Binh chủng thông tin liên lạc
Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc – Thiếu tướng Vũ Anh Văn cho biết: Việc Viettel sản xuất thành công tám loại máy thông tin quân sự, hệ thống quản lý vùng trời VQ… có ý nghĩa lớn cho sự phát triển lâu dài của Quân đội Việt Nam.
Thời gian qua, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và Binh chủng thông tin liên lạc (TTLL) đã có sự hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, điển hình là về hạ tầng thông tin quân sự và sản xuất máy thông tin vô tuyến điện.
Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc – Thiếu tướng Vũ Anh Văn
Bộ Tư lệnh TTLL và Viettel đã cùng phối hợp để xây dựng tuyến cáp trục 1A từ Hà Nội vào đến TP HCM, và tuyến QB, đã bàn giao cho Binh chủng TTLL tuyến 1A với các trang thiết bị hiện đại của Acatel, có băng thông rộng, với khả năng chạy nhiều phương thức liên lạc như thoại, truyền số liệu, đặc biệt là truyền hình. Đây là hạ tầng quan trọng trong thông tin liên lạc đường trục, góp phần bảo đảm tốt thông tin liên lạc trong thời bình cũng như sẵn sàng cho thời chiến.
Riêng về lĩnh vực sản xuất máy thông tin vô tuyến điện, nhờ có sự nghiên cứu phát triển công nghệ của Viettel mà chúng ta đã có thể đáp ứng được một phần nhu cầu về máy vô tuyến sóng ngắn và cực ngắn của quân đội. Thực tế, trước đây, hầu hết máy vô tuyến điện dùng trong thông tin quân đội đều là sản phẩm của các nước XHCN, công nghệ đã cũ, trong khi những máy mới công nghệ cao lại quá đắt. Sau thời gian nghiên cứu, tiếp thu góp ý và có điều chỉnh, hiện hàng trăm máy của Viettel đã được sử dụng trong toàn quân, gồm cả Không quân, Hải quân và một số quân khu, quân đoàn với chất lượng không thua kém sản phẩm nhập khẩu, trong khi giá thành rẻ hơn nhiều.
Vấn đề tác chiến mạng vốn là điểm cực kỳ quan trọng trong công tác biên giới, do vậy, khi chủ động được nguồn sản xuất thiết bị thông tin, điều đó mang lại ý nghĩa lớn cho sự phát triển lâu dài của quân đội. Không chỉ làm giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung thiết bị quân sự của nước ngoài, Việt Nam có thể bảo đảm được tính kỹ chiến thuật trong quá trình tác chiến cũng như huấn luyện đào tạo. Đó là còn chưa kể đến khả năng bảo mật hệ thống thông tin khi phần mềm được chính những kỹ sư người Việt của Viettel xây dựng và phát triển.
Với đường trục rộng và có nhiều mạng cáp lắp đặt song song, hạ tầng của Viettel rất tốt để đảm bảo thông tin liên lạc, vu hồi cho mạng quân sự trong thời bình để xử lý các sự cố cũng như đảm bảo tình hình chung. Trong thời chiến, chúng tôi chắc chắn sẽ tận dụng được tối đa mạng cáp quang của Viettel để bảo đảm thông tin liên lạc ở các khu vực trọng điểm, các vùng sâu, vùng xa. Hiện tại, mạng thông tin di động của Viettel đã phủ sóng trên các huyện đảo của Trường Sa, đóng góp rất nhiều trong bảo đảm thông tin liên lạc cho đến bảo đảm tình cảm của cán bộ, chiến sỹ ở nơi đảo xa.
Tính đến nay, việc phối hợp giữa Viettel và Binh chủng TTLL trong triển khai mạng truyền hình đến các đơn vị đầu mối cấp chiến lược, cấp chiến dịch, thậm chí xuống đến cấp chiến thuật đã đạt tới con số 400 điểm cầu. Hệ thống này giúp tiết kiệm thời gian giao ban, cho phép mở rộng số người tham dự và đảm bảo khả năng liên lạc, thống nhất kỹ chiến thuật kịp thời nếu có tình huống bất thường phát sinh, góp phần tích cực vào truyền đạt các mệnh lệnh, chỉ thị và các nội dung của cuộc họp hiệu quả hơn.
Quân chúng Hải quân
Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết: Nói về hiệu quả của viễn thông biển đảo, hay như những người lính hải quân chỉ đơn giản gọi là sóng Viettel. Trước hết phải nhìn lại thời gian trước khi nhà mạng này triển khai trạm phát sóng đầu tiên trên đảo Trường Sa lớn.
Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân
Thời kỳ đó, thông tin liên lạc tại các điểm đảo hầu hết là các máy thông tin quân sự sóng ngắn, chỉ một vài đảo lớn mới được trang bị máy điện thoại VSAT, nhưng phần lớn lại sử dụng vào mục đích thông tin quân sự. Điện thoại về nhà hai phút là phần thưởng quý nhất đối với cán bộ chiến sỹ có thành tích thi đua cao nhất trong tháng, còn lại, sợi dây liên hệ với hậu phương của những người lính bám đảo đều phụ thuộc vào những lá thư theo tầu ra đảo mỗi năm một vài lần. Thông tin thời sự xã hội mà người lính nắm được phụ thuộc hết vào sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, vốn chất lượng sóng cũng kém, nhất là vào mùa mưa bão, biển động.
