Tuổi thơ không chỉ có đàn của nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh

Thạc sĩ Lưu Đức Anh chia sẻ, tuổi thơ không chỉ có đàn
Thạc sĩ Lưu Đức Anh chia sẻ, tuổi thơ không chỉ có đàn
TPO - Thạc sĩ Lưu Đức Anh có bố là PGS.TS NSƯT Lưu Quang Minh, anh trai là Lưu Hồng Quang - tài năng piano và từng được Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Đức Anh là người thứ ba thành danh với âm nhạc; là người thứ hai được đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, đã có những chia sẻ quy tắc, kỷ luật tập luyện trong gia đình; áp lực khi có những lời so sánh.

Thạc sĩ Lưu Đức Anh, SN 1993,  Học viện âm nhạc Malmo, Thụy Điển. Trả lời câu hỏi của độc giả về quy tắc được xem như gia phong trong gia đình, thạc sĩ Lưu Đức Anh cho biết: "Gia đình mình cũng bình thường như những gia đình khác. Có thể nói, nghiêm khắc hơn một chút so với những gia đình của thế hệ trẻ hơn bây giờ, nhưng thời đó thì hoàn toàn bình thường.

Nhà có hai con trai, tính vốn đã hiếu động lại cần phải duy trì kỉ luật tập luyện nên đương nhiên phải nghiêm khắc. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nói mình không có tuổi thơ hay tuổi thơ chỉ có đàn. Gia đình cũng sắp xếp thời gian học hợp lý để mình vẫn được đi chơi hay thỉnh thoảng mua những món đồ mà mình thích. Nói chung, mình tuy phải học nhiều từ bé nhưng không hề thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa là mấy".

 Đức Anh bộc bạch: "Hồi nhỏ mình gặp áp lực đôi chút vì cũng không thể tránh được những lời so sánh từ người ngoài, mặc dù người ta cũng chẳng có ác ý gì. Nhưng qua thời gian thì dần dần áp lực đó cũng nhẹ dần và bây giờ mình không còn chịu ảnh hưởng gì nữa. Giờ đây, mỗi người đều đã có một phong cách riêng, một vùng trời riêng và cùng nhau giúp đỡ hoàn thiện nhau một cách rất dễ dàng".

 Khi được biết Đức Anh cũng được lọt vào đề cử Gương mặt trẻ Việt nam tiêu biểu, anh trai Lưu Hồng Quang đã rất vui. "Anh mình cũng rất vui và tự hào bởi cả hai đều được bình chọn cho giải thưởng cao quý này. Đây là sự động viên tinh thần lớn lao để cả hai tiếp tục cố gắng trên con đường mình đã chọn", Đức Anh nói.

Người thầy ấn tượng
Thạc sĩ Lưu Đức Anh cho biết người thầy ấn tượng nhất là nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. Cậu cho hay: "Mình có may mắn được học với chú Đặng Thái Sơn tại một festival ở Nhật trong vòng 2 tuần năm 2011. Có rất nhiều điều chú nói mà vẫn theo mình đến tận bây giờ. Một trong số đó là những lời giảng về kỹ năng nghe.

Tay của mình có thể chỉ đạt đến một tốc độ giới hạn nhưng tai của mình thì không hề có giới hạn. Mỗi ngày mình vẫn nghe được nhiều thứ hơn, nhiều chi tiết hơn trong âm nhạc. Càng lớn mình càng nhận ra đôi tai còn quý giá hơn cả đôi tay. Đôi khi không chỉ nghe người ta chơi đàn thế nào, hát thế nào mà còn nghe xem người ta là con người như thế nào nữa".

Đức Anh cũng cho hay: Hiện tại có thể nói mình đang học về âm nhạc chứ không phải học Piano nữa. Piano là một phương tiện giúp mình đi tới âm nhạc, tới thế giới nghệ thuật. Điều lớn nhất mà âm nhạc cổ điển là đã giúp mình trở thành một người tốt, không ích kỷ, luôn luôn muốn chia sẻ với mọi người, biết yêu thương người khác.

Thứ hai, đã giúp mình trở thành một con người có kỉ luật, được hình thành từ nhiều năm tháng kiên trì tập luyện nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày. Cuối cùng, mình có được một khối lượng kiến thức lớn về văn hóa nghệ thuật".

Thạc sĩ Lưu Đức Anh bộc bạch: Mình nghĩ đã rất may mắn khi có gia đình và thầy cô giáo chỉ đường vô cùng đúng đắn. Mình bắt đầu rất chậm rãi và từ tốn, dần tham gia các cuộc thi từ nhỏ đến lớn, không hề có mục tiêu phải trở thành ngôi sao nổi tiếng từ khi còn nhỏ tuổi. Mọi thứ đối với mình bây giờ được xây dựng vô cùng chắc chắn qua một quá trình rất dài và mình vẫn đang tiến bộ lên từng ngày.

Có một khó khăn đáng kể nhất có thể nói là những lúc cấp 2, cấp 3, phải duy trì cả việc tập đàn lẫn đảm bảo chất lượng học văn hóa ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Mình không có thời gian đi học thêm như những bạn khác. Nhiều khi không thể xong hết được bài tập và đành tới trường với tâm trạng khá lo lắng hy vọng cô giáo sẽ không kiểm tra đến mình. Thường hầu hết mọi người đều dừng học đàn ở cấp 3 vì muốn tập trung thi một đại học khác. Mình lúc đó cũng chưa xác định rõ được đích đến nghề nghiệp nên vẫn phải cố duy trì cả hai, rất may là mình cũng đã qua được.

MỚI - NÓNG