Tuổi thơ chòng chành theo con nước

Mang con theo trên những chuyến ra khơi, những đứa trẻ được bảo vệ bằng những mảnh lưới tạm bợ. Ảnh: Nguyễn Huy
Mang con theo trên những chuyến ra khơi, những đứa trẻ được bảo vệ bằng những mảnh lưới tạm bợ. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Hè, hàng trăm đứa trẻ dọc phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) lại theo thuyền ra khơi mưu sinh. Biển rộng, sông dài tuổi thơ các em không ít lần chao đảo, bập bềnh, thả trôi trên những con nước với nhiều hệ lụy buồn.

>> Loạt bài Tuổi thơ bị đánh cắp

Đang học mẫu giáo, em Lợi cùng cha lênh đênh trên biển “học” nghề chài
Đang học mẫu giáo, em Lợi cùng cha lênh đênh trên biển “học” nghề chài.
Ảnh: Nguyễn Huy


Trên phá Tam Giang

Chúng tôi dừng ngang nơi cảng biển Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) hướng cái nhìn vào giữa mênh mông biển nước. Ráng chiều đang phủ một màu vàng vọt dọc vùng ven phá Tam Giang, từng con thuyền chòng chành chao đảo, tựa chiếc lá tre trôi nổi, bập bềnh. Chẳng biết từ khi nào, đời người đã gắn với đời Phá Tam Giang, chỉ biết cái chiều dài đến 24km, trải rộng trên diện tích hơn 50km2 của con phá là biết bao cảnh đời, số phận.

Dì Trần Thị Ngò (43 tuổi, thôn Tân Lập, Thuận An) ngồi bên mạn thuyền, buông giọng: “Thương em anh cũng muốn vô - Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”, như ám chỉ về sự dữ dội của phá Tam Giang, một trong những đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Biết rứa, nhưng bao đời nay gia đình dì vẫn gắn bó với con nước này.

“Ba đứa theo người ta đi biển rồi, còn tui với đứa nhỏ, nó cũng chuẩn bị đi luôn. Chốn sông nước, chẳng biết biển cả lành dữ ra răng nhưng ai cũng phải bỏ bờ ra biển, ra phá mưu sinh thôi. Chỗ ni phải biết đến con cá, con tôm mới mong sống nổi” - Dì Ngò tâm sự.

Hè nào cũng thế, những cậu con trai chưa đến tuổi công dân của dì Ngò lại theo thuyền đi đánh bắt, nhanh thì hơn tuần, lâu có khi đến cả nửa tháng hơn. Thậm chí không ít đứa trẻ bỏ học để gắn bó cả năm, tháng trên con nước dọc phá Tam Giang.

Em Nguyễn Văn Hợi, 16 tuổi, con trai chị Ngò nói: “Bọn bạn em nó bỏ học hết rồi, một mình đi học buồn, mà học cũng chẳng vô. Cứ đến hè, con chữ lại trôi theo con nước thì làm sao mà học được nên mấy năm nay em quyết định nghỉ học luôn rồi”.

"Chị Diếc bảo mang con đi biển vừa nguy hiểm vừa vướng chân, các hộ dân vạn đò nơi đây phải căng lưới hoặc đan phên nứa khép kín hai đầu khoang thuyền, để khi đi đánh cá ở xa thì cho con vào trong khoang rồi kéo lưới, phên buộc chặt lại."

Cạnh chỗ dì Ngò, con thuyền của gia đình Nguyễn Văn Bình (thôn Tân Bình, Thuận An) cũng vừa cập bờ sau những ngày dài mưu sinh. Chiếc thuyền nhỏ nhưng bố trí đầy đủ các vật dụng cần thiết cho một gia đình sinh hoạt. Sau lớp lưới dù thả từ mui thuyền, bao bọc cửa ra vào, chị Trần Thị Diếc, vợ anh Bình một tay cho đứa lớn ăn cơm, tay còn lại khẽ ru hai đứa nhỏ ngủ.

Chị Diếc bảo mang con đi biển vừa nguy hiểm vừa vướng chân, các hộ dân vạn đò nơi đây phải căng lưới hoặc đan phên nứa khép kín hai đầu khoang thuyền, để khi đi đánh cá ở xa thì cho con vào trong khoang rồi kéo lưới, phên buộc chặt lại.

Trên mui thuyền, anh Bình đang phân loại mớ cá ít ỏi sau những đêm thả lưới: Bữa ni trời động khó đánh bắt cá, lại không dám ra xa vì sợ lũ trẻ sẽ nguy hiểm. Cực chẳng đã mới phải mang con theo vì ở nhà không có người trông nom” - anh Bình bộc bạch. Không riêng gia đình anh, chuyện đem con theo khá phổ biến với người dân ven biển, dọc phá Tam Giang.

Chỉ tính riêng tại thôn Tân Lập và Tân Bình (thị trấn Thuận An) có đến gần 90% bám nghề sông nước, trong đó còn gần 30 hộ gia đình vạn đò sống lênh đênh trên những chiếc thuyền tạm bợ. Lấy vợ, mang bầu, sinh con đều ở trên thuyền. Đời con nối nghiệp đời cha, gắn mình với lưới chài trên đầm phá Tam Giang.

Mang con theo trên những chuyến ra khơi, những đứa trẻ được bảo vệ bằng những mảnh lưới tạm bợ. Ảnh: Nguyễn Huy
Mang con theo trên những chuyến ra khơi, những đứa trẻ được bảo vệ
bằng những mảnh lưới tạm bợ. Ảnh: Nguyễn Huy.


