> Nguy cơ suy thận vì viêm tiết niệu ở trẻ
> Biến chứng thận do đái tháo đường: Nguy hiểm và tốn kém
Trẻ sơ sinh cũng dính bệnh
Sau khi đi học về, con trai 11 tuổi của chị Nguyễn Thị Hồng, ở Thủ Đức thấy chướng bụng, mặt phù lên rồi than mệt. Chị Hồng đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám thì được bác sĩ thông báo con chị mắc chứng suy thận. Chị Hồng cho biết, nghe tin con mắc bệnh mà như sét đánh, bởi lâu nay thấy con có hơi xanh xao, gầy guộc nhưng không nghĩ con mắc căn bệnh này.
Nguyễn Ngọc Như, 15 tuổi ở Cà Mau được xem là bệnh nhi có “thâm niên” chạy thận ở Khoa Thận- Tiết niệu của Bệnh viện Nhi đồng 2. Cách đây 5 năm, Như được phát hiện suy thận và hai năm sau em chuyển sang giai đoạn suy thận mạn. Để cứu lấy sự sống, các bác sĩ đã yêu cầu mỗi tuần Như phải chạy thận ba lần.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy- Trưởng Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, suy thận là do cấu trúc ở thận bị tổn thương do nguyên nhân bẩm sinh mắc phải. Vì vậy, tuổi nào cũng có thể bị suy thận.
Có 2 loại suy thận là suy thận cấp tính và suy thận mạn tính. Hiện ở khoa có hơn 30 bệnh nhi phải nằm điều trị do suy thận mạn, đó là chưa kể trẻ mắc bệnh thận điều trị ngoại trú.
Theo bác sĩ Thúy, bệnh suy thận ở trẻ có nguyên nhân do bẩm sinh chiếm 40% và 60% do các bệnh mắc phải trong thời kỳ niên thiếu, thường gặp nhất ở lứa tuổi từ 8-10 tuổi. Tuy nhiên, bác sĩ Thúy cũng cho biết đối với bệnh suy thận cấp mọi lứa tuổi đều gặp phải, trong đó có cả trẻ sơ sinh.
Chạy thận để kéo dài sự sống
Hầu hết các khoa Thận ở các bệnh viện tại TPHCM đều quá tải do lượng bệnh nhân có nhu cầu chạy thận quá cao. Bác sĩ Trần Ngọc Sinh - Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khoa này luôn có trên 500 bệnh nhân phải chạy thận để kéo dài sự sống do suy thận mãn, trong số đó có 30% có nhu cầu được ghép thận nhưng chỉ có 1% trong số đó có nguồn thận từ người nhà hiến tặng.
Không có nguồn thận để ghép, nhiều bệnh nhân suy thận mãn chỉ trông chờ vào chạy thận nhân tạo. Không chỉ máy ở bệnh viện công hoạt động hết công suất mà bệnh viện tư cũng không đủ máy để đáp ứng nhu cầu.
Theo PGS-TS Phạm Văn Bùi- Tổng Thư ký Hội Thận niệu TPHCM, số bệnh nhân suy thận mạn tính đang gia tăng nhanh ở Việt Nam song song với sự gia tăng của một số bệnh như tiểu đường, viêm cầu thận, thiếu máu.
Bác sĩ Bùi cho biết, trong hơn 8 triệu người mắc suy thận mạn, ở TPHCM có hơn 1.000 bệnh nhân mắc chứng thận mãn phải ghép nhưng chỉ có 2% trong số đó được người thân hiến tặng, còn lại phải chạy thận nhân tạo để kéo dài sự sống.
Phòng ngừa sớm
Bác sĩ Bùi cho rằng, việc phát hiện sớm suy thận có ý nghĩa trong việc phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng về sau và giúp chặn bệnh chuyển sang giai đoạn suy thận mãn.
Uống nhiều nước là biện pháp hiệu quả để giúp thận lọc chất độc, cặn bã có thể tạo thành sỏi thận ra ngoài tốt hơn. Vì vậy, mỗi ngày một người nên uống ít nhất từ 1,5 - 2 lít nước đã được nấu chín; không nên dùng nhiều thức uống lợi tiểu như trà, cà phê vì có nguy cơ làm mệt thận, tạo sỏi thận. |
Nguyên nhân gây bệnh được cho do bệnh nhân mắc đái tháo đường, do tăng huyết áp, viêm cầu thận. Ngoài ra còn có yếu tố như người bệnh bị sỏi thận, lupus ban đỏ, thận bẩm sinh, suy tim và dùng lâu dài thuốc gây độc tính cao với thận…
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sưng phù, mệt mỏi, xanh xao, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều lần… nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, khác với suy thận mãn, suy thận cấp có thể điều trị khỏi nếu điều trị phù hợp và kịp thời. Riêng đối với suy thận mạn giai đoạn cuối chỉ có thể điều trị bảo tồn bằng lọc thận hoặc thẩm phân phúc mạc hay ghép thận.