Tuổi thơ bị đánh cắp - Bài 3: Chập chờn giấc mơ nơi cửa biển

Tuổi thơ bị đánh cắp - Bài 3: Chập chờn giấc mơ nơi cửa biển
TP - Nhọc nhằn mưu sinh, ngụp lặn dưới dòng nước đục ngầu nơi cửa biển Đà Nẵng, giấc mơ con chữ, học hành của hàng chục đứa trẻ thêm chông chênh, đứt đoạn.

>> Bài 2: Công trường lao động trẻ em

Lẫn trong đoàn người cào bắt phi là các em nhỏ
Lẫn trong đoàn người cào bắt phi là các em nhỏ . Ảnh: Nguyễn Huy

Chông chênh phận nghèo

Nắng chiều bỏng rát ụp xuống bãi phi Khe Cầu. Ngày nào cũng thế, đầu giờ chiều, cậu bé Võ Thiện Ngọc Hiếu (12 tuổi, trú phường Thọ Quang, Sơn Trà) lại có mặt tại bãi để bắt đầu công việc mò phi (một loại động vật thân mềm như ngao, hến).

Không chờ con nước rút, bước chân Hiếu bì bõm, thụt xuống lớp bùn non quyện mùi ngai ngái, vởn lớp vàng ố bám vào đôi chân trần gầy nhỏ. Phút chốc, thân hình nhỏ bé chìm dưới dòng nước đục ngầu, chỉ nhấp nhô chiếc nón tai bèo không che hết vạt nắng trên khuôn mặt.

“Mùa trước còn dễ cào, bắt phi, chứ giờ khó lắm. Làm cả ngày cũng chỉ được vài ba cân, bán được hai ba chục ngàn là cao. Bãi ngày càng ít phi, các bạn em chuyển qua bãi nghêu phía chân cầu Thuận Phước. Em vẫn bám trụ ở đây. Tuy phi bắt được ít nhưng dễ bán, có tiền “tươi” để giúp gia đình” - Hiếu bộc bạch.

Số phi ít ỏi kiếm được sau những giờ vất vả
Số phi ít ỏi kiếm được sau những giờ vất vả . Ảnh: Nguyễn Huy

Mới học lớp 6, Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Sơn Trà), nhưng Hiếu đã có “thâm niên” mưu sinh tại các bãi phi cửa biển. Cứ hết giờ học chính khóa, Hiếu cùng nhóm bạn lại mang theo cào, cuốc, sọt chạy nhanh đến bãi phi.

Kể chuyện gia đình, giọng Hiếu nghèn nghẹn: “Không làm thì biết lấy gì ăn, lấy gì học. Mẹ em trước đây còn làm lụng được, nhưng dạo này hay đau ốm. Còn ba thì bỏ đi lâu rồi. Mấy mẹ con bấu víu vào nhau, em là đứa lớn nhất nên gánh hết việc gia đình.

Càng về cuối chiều, đoàn người kéo đến bãi phi mỗi lúc một đông, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. “Công việc chỉ vất vả một chút chứ không quá nặng nhọc nên bọn em rủ nhau đi làm cho vui. Lúc nhiều thì đến vài chục bạn nhỏ, ít thì cũng tới gần hai mươi người” - Lê Viết Tân (12 tuổi, Sơn Trà), bạn cùng lớp với Hiếu, kể.

Dì Phạm Thị Nhung (63 tuổi, Thọ Quang, Sơn Trà) có thâm niên hơn 40 năm cào bắt phi tại bãi Khe Cầu tâm sự: “Bao nhiêu năm nay, trẻ con vẫn phải mưu sinh tại bãi phi. Phụ nữ, người già không nghề nghiệp đã đành, nhưng đến trẻ con cũng phải vật lộn lao động thì xót xa quá. Ở đây, đứa nào cũng nghèo, đứa nào cũng khổ hết. Đáng buồn là bãi phi ngày càng thu hẹp, nhưng số người vào bãi mỗi lúc một đông, trẻ con cũng lắm. Không hiểu sao, ngày càng có nhiều trẻ em đến đây, rồi chúng học, chúng chơi như thế nào...?”.

