Tương lai nào chờ đợi Liên minh châu Âu?

Tương lai nào chờ đợi Liên minh châu Âu?
Việc người Pháp nói “không” với Hiến pháp EU cũng giống như người Anh nói “không” với thịt bò, người Nga nói “không” với rượu Vodka, như trái tim đột nhiên không chung nhịp đập cùng cơ thể...
Tương lai nào chờ đợi Liên minh châu Âu? ảnh 1
Người dân Pháp đã quyết định nói “không” với Hiến pháp châu Âu

Chỉ một từ “không” lạnh lùng của cử tri Pháp, đang kéo theo hàng loạt điều “không thể” khác với tương lai nước Pháp và EU.

Tháng 10/2004 khi lãnh đạo các nước thành viên EU ký tên vào bản dự thảo Hiến pháp chung, họ đã sẵn sàng đón đợi giai đoạn khó khăn, nhưng cũng đáng nhớ nhất để hầu hết trong tổng số 450 triệu công dân chấp nhận nó.

Việc 58% cử tri Pháp nói “không” với Hiến pháp EU không bất ngờ, nhưng thực sự là một đòn nặng nề nhất giáng vào niềm tự hào, khát vọng vươn lên trở thành “ngôi nhà chung” hay “siêu quốc gia” để tạo ra đối trọng với Mỹ trên trường quốc tế.

Hãy nhìn lại những bước chuyển mình mạnh mẽ tưởng như không bao giờ ngừng trệ suốt chiều dài lịch sử của EU để thấy rằng “gã khổng lồ” này đang lúng túng, vật vã như thế nào khi quật ngã một cách đau đớn ngay trên chính “sàn đấu” trưng cầu dân ý tại Pháp, trái tim và linh hồn của liên minh.

Khủng hoảng chính trị - xã hội trong lòng nước Pháp đã hiện rõ ngay từ khi cử tri Pháp chưa nói “không” hay “có”, nhưng với EU không ai có thể lường hết những hậu quả do thất bại của cuộc trưng cầu dân ý này gây ra.

Không chỉ ở Pháp, người dân trên toàn châu Âu nhận thấy, EU không có câu trả lời thỏa đáng với họ trên nhiều lĩnh vực. Cử tri nói “không” với Hiến pháp EU cũng có nghĩa là từ chối những gì liên minh đã làm được từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, phản đối việc tiếp tục kết nạp thành viên và cuộc cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do...

Về lý thuyết, EU vẫn có thể vận hành theo những điều luật hiện hành mà không cần Hiến pháp. Tuy nhiên, sự đổ vỡ của Hiến pháp có thể tạo ra cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử gần 60 năm tồn tại của EU.

Thất bại trưng cầu dân ý ở Pháp làm ngưng trệ các hoạt động nhằm tạo ra sự lớn mạnh của liên minh, đặc biệt là đánh mất niềm tin của dân chúng khi liên minh tồn tại chủ yếu dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Trong quá khứ, EU đã trải qua không ít cuộc khủng hoảng chính trị, một số có gốc rễ từ nước Pháp, nhưng vết thương lần này xem ra khó tìm được thuốc giải.

Quan chức EU kêu gọi những nước thành viên khác không vì “sự cố” ở Pháp mà ngừng việc trưng cầu dân ý hoặc thông qua Hiến pháp EU tại Quốc hội.

Lãnh đạo liên minh cũng đưa ra hàng loạt kịch bản như: Tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 tại Pháp; Tuyên bố Hiến pháp EU đã “chết yểu” để tiến hành cải cách Hiến pháp và sẽ thông qua sau; “Cứu” một số phần trong Hiến pháp vì một số điều khoản không cần phê chuẩn vẫn có hiệu lực; Thậm chí có người còn tính đến chuyện “mời” Pháp ra khỏi EU...

Điều trớ trêu là tất cả các kịch bản trên đều không khả thi bởi EU đang đứng giữa “ngã ba đường” với những mâu thuẫn nội tại. EU hiểu rằng sự lớn mạnh quá nhanh của liên minh trong tiến trình “nhất thể hoá” đang tạo ra khủng hoảng, nhưng cũng không thể làm ngừng trệ động lực trong tiến trình liên kết châu Âu hoặc tự làm suy yếu quyền lực của chính họ.

Thực tế cho thấy, thất bại ở Pháp có thể tạo ra hiệu ứng đô-mi-nô nói “không” với Hiến pháp EU tại nhiều nước thành viên khác. Vài ngày tới trưng cầu dân ý sẽ diễn ra tại Hà Lan, nơi các cuộc khảo sát cũng cho biết hầu hết người dân phản đối Hiến pháp EU. Sau Hà Lan sẽ là CH Séc, Ba Lan, Đan Mạch và quan trọng nhất là Anh.

Có ý kiến cho rằng, lãnh đạo EU nên thừa nhận Hiến pháp “chết yểu”,  chờ thời gian chín muồi còn hơn để châu Âu bị chia rẽ sâu sắc bởi những cuộc trưng cầu dân ý mà dù nó có thành công thì trên nguyên tắc Hiến pháp EU vẫn không thể có hiệu lực khi đã không được thông qua tại Pháp. EU đang lùi 1 bước rất dài, nhưng có tiến được 2 bước, hay sẽ còn lùi tiếp là điều mà ngay các nhà lãnh đạo liên minh cũng không thể lường trước.

MỚI - NÓNG