Ngày 16/6, bác sĩ Âu Thanh Tùng - Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, người bệnh khi cảm giác mệt mỏi thường có quan niệm đến cơ sở y tế mong muốn được truyền dịch để mau chóng hồi phục. Tuy nhiên, điều này không bao giờ đúng hoàn toàn, thậm chí rất nguy hiểm.
“Truyền dịch là truyền dung dịch có chất hòa tan như đường, chất đạm, chất béo, một số dung dịch chứa chất điện giải như natri clorua, kali clorua, bicabonat… Ngoài ra còn có những chế phẩm đặc biệt như dịch truyền abumin, dịch truyền có yếu tố đông máu, tiểu cầu…Do đó, truyền dịch phải được thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Tùng nói.
Bất cứ người bệnh nào khi truyền dịch đều có thể xảy ra tai biến và biến chứng. Những tai biến hoặc biến chứng thường gặp khi truyền dịch như dịch thoát ra ngoài sẽ gây phù tại chỗ, gây viêm tĩnh mạch. Nếu truyền dịch mà không tuân thủ vô trùng sẽ gây nhiễm trùng. Đặc biệt, khi truyền dịch nhanh, đối với người bệnh bị tăng huyết áp, suy tim và người lớn tuổi có thể xảy ra tình trạng phù phổi cấp. Nghĩa là có một lượng dịch lớn vào cơ thể sẽ ứ lại tại phổi làm cho người bệnh ngộp thở, nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó, biến chứng nguy hiểm nhất khi truyền dịch là người bệnh bị sốc, tụt huyết áp và có thể tử vong khi truyền dịch. Điều đáng lưu ý là bất cứ người bệnh nào cũng có thể bị sốc với bất kỳ loại dịch truyền nào được đưa vào cơ thể.
Theo bác sĩ Tùng, thông thường nếu người bệnh uống được thì tốt nhất là nên chọn cách cho uống thuốc. Cơ sở y tế thực hiện truyền dịch phải có đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị để xử trí khi có tai biến, biến chứng. Đối với nhân viên y tế, phải đủ khả năng nhận biết dấu hiệu sốc và cách xử trí đúng phác đồ. Một điểm khá quan trọng, khi người bệnh sốc do truyền dịch, nhân viên y tế phải đánh giá đúng tình trạng người bệnh. Bước đầu tiên phải xử trí tại chỗ và nếu quyết định chuyển đến cơ sở y tế khác, phải bảo đảm an toàn trong thời gian chuyển bệnh.
Như chúng tôi đưa tin, ngày 12/6 vừa qua, chị Trần Thị Tố Uyên (20 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TPHCM) đã tử vong bất thường sau khi truyền dịch tại Phòng khám đa khoa Thành Mỹ (131 Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM). Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Thanh tra sở kiểm tra, thu thập các thông tin cần thiết và niêm phong phiếu điều trị và hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Đồng thời, sở cũng chỉ đạo sớm lập hội đồng chuyên môn cấp sở để xác định có hay không sai sót chuyên môn kỹ thuật, xác định nguyên nhân tử vong và hậu quả của sai sót chuyên môn kỹ thuật nếu có. Kết quả đánh giá của hội đồng chuyên môn và kết quả xử lý của thanh tra sẽ được công khai ngay sau khi được giám đốc Sở Y tế TPHCM phê duyệt.