Hồn nhiên vi phạm pháp luật
Cuối tháng 2 vừa qua cư dân mạng xôn xao trên Facebook khi một thanh niên có trang mạng cá nhân là “Quảng Bình quê ta” đăng tải câu chuyện tài xế xe Camry rút súng bắn chết hai người trên xe tải sau vụ va chạm rồi bỏ chạy trên đường ven biển thuộc xã Quang Phú (Thành phố Đồng Hới- Quảng Bình). Đăng kèm thông tin là bức ảnh xe cứu hộ và xe Camry trên đường.
Người đăng tải câu chuyện này là Ngô Đình Sơn (21 tuổi trú tại phường Hải Đình, Thành phố Đồng Hới - Quảng Bình). Ngay sau đó, Công an tỉnh Quảng Bình phải vào cuộc điều tra làm rõ. Sơn khai chỉ đưa câu chuyện ra để câu view và muốn mọi người chú ý đến Facebook của mình.
Một số nạn nhân của những tin đồn thất thiệt từ Facebook tìm đến cái chết vì bị sỉ nhục. Tháng 7 năm 2013, một nữ sinh lớp 12 ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã uống thuốc diệt cỏ tự vẫn vì bị chế ảnh bêu xấu trên Facebook. Cùng thời gian này ở Đà Nẵng có một nữ sinh uống thuốc tự tử suýt chết vì bị nhục mạ trên trang Facebook “Bộ mặt thật của các hot teen Đà Thành”.
Đây là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt từ việc xe Camry của Sơn đi ven biển Quang Phú bị sa vào cát phải kêu xe cứu hộ đến cứu. Sơn bị xử phạt 25 triệu đồng vì tung tin xuyên tạc, bịa đặt trên internet gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.
Ngày 17/2 vừa qua cộng đồng truyền nhau bức ảnh có dòng status với nội dung xúc phạm mẹ ruột vì nấu bữa cơm không ngon, không đúng ý mình trên Facebook. Thông tin đăng tải được cho là của một cán bộ đoàn trường Đại học Ngoại thương. Nhưng sau khi điều tra sự thực không phải vậy, đây đúng là Facebook của một sinh viên Đại học Ngoại thương nhưng trang cá nhân này đã bị hack và hacker tung tin thất thiệt.
Theo Thượng tá Ngô Minh An, Phó Trưởng phòng PC 50 (Phòng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) Công an Hà Nội, người sử dụng mạng xã hội Facebook để tung tin đồn thất thiệt, bôi nhọ, xúc phạm người khác để câu like hoặc những người có một trong các hành vi như vu khống người khác, đưa thông tin bí mật đời tư cá nhân người khác lên mạng, đưa hình ảnh làm nhục người khác, lập fanpage dựng thông tin nói xấu vòi tiền hay hack Facebook lừa đảo, tung hình ảnh phản cảm của nạn nhân bị hại... cũng là vi phạm pháp luật.
Mơ hồ về pháp luật
Ngày 11/4 vừa qua Công an thành phố Hà Nội phát hiện ra đối tượng Nguyễn Văn Tiến (sinh viên năm thứ 5 Đại học Bách khoa Hà Nội) làm giả fanpage Facebook giả mạo các doanh nghiệp, tổ chức để bôi nhọ tống tiến. Tiến đã lập khoảng 100 fanpage có nội dung nói xấu các doanh nghiệp, tổ chức như: “Báo Dân trí lừa đảo khách hàng”, “Hòa Phát group lừa đảo khách hàng”, “Oceanbank lừa đảo khách hàng”... nhằm trục lợi với giá rao bán từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Bức ảnh do Ngô Đình Sơn đăng tải trên Facebook ngày 21/2 cùng thông tin xuyên tạc
Tiến chia sẻ rằng ban đầu Tiến nghĩ hành vi như trên là đơn giản, không nghĩ rằng hành vi đó vi phạm pháp luật. Khi được mời về cơ quan điều tra, Tiến còn vô tư nghĩ rằng công an chỉ dọa mình. Sau khi được cơ quan điều tra phân tích, Tiến đã nhận thức được tội của mình và đã khai nhận. Qua sự việc, Tiến muốn gửi lời nhắn với bạn trẻ rằng hãy làm việc để kiếm tiền chính đáng, đừng làm việc sai trái vi phạm pháp luật như Tiến.
Thượng tá Ngô Minh An cho biết các đối tượng vi phạm pháp luật trên mạng xã hội phần lớn còn rất trẻ, thường có độ tuổi từ 17 đến 23, trong đó có nhiều trường hợp là học sinh sinh viên. Đa số bạn trẻ vi phạm rất hồn nhiên, có định hình mơ hồ về pháp luật và kiến thức pháp luật còn hạn chế.
Bạn trẻ vi phạm trên mạng xã hội thường rơi vào trường hợp mâu thuẫn với người thân, người quen. Khi chơi vui vẻ cùng nhau chụp ảnh, “tự sướng”, nhưng khi xảy ra mâu thuẫn thì đưa hình ảnh xấu lên mạng để uy hiếp tinh thần, đe dọa, ép buộc tiếp tục “quan hệ” hoặc muốn gỡ hình ảnh xuống cần phải chi một khoản tiền nhất định. Bên cạnh đó một số bạn trẻ vi phạm bởi đưa thông tin trái quy định của pháp luật, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, đưa hình ảnh phản cảm trái thuần phong mỹ tục, đưa thông tin công khai hóa của cá nhân khi không được chủ nhân cho phép...
Hiện nay có hiện tượng một số bạn trẻ vì không có tiền nhưng lại muốn kiếm tiền nhanh chóng mà không muốn lao động đã có những hành vi sai trái như tận dụng kiến thức về công nghệ để lấy cắp thông tin cá nhân, lừa đảo, quấy rối, gây dựng thông tin để bán thu lợi bất chính...
Facebook có lợi ích tốt như tốc độ lan truyền nhanh, sẵn sàng chia sẻ thông tin, tìm người thân... nhưng đồng thời nó cũng có nhiều tác hại. Một số bạn trẻ mạnh tay chém gió trên face, thể hiện anh hùng bàn phím nhưng không hay biết rằng những ngôn từ nói xấu, bôi nhọ danh dự người khác mà họ viết có thể khép vào phạm tội.
Mới đây phóng viên của một tờ báo đã phải chính thức xin lỗi một lãnh đạo Bộ vì có những ngôn ngữ xúc phạm đến vị lãnh đạo này trên trang cá nhân. Hay hành vi chụp ảnh học sinh đeo tấm biển “Tôi là ăn trộm” tại siêu thị Vĩ Yên (Chư Sê- Gia Lai) đưa lên Facebook “chém” cho vui của Phan Văn Hải (bảo vệ siêu thị) cũng có thể bị khép tội xúc phạm người khác.
Facebook là mạng xã hội hữu ích nhưng người dùng hãy cẩn trọng trước mỗi hình ảnh, trạng thái mình chia sẻ.
Điều 121, Bộ luật Hình sự về tội làm nhục người khác quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị phạt tù từ 1-3 năm.
Điều 122, Bộ luật Hình sự về tội vu khống quy định người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị phạt tù từ 1-7 năm.