Nhưng nay đã khác khi sóng Viettel được phủ khắp vùng biển đảo của nước ta. Liên lạc di động không còn khó khăn như trước, các chiến sĩ có thể gọi điện về nhà bất cứ lúc nào. Đây là chỗ dựa tinh thần có ý nghĩa rất quan trọng với người lính và người dân, nhất là những người ở tuyến đảo xa xôi.
Không chỉ có điện thoại, sóng Viettel còn mang đến cho những người lính đảo khả năng tiếp cận thông tin qua In – tơ nét. Những thông tin cập nhật về tình hình kinh tế- xã hội của đất nước cũng như tình hình thời sự quốc tế được chuyển tải liên tục đến những người lính công tác dài ngày trên đảo, giúp họ không còn lạc hậu so với cuộc sống ở đất liền. Sắp tới Quân chủng Hải quân sẽ tổ chức tại các đảo “Vườn tri thức” để chiến sỹ có điều kiện học tập nâng cao kiến thức ngay thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, chuẩn bị cho tương lai sau này. Không có “Sóng Viettel” thì không thể thực hiện được điều đó.
Viễn thông biển đảo đã thay đổi và hỗ trợ rất đắc lực trong công tác quản lý hành chính của huyện đảo Trường Sa, cũng như công tác điều hành chỉ huy trong các đơn vị quân đội đóng quân trên đảo. Ngoại trừ các tình huống bắt buộc phải sử dụng hệ thống thông tin quân sự dùng riêng, sử dụng điện thoại di động để thông tin, nắm tình hình hay điều hành chỉ huy giữa đất liền với đảo, giữa đảo lớn với đảo nhỏ… đã mang lại sự hiệu quả nhanh chóng, chính xác và kịp thời. Trong những tình huống khẩn cấp hay khi bão tố sóng to, gió lớn thì sóng điện thoại di động vẫn luôn thông suốt để các cấp thống nhất thông tin và hành động. Từ đất liền, người chỉ huy có thể trực tiếp lấy thông tin và ra mệnh lệnh chiến đấu cho bất kỳ sỹ quan tác chiến nào, ở bất kỳ điểm đảo hay nhà dàn nào.
Một minh chứng rất rõ nét là trong các trường hợp xử lý cấp cứu cho quân và dân trên đảo. Từ ngày có sóng di động được phát trên khu vực quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK1, rất nhiều ca mổ đã được các cán bộ quân y thực hiện hội chẩn qua điện thoại. Bác sỹ có tay nghề cao hơn đóng ở đảo lớn điện thoại hướng dẫn cho đồng nghiệp ở đảo nhỏ thực hiện cấp cứu những ca ngoài trình độ chuyên môn. Những ca khó hơn thì chuyển về đảo lớn có điều kiện hơn, từ đây, điện thoại sẽ được kết nối trực tiếp với các bác sỹ của Viện Quân y 175 (TP.Hồ Chí Minh) để được hội chẩn và hướng dẫn xử lý, qua đó, không chỉ người bệnh được cứu sống mà các bác sỹ tại đảo cũng được học hỏi nâng cao tay nghề trực tiếp.
Nhờ sóng di động, mối liên hệ giữa ngư dân với bờ, ngư dân với ngư dân, ngư dân với bộ đội tạo ra một vòng kết nối thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Không chỉ thông tin cho bộ đội vào những tình huống nguy hiển trên biển, sự cố máy móc, tàu bè, ngư dân còn có thể liên lạc với nhau để thông báo tình hình ngư trường, làm tăng hiệu quả cho từng lần thả lưới. Đặc biệt, sóng di động Viettel là một kênh thông tin báo bão kịp thời cho ngư dân kịp thời có phương án phòng tránh, bảo vệ tính mạng và tài sản của mình.
Trong khi đó, người dân sống tại các đảo có thể liên lạc được với đất liền, cập nhật được nhiều thông tin kinh tế, đời sống xã hội, giúp họ thêm quyết tâm bám đảo như một nơi sinh sống thực thụ lâu dài của mình.
Đảng, Nhà nước đã xác định, phát triển kinh tế gắn liền với quốc phòng trong chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020. Đó là chiến lược đưa nước ta mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển. Giờ đây, ngành kinh tế biển đã và đang trở thành mũi nhọn, thực sự đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Photo: ..
Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cần có sự đầu tư nhiều mặt, trong đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội trong những năm qua đã là lực lượng đi đầu, đi trước để cung cấp hệ thống thông tin cho các vùng biển đảo. Không những đảm bảo thông tin liên lạc giữa biển đảo với đất liền, mà sóng Viettel đã thực sự tham gia trực tiếp vào sản xuất kinh doanh của các ngành thuộc kinh tế biển. Những đầu tư không chỉ nhằm lợi ích kinh tế của Viettel đã góp phần quan trọng để có thể thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế- xã hội biển đảo, gắn liền với đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng và Nhà nước trong những năm qua và thời gian tới.