Âm nhạc Lam Phương sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu truyền thống với khúc thức giản dị, ca từ có độ trau chuốt dễ đi vào lòng người. Ông dường như có khả năng xóa nhòa ranh giới giữa “nhạc sang” và “nhạc sến”.
Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ra tại Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 10 tuổi, mẹ gửi ông lên Sài Gòn học, sống ở nhà người bác ruột. Ông bắt đầu tự mày mò học nhạc, rồi may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương chỉ dẫn. Bút danh Lam Phương do ông lấy từ hai chữ trong tên thật của mình là Lâm và Phùng với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng”.
Ca khúc đầu tay của ông là bài Chiều thu ấy, viết khi mới 15 tuổi. Thời gian đầu sáng tác, ông gặp rất nhiều khó khăn về tài chính nên thường phải vay tiền những người bạn của mình để tự phát hành các tác phẩm âm nhạc cho đến khi nổi tiếng với Kiếp nghèo. Nhưng phải đến Thành phố buồn viết tại Đà Lạt năm 1970 ông mới thực sự trở thành ông hoàng nhạc tình miền Nam. Bài hát đem về cho ông ít nhất 12 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng hòa. Trong khi một xe máy Honda nhập nguyên chiếc từ Nhật về lúc đó chỉ 30.000đ, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh. Đây có thể coi là một trong những bản tình ca có sức ám ảnh lớn trong kho tàng nhạc Việt.
Năm 18 tuổi, ông xuất bản hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó Khúc ca ngày mùa được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học sinh. Năm 1959, ông kết hôn cùng nghệ sĩ Túy Hồng và chuyên viết nhạc cho các vở kịch do vợ đóng vai chính. Sự khởi đầu và kết thúc của cuộc hôn nhân này được đánh dấu bằng Ngày hạnh phúc và Lầm. Ngoài ra ông có một lịch sử tình trường phong phú với nhiều nữ danh ca trong đó phải kể đến Bạch Yến (nguồn cảm hứng của Tình bơ vơ, Chờ người…), Minh Hiếu (Biển tình)… Mỗi người đi qua đời ông đều để lại cho nhạc Việt những bản tình ca đi vào lòng nhiều thế hệ.
Thường đến thăm ông những ngày cuối đời, ca sĩ Quang Thành cho hay: “Trong những lần chúng tôi chuyện trò, ông luôn nhắn gửi lời cảm ơn đến khán giả khắp nơi, đặc biệt là khán giả trong nước. Ông nói nhớ Việt Nam, mong ngày về thắp cho mẹ một nén nhang tại mộ phần của bà ở chùa Phật Lớn, Rạch Giá, Kiên Giang và nếu được sau này nằm luôn bên mẹ - tình yêu đầu tiên và cuối cùng của ông”.
Sau khi định cư tại Mỹ, nhạc sĩ tài danh phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, quét dọn, đến thợ mài, thợ tiện... trước khi trở lại với âm nhạc, tiếp tục sáng tác. Từ 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ. Năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não, phải trải qua nhiều đợt điều trị. Thời gian này ông nhận được nhiều tình cảm quý báu từ người hâm mộ giúp ông chống chọi với bạo bệnh. Theo Wikipedia thì em gái ông bỏ cả nhà hàng bên Pháp bay sang Mỹ để chăm sóc cho anh, hay một người yêu nhạc từ bên Úc mua cho ông một căn nhà và ngày nào cũng gọi điện để bắt ông phải nói chuyện. Bà còn đến tận nơi, vứt chiếc xe lăn ra xa để ông phải tự đi. Giữa tháng 12 năm nay, bệnh tim và tai biến tái phát khiến ông phải nhập viện cấp cứu.
Năm 2016, Trung tâm Thúy Nga tổ chức liveshow tôn vinh ông tại Singapore. Cũng từ thời điểm này, tác phẩm của Lam Phương bắt đầu được chính thức vang lên trong nước. Một cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng được NXB Phụ nữ ấn hành cuối năm 2019. Nhạc sĩ Tuấn Khanh đánh giá Lam Phương “thật sự là một tài năng hiếm có và đáng kính trọng trong ký ức âm nhạc của người Việt”.
“Tôi đau lòng quá bởi đời sống vốn đã không nhiều hạnh phúc nay lại mất thêm chỗ dựa tinh thần. Biết lấy gì bù đắp! Dẫu vẫn biết sống gửi thác về nhưng trước sinh ly tử biệt, tôi đau buồn như mất đi một người cha. Từ nay tôi không còn được nghe tiếng cười của ông nữa, không ai còn nghe thấy nữa, nhưng tôi biết mọi người sẽ tiếc thương và nhớ ông mãi mãi. Tôi cầu chúc ông Lam Phương an nghỉ trong cõi bình an đời đời!”.
Ca sĩ KHÁNH LY