“Tuần Châu và Hòn Ngọc Việt, mỗi nơi một sắc thái”

“Tuần Châu và Hòn Ngọc Việt, mỗi nơi một sắc thái”
TP - "Mỗi nơi có những sắc thái riêng, thế mạnh riêng. Chương trình ở Tuần Châu sâu lắng hơn, nhiều điểm nhấn hơn. Chương trình chung kết lần này qui mô lớn hơn hẳn"- Nhà thơ Dương Kỳ Anh nói.
“Tuần Châu và Hòn Ngọc Việt, mỗi nơi một sắc thái” ảnh 1
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006

Điều anh lo lắng nhất trong lần tổ chức thứ 10 này?

Thứ nhất, đó là: Liệu có chọn được người xứng đáng đội vương miện hay không- điều này nhiều khi ngoài tầm kiểm soát, ngoài khả năng của mình. Tổ chức tốt, đầu tư lớn đến đâu mà không tìm được một Hoa hậu xứng đáng thì cũng vô nghĩa.

Lo lắng thứ hai là về an ninh. Chưa bao giờ một cuộc thi sắc đẹp lại làm ở ngoài đảo, xa đất liền, phải vận chuyển một lúc hàng ngàn người. Ngộ nhỡ có điều gì xảy ra thì thật là...

Công tác tổ chức HHVN 2006 được đánh giá cao,  nhưng cũng có người bảo chương trình đêm chung kết không đặc sắc hoành tráng bằng 2004 ở Tuần Châu?

Mỗi nơi có những sắc thái riêng, thế mạnh riêng. Chương trình ở Tuần Châu sâu lắng hơn, nhiều điểm nhấn hơn, khán giả cũng đông hơn vì là ngoài trời (12.000 người).

Chương trình chung kết lần này qui mô lớn hơn hẳn, sân khấu thực sự hoành tráng, có màn hình cực lớn, không gian rộng. Tổ chức ở đây khó hơn rất nhiều. 5.000 người từ đất liền vào đảo một lúc đâu đơn giản.

Vì phải ưu tiên phục vụ hàng chục triệu khán giả truyền hình nên sân khấu có những lúc người xem tại chỗ chưa được ưng ý. Ví dụ lúc truyền hình đưa quảng cáo hoặc phóng sự về cuộc thi thì khán giả tại chỗ phải ngồi xem phóng sự, họ bị thiệt thòi. Hoặc các khoảng tối trên sân khấu có thể khán giả truyền hình  thích nhưng khán giả trực tiếp không thích.

Trong thời gian tập dượt, có lần đạo diễn Lại Văn Sâm hỏi tôi: Theo anh thì nên ưu tiên 3 chục triệu khán giả truyền hình hay 5.000 khán giả tại chỗ?

Tôi nói phải quan tâm ưu tiên cả hai- cả mấy chục triệu khán giả màn ảnh nhỏ, và 5.000 người đã bỏ tiền mua vé, lặn lội đến đây. Đôi khi có những việc không thể tròn vẹn, rất khó hoàn hảo, mong khán giả hãy thể tất.

“Tuần Châu và Hòn Ngọc Việt, mỗi nơi một sắc thái” ảnh 2
Nhà thơ Dương Kỳ Anh - Trưởng ban tổ chức Cuộc thi, Tổng biên tập báo Tiền phong - trao quyền trượng cho Hoa hậu Mai Phương Thúy

Và một lần nữa, dư âm đêm chung kết cho thấy khán giả lại phân hóa giữa hai lựa chọn: Hoa hậu và Á hậu 1 (cũng như hồi 2004 chia 2 phe ủng hộ Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân)?

Ban giám khảo cũng rất phân vân. Lưu Bảo Anh có nét đẹp thuần hậu VN, cô ấy cũng thông minh, nhưng tuổi hơi nhiều nên khả năng phát triển cho tương lai không bằng Thúy.

Thúy có gương mặt đẹp hiện đại, chiều cao lý tưởng, hội được một số yếu tố để đi thi Hoa hậu Thế giới. Thực ra mỗi đợt tổ chức phải có được gương mặt mới, Thúy là gương mặt như vậy.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến sau đêm 26/8, anh đã trả lời độc giả, mục đích của anh sau chừng ấy năm tổ chức thi hoa hậu là: Làm tất cả để tôn vinh, khẳng định vẻ đẹp VN thậm chí trên trường quốc tế. Sau bao năm, có khi nào anh cảm thấy bất như ý, cảm thấy mình bị phụ lòng, rằng những người được tôn vinh có hoàn toàn xứng đáng?

Trong cuộc sống, chuyện bất như ý, chuyện bị người này người nọ phụ là bình thường. Mình tôn vinh họ nhưng có lúc họ lại phụ mình, một cách vô tình hay hữu ý. Có người không giữ được danh tiếng của họ- đó cũng là một cách phụ.

Có người làm điều này điều nọ ảnh hưởng, dù cũng không có gì lớn. Tuy nhiên tôi nghĩ tất cả những cái đó không phải chính yếu, cái chính yếu mà tôi cũng như báo TP đã làm được- như đã nói- thực hiện mong muốn của hàng triệu người: Tôn vinh vẻ đẹp VN, phụ nữ VN.

Nghe nói có người viết trên báo rằng, việc các người đẹp đi thăm trẻ em làng SOS  ở Nha Trang chỉ là hình thức?

Tôi cũng có nghe nói ai đó, đã viết cái gì đó đại ý là trẻ em khuyết tật mồ côi thì không cần vương miện và người đẹp mà chỉ cần cái ăn, cần bánh kẹo. Nếu quả họ nói thế thật thì đó là cái nhìn thiển cận, áp đặt quan điểm thực dụng của mình lên người khác.

Bản thân tôi và NSND Trà Giang đều rất cảm động khi chứng kiến cảnh các em đón tiếp trò chuyện với thí sinh dự thi HHVN. Chuyến thăm làng trẻ SOS thực ra không nằm trong ý đồ của ban tổ chức.

Thoạt đầu chương trình định giao lưu với bộ đội huyện đảo Trường Sa, nhưng vì sóng to gió lớn bộ đội Trường Sa không về kịp nên phải thay đổi, chuyển sang làng trẻ SOS. Đây không phải là sự hình thức, các người đẹp tham dự cuộc này cũng không được gì, việc chấm điểm có phải từ cuộc này đâu.

Chị Trà Giang đã khóc, tôi đã rất cảm động chứng kiến những đứa trẻ thiệt thòi đó chẳng thiết tha gì bánh kẹo, phong bì, cuối  buổi chúng bỏ lại hết trên bàn, mà chỉ ôm lấy người đẹp, vuốt tóc cầm tay các chị. Lúc các người đẹp ra về nhiều em đã khóc...

Trẻ em cần tình thương, chúng có diễn cho ai xem đâu. Nói như thế phải chăng cho rằng trẻ em mồ côi khuyết tật thì không cần quan tâm cái đẹp? Đấy là một quan điểm phi nhân tính, hạ thấp con người, coi thường trẻ con, cần lên án.

Mấy ngày tới Mai Phương Thúy sẽ lên đường đến Ba Lan dự thi Hoa hậu Thế giới. Anh có kỳ vọng ở cô ấy?

Hy vọng chứ không kỳ vọng. Hy vọng Việt Nam cải thiện vị trí một chút trên đấu trường sắc đẹp quốc tế. Thi Hoa hậu Thế giới đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Đẹp, thông minh chưa đủ mà phải bao nhiêu vấn đề khác nữa. Cách ứng xử hàng ngày, cách giao tiếp của các người đẹp và nói chung, thanh niên ta, còn yếu.

Tôi có trả lời trên Vietnamnet rằng, xã hội Việt Nam là một xã hội khép kín bao đời nay, con người ít giao thiệp. Khi bung ra lại ngả sang lối giao tiếp bỗ bã, chợ búa, đường phố, không phải giao tiếp văn minh của một xã hội văn minh. Không giao tiếp từ trong tâm hồn, tính cách, ý thức.

Có độc giả đã hỏi tôi, sao Hoa hậu Jennifer Phạm trả lời hay thế mà các người đẹp trong nước thì luôn lúng túng, tôi nói: “Cũng là con người VN nhưng Jennifer Phạm sống trong một xã hội cởi mở, tôn trọng sự giao tiếp.

Rất nhiều người đẹp của ta thông minh kém gì đâu nhưng quen sống trong xã hội không cởi mở, hoặc cởi mở kiểu bung ra... Jennifer Phạm là ví dụ sinh động về lối giao tiếp của xã hội cởi mở, văn minh, văn hóa cao”.

Ngay lúc này, hẳn anh đã nghĩ đến cuộc 2 năm tới? Sẽ ra sao, làm ở đâu, nâng tầm như thế nào?

Nghĩ và lo. Ngay sau thành công ở Tuần Châu, ban tổ chức đã phải lo nghĩ cả năm trời. Một khi đã lên đến đỉnh rồi, rất khó cho những lần tiếp theo. Hiện chúng tôi đã có vài phương án tổ chức ở vài nơi, tuy nhiên, còn phải cân nhắc kỹ…

Cám ơn nhà thơ Dương Kỳ Anh.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.