Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, vụ tai nạn thương tâm trên là cảnh báo đau xót với nguy cơ tai nạn trẻ phải đối mặt. Nếu không có giải pháp để phòng ngừa, có thể tái diễn các vụ việc tương tự trong tương lai, khi dạy và học trực tuyến là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh dịch bệnh. Hiện cơ quan này đang chờ địa phương báo cáo cụ thể vụ việc, sau đó sẽ có ý kiến.
Tuy nhiên, qua báo chí, ông Nam lưu ý, khi học trực tuyến, do phải sử dụng các thiết bị điện, điện tử, các em phải đối mặt nhiều nguy cơ tai nạn không mong muốn. Ngoài nguy cơ về điện giật, còn nguy cơ cháy nổ thiết bị, ảnh hưởng tới thị lực do ngồi trước màn hình thời gian dài, sức khỏe tâm thần do căng thẳng và không được giao lưu với bạn bè; các nguy cơ trên môi trường mạng...
Riêng với cháy nổ thiết bị điện tử, điện giật, ngay với người lớn hầu như năm nào cũng có vài vụ bị thương tích do sử dụng thiết bị khi đang cắm sạc, nổ pin... Với trẻ em, nguy cơ còn lớn hơn, khi thời gian học kéo dài nhiều giờ, trong nhiều ngày, kỹ năng phòng tránh chưa được trang bị...
“Chính các bậc phụ huynh phải tìm hiểu để có kiến thức về thiết bị điện, các giải pháp phòng tránh, như chỉ cần lắp thêm 1 thiết bị tự ngắt dòng điện khi có sự cố gây chập cháy, cùng học, cùng giám sát các em khi học. Với giáo viên, dù đã gánh trên vai trách nhiệm dạy kiến thức, thành chuyên gia tư vấn tâm lý cho trẻ, giờ còn phải trang bị thêm kiến thức về điện, điện tử để hướng dẫn, cảnh báo các em trước mỗi giờ học”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, phụ huynh, nhà trường, giáo viên trước mỗi giờ học trực tuyến nên dành vài phút để kiểm tra thiết bị, hướng dẫn các em biện pháp an toàn với thiết bị điện. Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương để có hướng dẫn an toàn trong thời kỳ trẻ học trực tuyến; khuyến nghị Bộ KH&CN, Bộ TT&TT ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến.
Về ý kiến học trực tuyến với trẻ lớp 1, 2 không mấy hiệu quả, Cục trưởng cục Trẻ em cho rằng, do dịch bệnh nên phải học trực tuyến là điều bất khả kháng. Thậm chí, ngay trên lớp học, các em lứa tuổi này vẫn xảy ra tình trạng ngủ gật, chạy nhảy...
Theo Cục trưởng Trẻ em Đặng Hoa Nam, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh, kể cả bình thường, nguy cơ tai nạn thương tích luôn tiềm ẩn quanh trẻ. Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho thấy, trên toàn cầu, có tới 50-60% tai nạn thương tích với trẻ xảy ra tại chính ngôi nhà của các em, như: Điện giật, cháy, bỏng, bị vật sắc nhọn đâm, ngã nhà cao tầng, ngộ độc hóa chất, thậm chí đuối nước trong nhà tắm... Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành hướng dẫn, quy chuẩn về ngôi nhà an toàn với trẻ.