mượn đường những lúc không có BRT chạy qua. 

“Lo ngại, quanh quẩn mãi với các ý kiến phản đối thì rất khó làm giao thông. Diện tích đường sá hẹp thì bắt buộc phải phát triển giao thông công cộng. Chưa tự giác được thì phải cưỡng bức”, ông Thông khẳng định.

Đồng quan điểm, TS. Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội cho rằng: Tách các luồng phương tiện ra để ưu tiên BRT là rất cần thiết trong thời điểm ý thức tham gia giao thông của người dân chưa tốt. Đến khi nào ý thức tốt hơn thì có thể chỉ dùng vạch sơn. Bởi theo Luật Giao thông, vạch sơn có ý nghĩa tương đương với dải phân cách cứng. Tuy nhiên, cũng cần xem xét các đoạn hở hợp lý, tính toán lưu lượng phương tiện qua các mặt cắt hẹp. Có thể tận dụng lúc BRT chưa đi qua để mượn đường.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.