Nghèo cả giấc mơ

" Dầm dề cả chục tiếng đồng hồ dưới bùn nước để cào, mò phi, nghêu may lắm mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Số tiền ít ỏi nhưng giúp chúng em có cái ăn qua ngày. Nếu tích góp có thể mua sách vở học hành cho năm học mới" - Em Võ Thiện Ngọc Hiếu chia sẻ 

Rời bãi phi Khe Cầu, chúng tôi tìm đến điểm cào nghêu chỉ cách cầu dây văng Thuận Phước độ vài chục bước chân. Nắng hè càng làm cho dòng nước phả hơi nóng hầm hập. Tựa vào cọc nham nhở, Lê Văn Dướng (học sinh trường THCS Lê Độ, trú phường Thọ Quang) tranh thủ nghỉ lấy sức, hướng cái nhìn khá mệt mỏi về phía cầu Thuận Phước. Từng dòng người xe tấp nập qua lại trên cây cầu treo dây văng lớn nhất Việt Nam, mang theo cả sự phồn hoa của phố thị. Ánh mắt cậu học trò nhỏ len lén chút tủi thân.

“Nhìn thấy các bạn nhỏ được theo gia đình đi chơi, đến công viên, đu quay hay đi tàu điện..., em cũng mong mình có một ngày được rảnh rỗi đi chơi như thế”. Mơ ước nhỏ bé đó đối với Minh và nhiều bạn nhỏ đang ngụp lặn mưu sinh ở bãi nghêu này là điều xa xỉ.

Hết hì hục đôi tay trần trong đống bùn non nhầy nhụa, Hiếu lại lội ra giữa dòng nước, nhặt nghêu bậu vào cọc, dây thép nhằng nhịt.

Minh chưa bao giờ có kỳ nghỉ hè. Ngay cả trong năm học, hết giờ lên lớp là em lại đến bãi nghêu. Sớm thì dăm bảy giờ chiều về, muộn thì đến 9 - 10 giờ đêm. Có hôm say nắng, mệt lả ngất lịm đi” - Minh tâm sự.

Hỏi đến ước mơ, Minh buồn bã nói: “Mò được nhiều nghêu, bán được nhiều tiền là tốt lắm rồi, chẳng mong gì hơn nữa”. Dường như giấc mơ của những đứa trẻ cũng chập chờn, đứt đoạn.

Và những hệ lụy buồn

Cởi chiếc găng tay và tất chân, em Lê Thị Hoài (14 tuổi, trú quận Sơn Trà) ái ngại: “Nước ăn tay, ăn chân khiếp lắm do ngày nào cũng bì bõm, mò mẫm gần chục tiếng đồng hồ dưới nước chú ạ! Nước ở đây bị ô nhiễm dễ mắc bệnh lắm”.

Hướng ánh mắt về lũ trẻ, dì Nhung cho biết: Người lớn tuổi thì đau lưng, nhức mỏi chân tay, còn trẻ con thì ghẻ lở, nấm chân tay... Nhưng buồn nhất là chuyện học hành. Ít đứa ở đây học được, chủ yếu là trung bình. Chuyện đúp, bỏ học giữa chừng không hiếm”.

Bước chân nhọc nhằn của những đứa trẻ trên bãi phi
Bước chân nhọc nhằn của những đứa trẻ trên bãi phi . Ảnh: Nguyễn Huy

Trung - bạn “đồng nghiệp” với Hoài ở bãi phi không còn cảm thấy buồn rầu trước “thành tích” học tập bết bát: “Giỏi dốt gì cũng được, cứ hết năm là em lại lên lớp thôi. Có học cũng hết khổ được đâu, giờ đi làm còn đỡ đần được gia đình”.

Sớm lao vào vòng mưu sinh, hầu hết khuôn mặt trẻ em nơi bãi phi, bãi nghêu cửa biển Đà Nẵng đều đen đúa, cháy sạm, nhọc nhằn. Dòng nước đục ngầu, ô nhiễm tiềm ẩn mối họa khôn lường.

Anh Trần Văn Hùng (39 tuổi, trú tổ 3 Khuê Mỹ) nói: “Người lớn làm còn thấy ngờm ngợp, lo sợ huống hồ là lũ nhỏ. Tôi hay nhắc chúng đi thành nhóm, nếu bị chuột rút hay mắc hố thì còn có người giúp. Nhiều khi con nước đột ngột chảy xiết làm những người mò phi, cào nghêu chới với. Nguy hiểm lắm!”.

Còn nữa

Nguyễn Huy

MỚI - NÓNG