Tuyên án vụ Ðồng Tâm: Hai bị cáo lĩnh ​án tử hình

TP - Tòa án xác định hành vi đổ xăng, châm lửa khiến 3 cảnh sát tử vong là dã man, tàn bạo nên cần đưa ra mức hình phạt nặng nhất. Tòa cũng khẳng định những ý kiến cho rằng chưa đủ căn cứ xác định 3 liệt sĩ bị tử vong do xăng là không đúng, không thể chấp nhận.

Mất hết tính người

Chiều 14/9, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm vụ “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra sáng 9/1 tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội). Thay mặt HĐXX, chủ tọa Trương Việt Toàn tóm tắt vụ án. Theo đó, đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là đất quốc phòng nhưng ông Lê Đình Kình (SN 1936) cùng các bị cáo trong vụ án này thành lập Tổ đồng thuận nhằm lấn chiếm, sử dụng và vu khống chính quyền. Nhóm này nhiều lần chống đối cơ quan chức năng và thậm chí còn bắt giữ công an, cán bộ... Sáng 9/1, khi cảnh sát vào thôn Hoành bảo vệ các mục tiêu đã bị “Tổ đồng thuận” ném bom xăng, lựu đạn, dùng dao tấn công bất chấp việc lực lượng chức năng kêu gọi dừng chống đối.

Lúc này, các cảnh sát Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân khi tiến trên trần nhà đã bị ngã xuống hố sâu 4m. Thấy vậy, Lê Đình Chức (con ông Kình) và cháu là Lê Đình Doanh đã dùng dao nhọn chọc xuống rồi nhiều lần đổ xăng vào hố, thiêu 3 cảnh sát tử vong. Vì những hành vi trên, Viện KSND TP Hà Nội đã truy tố 25 bị cáo trong vụ án này về tội “Giết người”, 4 bị cáo về tội “Chống người thi hành công vụ”. Tại tòa, đại diện viện kiểm sát đã thay đổi quan điểm, chuyển tội danh cho 19 bị cáo từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ”.

Một số luật sư của các bị cáo nêu quan điểm, điều tra chưa làm rõ hành vi giết người và cần trả hồ sơ điều tra bổ sung; thực nghiệm hiện trường… Ngược lại, luật sư của 3 cảnh sát hi sinh phản đối, cho rằng các liệt sĩ bị nhóm bị cáo sát hại là đúng, không cần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Được nói lời sau cùng, tất cả các bị cáo đều nhận tội, xin lỗi gia đình 3 liệt sĩ. Bị cáo Lê Đình Chức còn khẳng định, dù phải chết cũng chỉ mong được 3 gia đình thông cảm để lương tâm mình thanh thản phần nào.

Qua xét xử, tòa án khẳng định các bị cáo có sự bàn bạc, quyết tâm thực hiện hành vi giết người từ trước và tích cực chuẩn bị hung khí như bom xăng, lựu đạn... Sáng 9/1, các bị cáo đã thiêu 3 cảnh sát tử vong, hành vi này tàn bạo đến mức thi thể các liệt sĩ không thể nhận dạng được; các bị cáo thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, mục đích giết càng nhiều càng tốt; hành vi này mất hết tính người. Do vậy, viện kiểm sát truy tố 6 bị cáo về tội “Giết người” là đúng. HĐXX còn nhận thấy, các bị cáo có ném lựu đạn - là vũ khí có tính sát thương cao, có thể gây hậu quả chết nhiều người; việc không ai chết nằm ngoài ý muốn của các bị cáo.

Tuyên án vụ Ðồng Tâm: Hai bị cáo lĩnh ​án tử hình ảnh 1

Các bị cáo đều nhận tội, xin gia đình 3 liệt sĩ tha thứ

Tâm phục, khẩu phục

Với nhóm các bị cáo còn lại, HĐXX xác định họ đã góp tiền mua xăng, làm bom xăng, mua lựu đạn, họp bàn việc chống đối… Sáng 9/1, những bị cáo này có dùng bom xăng, bùi nhùi ném vào cảnh sát. Tuy nhiên, HĐXX thấy nhóm này là những nông dân, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế lại bị kích động, đe dọa; nhận hứa hẹn được chia đất Đồng Sênh nên đi theo. Ngoài ra, các bị cáo không trực tiếp gây ra cái chết của 3 liệt sĩ; ra tòa đã thành khẩn khai báo nên việc chuyển tội danh cho 19 người là có căn cứ, đúng pháp luật.  