Con chữ cũng trôi

Trời tối sẩm, em Lê Văn Nam (thôn Tân Bình) vẫn cố hì hục kéo chiếc thuyền thúng vào mép bờ. Cả ngày bơi thúng thả lưới giữa phá Tam Giang, Nam tần ngần nhìn số cá ít ỏi chưa đủ cho bữa cơm gần chục miệng ăn. Mới 16 tuổi, Nam trở thành một trong những trụ cột chính trong gia đình, khi cha mẹ đau bệnh không thể bươn chải, các em còn nhỏ.

Gần 5 năm nay, Nam đã gắn bó với nghề biển. Hết mò nghêu, cào ốc dọc con phá mỗi dịp hè, em lại theo dân chài ra khơi đánh bắt. Con chữ với Nam cũng sụt sùi, đứt đoạn. Vừa xong cấp 1, Nam quyết định bỏ học đi làm khi đôi tay còn quá non nớt và khuôn mặt tha thiết nét bút học trò. Bà Nguyễn Thị Tư, (56 tuổi), trầm buồn: Nó và các em nó nữa cũng chẳng hơn gì nhau trong cái đường học hành. Nghèo như ri thì lấy chi mà học. Ba đứa em nó cũng có nguy cơ thất học.

Bỏ học sớm, nhiều trẻ em nghèo dọc phá Tam Giang phải cần mẫn mưu sinh. Ảnh: Nguyễn Huy
Bỏ học sớm, nhiều trẻ em nghèo dọc phá Tam Giang phải cần mẫn mưu sinh. Ảnh: Nguyễn Huy.

Cùng lứa tuổi với Nam còn có các bạn An, Tèo, Quang, Thái... cũng ở làng Kè này bỏ học đi biển. Khuôn mặt rám nắng của tụi nhỏ ngơ ngác khi được hỏi về tương lai của mình. Sau một hồi im lặng, Tèo hỏi lại tôi: “Cha mẹ sẵn có thuyền rồi, không đi biển thì biết làm nghề chi nữa anh?”.

Đặc biệt như trường hợp gia đình anh Trần Văn Tuấn, 30 tuổi, thôn Tân Lập được hai đứa con. Một trai, một gái. Đứa lớn Trần Văn Lợi năm nay tròn năm tuổi, đang theo học trường mẫu giáo trên thị trấn. Cho cu Lợi đi nhà trẻ rồi lại không có người chơi với đứa nhỏ nên anh chị đang tính cho con nghỉ học. Hai anh chị đều là dân vạn đò, sớm theo cha mẹ long đong trên biển, ngày cưới, lên xã đăng ký kết hôn cũng phải nhờ người ta ký giúp chứ hai vợ chồng đâu biết chữ...

Thầy Nguyễn Đông - Hiệu trưởng trường THCS Thuận An lo lắng: Từ đầu năm đến nay đã có 21 học sinh bỏ học ở nhà đi làm. “Mặc dù nhà trường có nhiều chính sách khuyến học như miễn giảm học phí, các khoản đóng góp nhưng không vận động được em nào quay lại lớp học. Tại trường Tiểu học Phú Tân; mấy năm nay cũng có tới 36 em học sinh bỏ học, vất vả lắm thầy cô mới vận động số học sinh đó quay lại lớp học, nhưng nguy cơ bỏ học luôn thường trực.

Theo Sở GD - ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế: đơn vị vừa có thống kê sơ bộ về con số bỏ học của học sinh trong tỉnh với 1.287 học sinh các cấp bỏ học. Trong đó, tình trạng các em bỏ học tập trung rải rác vùng ven biển.

Tuổi thơ chòng chành theo con nước ảnh 4


Tương lai mờ dần

Chị Diếc bảo phải may lưới phòng trường hợp con thơ đi biển gặp nạn. Nỗi nguy hiểm luôn thường trực với những đứa trẻ trên những chiếc thuyền mưu sinh.

Hơn một năm trôi qua nhưng anh Phan Văn Thuận (27 tuổi, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của hai đứa con trai. Đứa lớn bốn tuổi, đứa bé vừa mới lên hai. “Chúng tôi cho hai đứa nhỏ vào boong thuyền, buộc lưới chắn cẩn thận rồi mới chèo ghe đi bủa lưới. Trời bất ngờ nổi sóng to, tôi vội trở về nhưng không thấy con đâu cả… - giọng anh Thuận nghẹn lại. Anh kể khi ấy vợ anh, chị Trần Thị Mai, 25 tuổi ngất xỉu, bỏ ăn cả tháng trời. Còn anh rã rời tay chân, chẳng muốn sống. “Giá như sớm có đất lên bờ làm nhà thì đâu đến nỗi...!” - chị Mai nói, đôi mắt đỏ hoe.

Ông Huỳnh Văn Ngợi, trưởng thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) ái ngại: Toàn thôn có 146 hộ với 864 nhân khẩu thì đến 90% làm nghề đánh bắt cá. Sớm mưu sinh, nên phần lớn người trong thôn hơn 20 tuổi trở lên hiếm có người nào biết chữ. Thậm chí nhiều người còn không nhớ nổi tên, tuổi con mình.

Cuộc mưu sinh bập bềnh trên con sóng nên trên 30% số trẻ em trong thôn nghỉ học theo cha mẹ đi biển. Đời cha mẹ mù chữ, nay những đứa con sinh ra cũng đang đứng trước nguy cơ thất học, tương lai đang dần mờ phía trước.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.