Tuồn chất thải công nghiệp vào ruộng

Chất thải đổ trộm tại ruộng lúa của người dân được Chủ tịch xã Lai Vu cho là có nguồn gốc từ KCN Lai Vu. Ảnh: Minh Đức.
Chất thải đổ trộm tại ruộng lúa của người dân được Chủ tịch xã Lai Vu cho là có nguồn gốc từ KCN Lai Vu. Ảnh: Minh Đức.
TP - Sau nhiều ngày mật phục, người dân bắt quả tang xe chở chất thải từ khu công nghiệp đổ trộm vào ruộng lúa của người dân tại xã Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương. Cơ quan chức năng cho biết, sẽ đóng cửa các Cty nếu xác định đó là chất thải nguy hại.

Nhiều lần đổ trộm

Thời gian qua, người dân nhiều lần phát hiện xe bồn chở nước thải chạy vào đồng lúa của người dân xã Cộng Hòa và Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Tới ngày 30/5, người dân chặn được một xe bồn cùng lái xe Lê Văn Quyền (SN 1963, ở TP Hải Dương) đang đổ trộm chất thải xuống ruộng.

Làm việc với cơ quan chức năng, Quyền khai là lái xe cho một Cty chuyên xử lý chất thải nguy hại có trụ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định chất thải Quyền đổ trộm xuống ruộng lúa dạng lỏng, chưa xác định được mức độ nguy hại. UBND xã Lai Vu đã xử phạt 5 triệu đồng đối với Lê Văn Quyền.

Ngày 2/6, làm việc với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Duy Hường - Chủ tịch UBND xã Lai Vu cho biết, khoảng giữa tháng 5/2016, một số người dân địa phương đến UBND xã phản ánh có một số xe bồn chở chất thải đi từ cổng sau KCN Lai Vu (xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) và đổ vào bãi rác sinh hoạt của người dân. Theo ông Hường, Quyền đã nhiều lần chở chất thải dạng lỏng từ KCN đổ trộm vào khu dân cư.

Tuồn chất thải công nghiệp vào ruộng ảnh 1

Ông Bùi Duy Hường Chủ tịch UBND xã Lai Vu. Ảnh: Minh Đức.

Đóng cửa Cty nếu xác định chất thải nguy hại

Liên quan sự việc trên, ông Đặng Xuân Thưởng - Phó trưởng BQL các KCN tỉnh Hải Dương, kiêm Giám đốc Cty TNHH một thành viên KCN Lai Vu thừa nhận, về quy định, trước khi cho các doanh nghiệp thuê, hạ tầng KCN bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Song, nếu thực hiện theo đúng quy định thì phải đóng cửa hết các doanh nghiệp.

Ông Thưởng lý giải, Lai Vu trước đây là Cụm công nghiệp Tàu thủy Hải Dương, được triển khai theo đề án phát triển Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) giai đoạn 2001-2010. Sau khi Vinashin được Thủ tướng Chính phủ cho tái cơ cấu, KCN được chuyển giao nguyên trạng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và được đổi tên thành KCN Lai Vu.

 Đến tháng 6/2014, PVN đã bàn giao KCN Lai Vu về tỉnh Hải Dương quản lý. Ngoài các doanh nghiệp của Việt Nam đang hoạt động trong KCN Lai Vu, Cty TNHH một thành viên KCN Lai Vu đã ký hợp đồng cho 2 đối tác là Cty TNHH Liên doanh dệt Pacific và Cty TNHH May Tinh Lợi thuộc Tập đoàn Crystal, Trung Quốc hoạt động.

Ông Thưởng cho biết thêm, KCN Lai Vu đang triển khai xây dựng khu xử lý nước thải tập trung nên một số Cty phải ký hợp đồng với các đơn vị chuyên xử lý chất thải bên ngoài. Sau sự việc này, ngày 2/6, đại diện sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện BQL các KCN và huyện, chính quyền xã Lai Vu đã có cuộc họp liên quan đến hành vi xả thải, đổ thải để có biện pháp xử lý.

“BQL KCN Lai Vu đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo về việc đảm bảo xử lý xả thải và việc ký kết hợp đồng với các đơn vị xử lý chất thải nguy hại. Nếu không đảm bảo chúng tôi sẽ yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động” - ông Thưởng nói.

Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở TN&MT Hải Dương, cho biết sẽ cho kiểm tra và rà soát những đơn vị nào ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại nhưng đổ không đúng nơi quy định và sẽ có biện pháp xử lý.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.