Ngày 26/9, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, Tướng Ben Hodges đã nêu lên ba yếu tố có thể cản trở các đồng minh NATO đối phó với Nga và làm cho họ trở nên dễ bị tổn thương, trong trường hợp khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có xung đột quân sự với Moscow.
Ông Hodges nêu lên yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phòng thủ, là thiếu các phương tiện liên lạc vô tuyến điện được bảo mật, mà với sự hỗ trợ của chúng, quân đội Mỹ và các đồng minh của họ có thể truyền thông tin cho nhau một cách an toàn mà không sợ bị nghe trộm.
Điểm yếu chết người thứ 2 của các nước thuộc khối NATO là thiếu một cơ sở thông tin thống nhất, vốn có thể cho phép Hoa Kỳ và các đồng minh của họ theo dõi quá trình tác chiến cùng một lúc và không phụ thuộc vào nhau.
Trung tâm chỉ huy quốc phòng mới xây dựng rất hiện đại của Nga.
Theo cổng thông tin Breaking Defense, yếu tố thứ ba khiến các nước NATO có thể thất bại trước Nga là thiếu một hệ thống đáng tin cậy, vốn có thể liên kết các radar, vũ khí pháo binh và các quân nhân tại chiến trường vào thời điểm hạ lệnh nổ súng.
Thực ra đây không phải là lần đầu các tướng lĩnh Mỹ và NATO lo ngại bị thua trong cuộc đối đầu với Nga. Những lo lắng của chuyên gia quân sự Mỹ là đúng, hiện quân đội Nga không còn yếu kém và thiếu hiện đại như trong giai đoạn “cuộc chiến 5 ngày” năm 2008 với Gruzia.
Sự thay đổi chiến lược quân sự và tư duy tác chiến đã khiến quân đội Nga “lột xác” hoàn toàn, trở thành một lực lượng quân sự mạnh mẽ trên thế giới, trong đó việc tiến hành hiện đại hóa vũ khí, trang bị và phát triển mạnh lực lượng trinh sát, tác chiến điện tử đang được đặt lên hàng đầu.
Chính vì thế, ngay cả Mỹ cũng đã phải cấp tốc chuyển mình để đối phó với Nga. Lầu Năm Góc đã thành lập Ủy ban Tác chiến điện tử, do Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua bán vũ khí Frank Kendall và phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân - Đô đốc James Winnefeld lãnh đạo.
Binh lính Mỹ trong cuộc tập trận chung với quân đội Litva.
Ủy ban này sẽ tìm cách giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giữ vững lợi thế trong lĩnh vực tác chiến điện tử. Vào năm 2014, Hội đồng khoa học quốc phòng Hoa Kỳ đã đề nghị phân bổ thêm 2 tỉ USD trong ngân sách quốc phòng nhằm tăng cường khả năng tác chiến điện tử.
Tuy nhiên, đối với các nước NATO ở châu Âu, ngoài 1 vài quốc gia có khả năng công nghệ ngang ngửa với Mỹ như Đức, Anh, Pháp, còn lại là những quốc gia thường thường bậc trung, trình độ khoa học kỹ thuật quân sự kém Nga rất xa, dẫn đến việc thiếu đồng bộ về vũ khí, trang bị và thiết bị thông tin.
Sự thiếu đồng bộ này không chỉ gây khó khăn trong phối hợp, hiệp đồng tác chiến đối với một lực lượng quân sự hỗn hợp đa quốc gia mà còn có thể là điểm yếu rất lớn để Nga khai thác, chặn thu các thông tin bí mật hoặc đánh phá hệ thống thông tin chỉ huy kiểm soát, khiến NATO thua trận trên chiến trường.