Tượng ở công viên Thống Nhất đổi màu: Tranh tượng mà biết nói năng

Tượng ở công viên Thống Nhất đổi màu: Tranh tượng mà biết nói năng
TP - Nhìn những bức tượng được sơn xanh đỏ rợ hết cả lên, tôi phải định thần một lúc mới nhận ra chúng vốn là những điêu khắc quen thuộc theo phong cách hiện thực trong công viên Thống Nhất. Sinh nhật (ước chừng) 60 của chúng được kỷ niệm theo một cách không ai ngờ…

Có tờ báo bức xúc, đi phỏng vấn giới mỹ thuật. Nhưng lại không thấy hỏi tác giả - người chắc hẳn đã bị rơi vào quên lãng?! Người được hỏi cho rằng như thế làm cho tượng thành lòe loẹt, quê, mất đẹp. Người thì thảng thốt: "Nó mọc ra từ bao giờ? Ai là chủ đầu tư? Ai là tác giả? Sao giữa trung tâm lại có cảnh tượng khủng khiếp này?". Nếu hỏi ai gợi hứng, tôi có thể trả lời được ngay: Chính con SARS-CoV2. Trong số các lý thuyết về nguồn gốc nghệ thuật có “tổng sinh lực và sinh lực thừa”. Đại loại, khi con người đã tự lo được và đáp ứng đủ các nhu cầu thiết yếu, họ sẽ có thời gian và cảm hứng để làm đẹp cho bản thân và không gian xung quanh. Từ đó nghệ thuật ra đời. Hẳn là một nguồn sinh lực mới mẻ đã thành hình trong đội ngũ nhân viên của công viên suốt thời gian giãn cách xã hội chưa từng có, từ đó giúp họ tạo nên ấn tượng thị giác bất hủ kia?!

Thực ra vụ việc cũng đâu có gì nghiêm trọng, mà chỉ xuất phát từ mong muốn làm mới mình của công viên Thống Nhất sau thời gian đóng cửa tránh COVID-19. Họ nghĩ đơn giản như sơn lại nhà, mỗi lần một màu tùy thích, thậm chí vẽ, dán giấy lên tường là chuyện bình thường. Cùng một công sơn, tại sao không tô màu luôn cho đẹp?! Họ cũng khá tuân thủ tính lịch đại của các bức tượng, khi quần nữ bao giờ cũng được sơn màu đen- tức màu lụa, xa-tanh phổ biến các mẹ các chị vẫn mặc thuở bao cấp. Người sơn cũng có độ khéo nhất định, nên mắt môi cũng rõ nét chứ không nhành ra chẳng hạn.

Tất nhiên với một số nhà chuyên môn khó tính, đây là một kiểu phá. Nhưng cũng nhẹ nhàng thôi, làm mờ ranh giới giữa hội họa và điêu khắc theo một cách ngây thơ tuyệt đối. Giả sử cũng những thành quả đấy nhưng thuộc về một dự án nghệ thuật chuyên nghiệp, đương đại, có khi lại được khen! Riêng tôi lại đang muốn đến công viên để tận mắt ngắm và chụp ảnh với những tượng màu có một không hai. Thế là công viên đạt được mục đích hút khách rồi. Tôi đề nghị công viên nên tổ chức hội tô tượng hàng năm mời các họa sĩ đến thay áo cho tượng, đảm bảo thành sự kiện ăn khách!

Có mắng thì mắng mấy người phá phù điêu của họa sĩ Trường Sinh ở ngã tư Chợ Mơ kia kìa. Chúng ta đã đến thời tạm gọi là có của ăn của để, chỉ thiếu văn hóa để khẳng định bản sắc. Còn một di sản hiện đại thú vị như thế mà chả ai đoái hoài. May mà ông Martin Rama, chuyên viên Ngân hàng Thế giới, một người hết lòng yêu Hà Nội đã kịp tài trợ tiền để gia đình họa sĩ đưa phần còn lại của bức tranh tới nơi khác. Ngẫm lại số phận của tác phẩm tạo hình xứ mình vẫn quá mong manh. Với một số người, phù điêu hay tượng cũng chẳng khác gì bức tường hay cục bê-tông. Từ không hiểu đến xóa sổ chỉ trong tích tắc.

MỚI - NÓNG
Miền Bắc, Bắc Trung bộ sắp đón mưa rét
Miền Bắc, Bắc Trung bộ sắp đón mưa rét
TP - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của rãnh thấp hoạt động nên khoảng từ đêm 11 đến ngày 13/12, khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông, riêng vùng núi cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trung Quốc giảm phí visa cho khách Việt Nam
Trung Quốc giảm phí visa cho khách Việt Nam
TPO - Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã ra thông báo về quyết định giảm 25% lệ phí xin thị thực (visa) Trung Quốc từ 11/12, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng du khách và thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia.