Tuần sau mới có thể sơ tán người Việt tại Li băng

Tuần sau mới có thể sơ tán người Việt tại Li băng
TP - Theo trao đổi giữa ông Trần Việt Tú, Tham tán ĐSQ VN tại Ai Cập, với đại diện IOM, lộ trình sơ tán của người Việt là: sẽ đi ngược lên phía Bắc bằng xe buýt, tới thành phố cảng Tartus, rồi bay thẳng về Việt Nam.

Trao đổi với Tiền phong, cán bộ truyền thông từ hội sở IOM ở Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, không chỉ người Việt mà công dân các nước khác cũng được IOM cho sơ tán theo đường này, dù có xa hơn lộ trình tới Damacus, nhưng độ an toàn cao hơn.

Mỗi chuyến xe buýt sơ tán người dân theo lộ trình trên được thuê với giá 3.000 – 4.000 USD, đều do IOM trang trải.

Theo cán bộ IOM, cũng như với công dân nước khác, xe buýt sẽ đón người Việt tại điểm tập trung ở Beirut và đi thẳng đến Trung tâm Caritas, ở Tartous nghỉ ngơi vài ngày.

Tùy vào số lượng người sơ tán, IOM sẽ quyết định thuê hẳn 1 chuyến bay đưa lao động VN từ Tartus về nước hoặc mua vé cho từng người. Để kế hoạch sơ tán được bắt đầu sớm, đại diện VN và IOM đã thống nhất cứ đủ người cho 1 xe buýt là cho khởi hành.

Tuy nhiên, IOM muốn biết số người VN có nguyện vọng sơ tán để lên chương trình cụ thể, bố trí phương tiện thích hợp. Hầu hết người VN tại Libăng đều nóng lòng, nhưng IOM nói rõ đây là chương trình nhân đạo nên lịch trình sơ tán chủ yếu phụ thuộc vào việc khi nào đoàn cán bộ VN lập xong danh sách đăng ký sơ tán chính thức.

Đặc biệt, một số chị em người Việt vẫn còn nấn ná về chuyện tiền lương lao động trong nhiều tháng qua chưa được thanh toán. Tin từ hội sở IOM khẳng định đến tối 28/7 vẫn chưa xác định được lịch trình chi tiết cho chương trình sơ tán người VN.

Tuy nhiên, theo các đầu mối VN tại Beirut, với tiến độ này sớm nhất cũng phải ngày 1 -  2/8, thậm chí muộn hơn nữa mới có thể bắt đầu kế hoạch sơ tán người Việt.

Trước băn khoăn của nhiều lao động VN cũng như gia chủ Libăng, đại diện IOM khẳng định sẽ chịu mọi chi phí đưa người Việt tại Libăng về nước. Các chị em bị mất hoặc thất lạc giấy tờ, hộ chiếu…đang được đại diện ngoại giao VN tại Beirut khẩn trương làm các thủ tục cấp giấy thông hành bắt đầu từ ngày 28/7.

Các đầu mối người Việt tại Beirut cho biết, cán bộ ngoại giao VN cũng sẽ đến gặp những chị em thực sự có nguyện vọng trở về nhưng chưa được gia chủ cho phép. Một số gia chủ vì lo ngại cho lao động người Việt hoặc vì lý do nào đó vẫn chưa muốn để họ sơ tán, thậm chí với cả người đang ở trong vùng nguy hiểm. 

Truyền hình Libăng thông báo kế hoạch sơ tán người Việt

Các đầu mối người Việt tại Beirut đã nhờ Đài Truyền hình Libăng thông báo với người Việt đang sinh sống trên khắp Libăng rằng đã có đại diện của Chính phủ VN ở nước này trực tiếp phối hợp kế hoạch sơ tán.

Bản thông báo được phát nhiều lần, bắt đầu từ bản tin tối 28/7. Bản thông báo đề nghị công dân VN đang có mặt ở Libăng bắt liên lạc ngay với các đầu mối người Việt hoặc cán bộ ngoại giao VN để nêu rõ nguyện vọng, hoàn cảnh và nhanh chóng tập trung ở thủ đô Beirut sơ tán.

Đặc biệt, qua đài truyền hình, đại diện người Việt cũng đề nghị các gia chủ phải nhanh chóng thanh toán tiền lương cho lao động VN, cho phép họ sơ tán theo nguyện vọng của họ và chủ trương của Nhà nước VN.

Các đầu mối người Việt hi vọng, sau thông báo này việc thuyết phục gia chủ cho lao động VN về nước cũng như thanh toán tiền lương cho họ sẽ dễ dàng hơn. Kế hoạch tập trung người Việt vì thế cũng nhanh chóng hơn.

Nhiều người còn mắc kẹt trong vùng chiến sự

Đáng lo ngại nhất hiện nay là số phận của chị Hoàng Thị Tuyết, Đỗ Thị Lan đang kẹt lại ở thung lũng Bekaa, giáp biên giới Syria và chị Đinh Thị Phương ở Sedon, miền Nam Libăng. Đây đều là những khu vực nguy hiểm, khi bom của Israel liên tục dội xuống trong 2 tuần qua.

Ngày 28/7, các đầu mối người Việt tiếp tục liên lạc với gia chủ, đề nghị tạo điều kiện cho 3 chị rời khỏi vùng nguy hiểm, lên Beirut chuẩn bị về nước, nhưng vẫn chưa được chấp nhận.

Ngày trước đó, anh Hoàng Minh Trung, một trong hai đầu mối người Việt, đã không quản ngại nguy hiểm thuê xe đến thung lũng Bekaa và thành phố Sedon với hy vọng đưa các chị lên Beirut, nhưng không thành công.

MỚI - NÓNG