Tuổi trẻ cụm Duyên hải Nam Trung bộ phải tiên phong trong chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bí thư TƯ Đoàn Nguyễn Tường Lâm đề nghị các đơn vị trong Cụm Duyên hải Nam Trung bộ tiếp tục xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, phát huy vai trò tiên phong của thanh niên trong chuyển đổi số.

Ngày 22/6, TƯ Đoàn tổ chức Hội nghị Giao ban công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi Cụm Duyên hải Nam Trung bộ 6 tháng đầu năm 2022 tại Đà Nẵng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Cụm Duyên hải Nam Trung Bộ tiếp tục được triển khai thực hiện sôi nổi, thích ứng đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Các cấp bộ Đoàn trong Cụm đã thực hiện 24 công trình thanh niên cấp tỉnh, 271 công trình thanh niên cấp huyện và 3.784 phần việc, công trình thanh niên xung kích tình nguyện vì cộng đồng với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng.

Tuổi trẻ cụm Duyên hải Nam Trung bộ phải tiên phong trong chuyển đổi số ảnh 1
Trong khuôn khổ Hội nghị, TƯ Đoàn trao 20 suất học bổng trị giá 60 triệu đồng cho học sinh là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Giang Thanh

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tuổi trẻ Cụm Duyên hải Nam Trung bộ đã thắp sáng hơn 150 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 177 tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, làm mới 22 km đường giao thông nông thôn, tổ chức 60 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhân dân…

Các cấp bộ Đoàn trong Cụm triển khai xây dựng 179 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi; hỗ trợ hơn 50 ngàn thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hơn 15.000 người già neo đơn, thanh niên yếu thế.

Cụm Duyên hải Nam Trung bộ cũng đồng hành tích cực với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp. Các cấp bộ Đoàn tổ chức 57 hoạt động tập huấn trang bị kiến thức khởi nghiệp cho thanh niên; tư vấn hỗ trợ, tập huấn thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, chủ động tổ chức và phối hợp với các ngành mở hơn 55 lớp đào tạo nghề cho hơn 2.220 thanh niên.

Các nguồn vốn vay ưu đãi dành cho thanh niên, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiếp tục được triển khai và duy trì hiệu quả. 46 CLB thanh niên khởi nghiệp được xây dựng và duy trì, vận động các hộ gia đình thanh niên trong diện hộ nghèo, thanh niên có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế tại địa phương.

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Định Hà Duy Trung chia sẻ về mô hình quỹ vay vốn với nguồn vốn cố định 5 tỷ đồng do Tỉnh Đoàn thực hiện với thủ tục giải ngân đơn giản để đoàn viên thanh niên tiếp cận.

“Quỹ lấy tiền lãi để hỗ trợ các dự án, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên thanh niên nên không ảnh hưởng đến quỹ gốc. Đến nay, nhiều đoàn viên thanh niên đã được tiếp cận với nguồn vốn này”, anh Trung nói.

Trong 6 tháng đầu năm, Bình Định hỗ trợ cho 48 thanh niên vay vốn, hỗ trợ con giống, cây giống và kỹ thuật để thanh niên khởi nghiệp; tổ chức 15 buổi tập huấn công tác khởi nghiệp cho gần 1.300 đoàn viên thanh niên.

Tuổi trẻ cụm Duyên hải Nam Trung bộ phải tiên phong trong chuyển đổi số ảnh 2

Bí thư TƯ Đoàn Nguyễn Tường Lâm yêu cầu các địa phương trong Cụm Duyên hải Nam Trung bộ cần xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ảnh: Giang Thanh

Anh Nguyễn Tường Lâm đánh giá cao kết quả hoạt động của Cụm Duyên hải Nam Trung bộ trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là việc thích nghi chuyển trạng thái từ phòng chống dịch sang bình thường mới với nhiều hoạt động, mô hình thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình.

Trong thời gian tới, Bí thư TƯ Đoàn đề nghị các địa phương trong Cụm xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, trước hết, phải thay đổi nhận thức của từng cán bộ, đoàn viên thanh niên về chuyển đổi số, phát huy vai trò tiên phong của thanh niên trong chuyển đổi số.

Hiện, TƯ Đoàn đang thực hiện chuyển đổi số 3 hoạt động chính, đó là: Ứng dụng Thanh niên Việt Nam, cập nhật dữ liệu đoàn viên và kết nối fanpage trong dữ liệu hệ thống nhằm đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động của Đoàn thông qua mạng xã hội.

“TƯ Đoàn đang phối hợp với Bộ TT&TT và xây dựng các tổ chuyển đổi số cộng đồng, thanh niên sẽ là lực lượng nòng cốt. Cần có nhiệm vụ, giải pháp và nội dung cụ thể để tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hỗ trợ người dân tiếp cận với từng khía cạnh cụ thể của chuyển đổi số”, anh Lâm nói.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.