Tướng Võ Viết Thanh và chữ 'Nhẫn' từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, trong thời gian được giao nắm giữ các trọng trách, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Viết Thanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM từng bị hàm oan và nếm trải không ít đắng cay.

Mỗi lần đối mặt với thử thách, tinh thần nhẫn nại, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc mà ông học từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại bừng sáng.

Khoan dung với kẻ thù

Căn nhà của Trung tướng Võ Viết Thanh (Bảy Thanh) nằm trong một hẻm nhỏ cuối đường Trần Xuân Diện (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức), giáp sông Sài Gòn. Tầng trệt căn nhà trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật lưu lại các khoảnh khắc, dấu ấn trong cuộc đời vị tướng và truyền thống đáng tự hào của gia đình. Ông Thanh kể, trưa ngày 30/4/1975, là chính trị viên tiểu đoàn thiết giáp thuộc lữ đoàn Biệt động, ông xuôi theo dòng sông Sài Gòn để tìm kiếm, quy tập thi thể các đồng đội đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ cầu Rạch Chiếc. Thấy một miếu nhỏ bên sông, ông cặp ghe vào…

Tướng Võ Viết Thanh và chữ 'Nhẫn' từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1

Trung tướng Võ Viết Thanh (ngoài cùng bên phải), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Mai Chí Thọ

Cụ ông trông coi miếu cho biết miếu được cất trên đất gia đình, thờ cô của cụ bị Pháp giết hại… Ông Thanh quyết định mua mảnh đất ven sông của cụ già với giá vài chỉ vàng để cất căn nhà lá rồi đưa vợ con về sinh sống. Thảo Điền ngày ấy sình lầy, hoang vu, chỉ có dừa nước, lau lách và cỏ dại. Ông cắt đất cho lái xe và một số đồng đội cất nhà, sống quây quần để tối lửa tắt đèn có nhau. Căn nhà của ông bây giờ được xây lại trên nền nhà cũ và tươm tất hơn.

“Đồng chí Phạm Hùng cho tôi biết an ninh quân đội Sài Gòn không có chứng cứ kết tội nhưng qua Cai Tổng G, địch biết em tôi là người của cách mạng. Không thể kết án tù, em tôi bị chuyển về một tiểu đoàn địa phương quân rồi bị sát hại”.

Trung tướng Võ Viết Thanh

Giải thích lý do từ chối nhận căn biệt thự tổ chức phân cho ở trung tâm thành phố để sinh sống ở nơi heo hút, thiếu thốn trăm bề, Trung tướng Võ Viết Thanh nói, ông muốn lưu lại chút hình ảnh của ba má và đại gia đình của ông khi còn ở Lương Phú, bên dòng sông Bến Tre hiền hòa. Chúng tôi lặng người khi nhìn thấy 5 bằng Tổ quốc ghi công treo liền nhau. Ngoài chứng nhận liệt sỹ, má ông còn được truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Mắt đỏ hoe, ông Thanh kể: “Cuối năm 1962, đang ở trong cứ, tôi nhận được thư của chị Ba Định (cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Định, lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) cuốn tròn như điếu thuốc lá. Thư viết: “Chị đau đớn chia buồn với em.Bọn lính ở đồn Lương Phú đã bắt chú Hai, thím Hai cắt cổ ném xuống sông trước cửa nhà vào lúc 20 giờ ngày 26/8/1962”. Đọc chưa hết lá thư, trái tim tôi như muốn ngừng đập”.

Địch buộc chị ông Thanh làm thủ tục khai tử mới cho chôn cất. Trên giấy khai tử, chúng gạch xóa nội dung khai báo “một toán lính vũ trang” và sửa lại là“một toán Việt Cộng” rồi phao tin ba má ông cả đời theo Việt Cộng, cuối đời vẫn bị giết… để lừa phỉnh, dồn ép người dân vào ấp chiến lược. Kẻ đứng sau tất cả mọi chuyện là Cai Tổng G. Hắn còn gián tiếp gây ra cái chết của em trai ông, một nội tuyến của cách mạng hoạt động trong lòng địch với vỏ bọc đại úy,chỉ huy một tiểu đoàn chính quy của Vùng 4 chiến thuật.

Thù nhà sôi sục, chiều ngày 1/5/1975, từ Sài Gòn, ông Võ Viết Thanh cùng hai chiến sỹ cận vệ tức tốc về Bến Tre tìm Cai Tổng G, khi ấy đã lên chức quận trưởng. Khẩu K.54 ông Thanh giắt trong người đạn đã lên nòng. Ông vẫn nhớ khuôn mặt tái xanh, đờ đẫn của quận trưởng G khi đối mặt với ông và cả rừng người kéo đến, rần rần đòi lấy mạng hắn. Thay vì trừng trị tên ác ôn, ông đã quyết định tha mạng cho hắn. “Ông cần phải sống để nhìn thấy chính nghĩa” - ông Thanh nói với quận trưởng G rồi quay về Sài Gòn.