Trước ý kiến luật sư cho rằng nguyên nhân của vụ án là tranh chấp đất đai, tòa án thấy nhận định này chưa phù hợp và triệt để. Lý do, từ năm 1980, đã có các quyết định từ cơ quan chức năng xác định toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, có lập hồ sơ bản đồ với 16 mốc giới. Từ năm 2013, các bị cáo thường xuyên chống đối, vi phạm pháp luật nên các cơ quan từ địa phương tới trung ương đã kiểm tra và cho thấy đất Miếu Môn là đất quốc phòng. Đa số nhân dân Đồng Tâm và chính bị cáo Bùi Viết Hiểu thừa nhận việc này. Nếu các bị cáo không đồng ý, có thể khiếu nại, không thể tập trung mua vũ khí, giết người.

Về ý kiến cho rằng chưa đủ căn cứ kết luận 3 chiến sĩ tử vong vì bị thiêu bằng xăng, HĐXX nhận thấy giám định thể hiện 3 cảnh sát tử vong do tác động của nhiệt cường độ mạnh. Các bị cáo Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh khai rõ tại tòa khi nghe thấy 3 chiến sĩ dưới hố đã chọc dao xuống, đổ xăng xuống thiêu nên HĐXX nhận định cái chết của 3 nạn nhân do các bị cáo gây ra. Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận chuẩn bị vũ khí rồi sát hại 3 chiến sĩ đồng thời khẳng định đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình, mong muốn được tha thứ. Như vậy, không có căn cứ thể hiện các bị cáo chịu bức cung như một số luật sư nói.

HĐXX cũng xác định, Lê Đình Công (con ông Kình) là chủ mưu cầm đầu trong vụ án, thường xuyên hô hào việc giết công an và phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác. Bị cáo Công đã thành khẩn khai báo nhưng cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Bị cáo Lê Đình Chức cũng ném bom xăng, chọc dao làm công an ngã xuống hố; trực tiếp đổ xăng xuống hố làm 3 cảnh sát bị thiêu chết… Việc này thể hiện quyết tâm phạm tội của bị cáo nên cũng cần áp dụng hình phạt nghiêm nhất.

Cũng theo HĐXX, bị cáo Lê Đình Doanh (con bị cáo Công) đã chuẩn bị vũ khí, ném gạch, bom xăng vào cảnh sát; đổ xăng, châm lửa gây ra cái chết của 3 nạn nhân. Doanh có nhân thân xấu, có 3 tiền án nhưng không lấy đó làm bài học lại phạm tội nghiêm trọng hơn. Chủ tọa khẳng định, lẽ ra cần loại bỏ vĩnh viễn Doanh khỏi xã hội nhưng do bố và chú của Doanh đã bị tước bỏ quyền sống nên không cần thiết phải loại bỏ bị cáo này khỏi xã hội để thể hiện tính nhân đạo. Bị cáo Bùi Viết Hiểu thuộc nhóm chủ mưu, cầm đầu, là thủ lĩnh tinh thần của “Tổ đồng thuận”; trực tiếp chuẩn bị vũ khí, ném bom xăng vào công an. Tuy nhiên, bị cáo đã trên 70 tuổi, thành khẩn khai báo… nên có thể giảm nhẹ hình phạt.  

Các bị cáo còn lại đều thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình, thực hiện tội phạm có mức độ, mong được hưởng khoan hồng của pháp luật; nhiều bị cáo có nhân thân tốt … nên được xem xét giảm nhẹ. Vì vậy, HĐXX tuyên phạt án tử hình với Lê Đình Công, Lê Đình Chức; chung thân với Lê Đình Doanh; Bùi Viết Hiểu nhận 16 năm tù cùng về tội “Giết người”. Các bị cáo còn lại nhận từ 15 tháng tù treo đến 13 năm tù giam. Về dân sự, 6 bị cáo phạm tội giết người phải liên đới bồi thường cho gia đình 3 liệt sĩ.       

Tòa án kết luận, hành vi của các bị cáo thể hiện sự coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác; vô cùng dã man, tàn bạo, mất hết tính người... Vụ án gây nên sự phẫn nộ, bất bình trong nhân dân cả nước, đòi hỏi mức án thật nghiêm khắc mới có thể răn đe và phòng ngừa chung.

MỚI - NÓNG