Tuyên bố chung Nga-Trung Quốc: Không có thứ gọi là 'dân chủ' ưu việt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/3 ký Tuyên bố chung của Trung Quốc và Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và phối hợp trong kỷ nguyên mới.

Ngăn chặn “Cách mạng màu”

Trong tuyên bố, hai bên chỉ ra rằng quan hệ Nga - Trung Quốc không phải là kiểu liên minh chính trị-quân sự trong Chiến tranh Lạnh, mà vượt lên trên mô hình quan hệ giữa nhà nước với nhà nước và có bản chất không liên minh, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào.

Trung Quốc và Nga tuyên bố rằng, các nước khác nhau có lịch sử, văn hóa và điều kiện quốc gia khác nhau và họ đều có quyền lựa chọn con đường phát triển của mình; không có thứ gọi là “dân chủ” ưu việt.

Phía Nga đánh giá cao Sáng kiến ​​Văn minh toàn cầu do Trung Quốc đề xuất.

Trong tuyên bố, Nga tái khẳng định tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”, công nhận Đài Loan (Trung Quốc) là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, phản đối mọi hình thức “Đài Loan độc lập” và kiên quyết ủng hộ các biện pháp của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ (đối với đảo Đài Loan).

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thực thi pháp luật như ngăn chặn “Cách mạng màu”, trấn áp “ba thế lực” gồm “Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan”, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế và tội phạm ma túy.

Tăng cường hợp tác năng lượng

Theo tuyên bố, hai bên sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn trong hợp tác năng lượng, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên thúc đẩy các dự án hợp tác năng lượng như dầu khí, than, điện và năng lượng hạt nhân, thúc đẩy triển khai các sáng kiến ​​giúp giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm việc sử dụng năng lượng phát thải thấp và năng lượng tái tạo.

Trung Quốc và Nga cũng sẽ cùng nhau bảo vệ an ninh năng lượng quốc tế bao gồm an ninh của cơ sở hạ tầng quan trọng xuyên biên giới và duy trì sự ổn định của ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng các sản phẩm năng lượng. Nga đánh giá cao Sáng kiến ​​Phát triển Toàn cầu (GDI) và sẽ tiếp tục tham gia vào công việc của Nhóm những người bạn của GDI.

Hai nước kêu gọi một cuộc điều tra khách quan, vô tư và chuyên nghiệp về vụ nổ đường ống Nord Stream. Đồng thời phản đối nỗ lực chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19.

Tuyên bố chung Nga-Trung Quốc: Không có thứ gọi là 'dân chủ' ưu việt ảnh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm ngày 21/3 tại Mátxcơva. Ảnh: Xinhua.

Quan ngại vấn đề hạt nhân

Nga và Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hậu quả và rủi ro của quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS và các chương trình hợp tác tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có liên quan giữa Mỹ, Anh và Australia đối với sự ổn định chiến lược khu vực.

Hai bên mạnh mẽ kêu gọi các thành viên AUKUS nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và phương tiện vận chuyển loại vũ khí này, đồng thời bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Hai bên cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch của Nhật Bản xả nước nhiễm xạ từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển trong năm nay, đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản phải tiến hành tham vấn minh bạch và đầy đủ với các nước láng giềng và các bên liên quan khác cũng như các cơ quan quốc tế có liên quan.

Trung Quốc và Nga kêu gọi Nhật Bản xử lý thỏa đáng nguồn nước nhiễm xạ một cách khoa học, minh bạch và an toàn, đồng thời chấp nhận sự giám sát lâu dài của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và các nước liên quan, nhằm bảo vệ hiệu quả môi trường biển và các quyền liên quan sức khỏe người dân các nước.

Cũng trong tuyên bố, hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động quân sự sinh học của Mỹ cả trong và ngoài nước đe dọa nghiêm trọng các quốc gia khác và phá hoại an ninh của các khu vực liên quan. Yêu cầu Mỹ làm rõ vấn đề này và không thực hiện mọi hoạt động sinh học vi phạm công ước cấm vũ khí sinh học.

Tuyên bố chung Nga-Trung Quốc: Không có thứ gọi là 'dân chủ' ưu việt ảnh 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/3 tại Mátxcơva. Ảnh: Tass.

Trung Quốc và Nga kêu gọi NATO tuân thủ các cam kết với tư cách là một tổ chức quốc phòng khu vực. Đồng thời kêu gọi NATO tôn trọng chủ quyền, an ninh, lợi ích cũng như sự đa dạng về văn minh, lịch sử và văn hóa của các nước khác, đối xử với sự phát triển hòa bình của các nước này một cách khách quan và công bằng.

Hai nước cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc NATO liên tục tăng cường quan hệ an ninh - quân sự với các nước châu Á-Thái Bình Dương và phá hoại hòa bình và ổn định khu vực. Hai bên phản đối việc xây dựng một cấu trúc nhóm khép kín và độc quyền trong khu vực, đồng thời khuấy động chính trị nhóm và đối đầu phe.

Trung Quốc và Nga bày tỏ quan ngại về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi phía Mỹ đáp lại những quan ngại chính đáng và hợp lý của Triều Tiên bằng các hành động thiết thực và tạo điều kiện cho việc nối lại đối thoại.

Ưu tiên hợp tác kinh tế

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/3 ký Tuyên bố chung của Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc về kế hoạch phát triển các ưu tiên trong hợp tác kinh tế Trung Quốc-Nga trước năm 2030.

Trong tuyên bố, hai bên nhất trí kiên quyết duy trì các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện sự phát triển độc lập lâu dài của hai nước, đẩy mạnh sự phát triển chất lượng cao của hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Nga, duy trì đà tăng trưởng nhanh của thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương, cam kết tăng đáng kể kim ngạch thương mại vào năm 2030.

Hai bên cam kết triển khai hợp tác kinh tế trên nhiều hướng chính, bao gồm mở rộng quy mô thương mại, tối ưu hóa cơ cấu thương mại, phát triển thương mại điện tử và các phương thức hợp tác sáng tạo khác.

Hai bên cũng cam kết cải thiện hợp tác tài chính, tăng đều tỷ trọng thanh toán bằng đồng nội tệ trong thương mại song phương, đầu tư, cho vay và các giao dịch kinh tế - thương mại khác.

Nga và Trung Quốc sẽ củng cố quan hệ đối tác năng lượng toàn diện và tăng cường hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực năng lượng then chốt.

Hai nước kêu gọi thúc đẩy trao đổi và hợp tác chất lượng cao về công nghệ và đổi mới để đảm bảo sự phát triển công nghệ ở trình độ cao.

Bên cạnh việc nâng cấp hợp tác công nghiệp, hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực của hai nước.

MỚI - NÓNG