Tướng Võ Viết Thanh và chữ 'Nhẫn' từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 2

Trung tướng Võ Viết Thanh bên bức tranh chữ “Nhẫn” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng

Đến bây giờ, trung tướng Võ Viết Thanh vẫn không hối tiếc quyết định ngày ấy. Ông nói, nếu đối mặt với nhau trên chiến trường, ông sẵn sàng nổ súng tiêu diệt. Đằng này, cuộc chiến đã kết thúc. Ông không muốn hành xử như phường thảo khấu, giết “người dưới ngựa”, khi đã thất vận, sa cơ… dù hắn từng là kẻ thù, có nợ máu với gia đình ông.

Nhận thua thiệt về mình

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Võ Viết Thanh lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư Thành Đoàn, Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM; phó giám đốc rồi giám đốc Công an TPHCM. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Năm 1987, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), phụ trách An ninh với cấp hàm Trung tướng.

Chuyển công tác sang ngành công an, lần lượt giữ các vị trí quan trọng tại TPHCM và Trung ương, việc thẩm tra lý lịch đối với trung tướng Võ Viết Thanh được thực hiện hết sức chặt chẽ. Đích thân cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) Phạm Hùng trực tiếp chỉ đạo công tác này. Trung tướng Võ Viết Thanh nhớ lại: Đồng chí Phạm Hùng chỉ băn khoăn về người em trai đã hy sinh của tôi. Nó đỗ tú tài toàn phần, được Tỉnh ủy Bến Tre bố trí học trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt để hoạt động công khai. Qua xác minh từ một trung tá an ninh quân đội Sài Gòn là người trực tiếp tra khảo em tôi, mới biết em bị lộ và bị bắt là do một cán bộ của Khu ủy ra chiêu hồi, khai báo với địch…

Gần đến ngày khai mạc Đại hội, Trung tướng Võ Viết Thanh bất ngờ bị “tố” giết hại 2 người “phía bên kia” nhưng là cơ sở nội tuyến của ta, dù ông từng không nỡ xuống tay với kẻ đã giết hại ba má mình. Kết quả xác minh của cơ quan chức năng sau đó xác định đơn tố cáo sai sự thật. Ông Thanh không hề giết ai.

“Một người từng là trung đoàn trưởng ra chiêu hồi, gây nhiều thiệt hại và không có chứng cứ chứng minh y trở lại làm việc cho ta. Người thứ hai đến tối 30/4/1975 còn liên lạc bằng điện đài ra Hạm đội 7. Chúng tôi bắt được y tại một căn nhà trên đường Pasteur.Tôi đã cho về nhà chờ đến ngày trình diện để đi học tập…” - ông Thanh nhớ lại.

Tưởng đã yên, nào ngờ ông Võ Viết Thanh tiếp tục bị “tố” có cha mẹ gây nợ máu, bị cách mạng xử tử. Không ít cán bộ trung kiên biết ông bị hãm hại nhưng bất lực. Đối với vị trung tướng, việc bôi nhọ ba má ông dường như đã là lằn ranh cuối cùng… Tuy nhiên, thay vì phản ứng tiêu cực, ông đã chọn cách giải bày. Ông tin có ngày, mọi người sẽ hiểu… Và, ông không chờ quá lâu. Chỉ ít năm sau, Trung tướng Võ Viết Thanh được giao nắm giữ trọng trách mới. Tính đến thời điểm này, ông là trường hợp duy nhất giữ chức vụ Chủ tịch UBND TPHCM mà không là ủy viên Trung ương.

Tiễn chúng tôi ra về, vị tướng từng trải qua nhiều thăng trầm dừng thật lâu bên bức tranh chữ Nhẫn mà đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề tặng. Ông nói đã đọc đi đọc lại nhiều lần bốn câu thơ trong bức tranh song mỗi lần đọc ông lại thấy nhập tâm, đặc biệt là câu thơ cuối:

Có khi nhẫn nại để yêu thương/Có khi nhẫn nại để tìm đường lo toan/Có khi nhẫn nại để vẹn toàn/ Có khi nhẫn nại để tránh tàn sát nhau.

Trung tướng Võ Viết Thanh từng tham gia phá nhiều vụ án lớn. Ông là người ký quyết định đưa trùm xã hội đen Trương Văn Cam (Năm Cam) đi cải tạo cũng như để lại nhiều dấu ấn trên các công trình trọng điểm tại TPHCM như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đường Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Đông Tây, mở rộng xa lộ Hà Nội…

MỚI - NÓNG