Rủi ro đám đông
Theo thống kê của cơ quan thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, tính đến sáng 31/10, ít nhất 153 người thiệt mạng và 133 người khác bị thương do vụ giẫm đạp ở phường Itaewon. Đám đông khổng lồ đổ về khu giải trí này để tổ chức lễ hội Halloween vào đêm 29/10. Vụ giẫm đạp kinh hoàng nhất trong lịch sử Hàn Quốc xảy ra tại một con hẻm chỉ rộng 3,2 m.
Thảm kịch ở Itaewon không phải vụ thảm họa liên quan đến đám đông đầu tiên trong tháng 10 tại châu Á. Trước đó, đầu tháng 10 tại một sân vận động ở Indonesia, hàng nghìn người tràn xuống sân sau khi đội nhà bị thua dẫn đến bạo loạn và giẫm đạp, khiến hơn 130 người thiệt mạng. Ngay sau khi thảm kịch ở Itaewon (Hàn Quốc), châu Á tiếp tục ghi nhận một thảm kịch khác cũng liên quan đến đám đông tại Ấn Độ. Vụ sập cầu treo dành cho người đi bộ tại bang Gujarat khiến 132 người thiệt mạng khi tham gia lễ hội tôn giáo Diwali.
Điểm chung của các vụ thảm họa này đều do tập trung quá đông người, lối di chuyển quá hẹp khiến nhiều người bị mắc kẹt, chèn ép, dẫn đến ngạt thở. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn đám đông khiến nhiều người xô đẩy, chen lấn để thoát ra ngoài nhưng hành động đó lại càng làm đám đông mắc kẹt lại với nhau, giẫm đạp lên nhau.
Nhiều thảm họa giẫm đạp kinh hoàng
Trong vòng 10 năm, thế giới ghi nhận nhiều thảm họa từ đám đông. Tháng 1/2013, hơn 230 người thiệt mạng sau khi hỏa hoạn bùng phát tại một hộp đêm ở Brazil. Vụ giẫm đạp lấy đi tính mạng của nhiều người và cản trở nhiều người khác chạy khỏi đám cháy. Tháng 10/2013, 115 người thiệt mạng ở bang Madhya Pradesh (Ấn Độ) khi lan can cầu bị gãy khiến nhiều người hoảng sợ bỏ chạy và giẫm đạp lên nhau. Tháng 9/2015, ít nhất 717 người Hồi giáo hành hương đã thiệt mạng và 863 người khác bị thương trong lễ hội Hajj tại Saudi Arabia. Tháng 4/2021, ít nhất 44 người chết tại lễ hội đốt lửa Lag Ba’omer ở miền bắc Israel. Tháng 1/2022, vụ giẫm đạp tại một nhà thờ ở ngoại ô thủ đô Monrovia của Liberia cướp đi mạng sống của 29 người. Tháng 5/2022, ít nhất 31 người chết trong vụ hỗn loạn tại nhà thờ ở bang Rivers, miền nam Nigeria.
Nhìn lại các lễ hội, sự kiện tập trung đông người ở Việt Nam cũng không hiếm phen căng thẳng. Mùa lễ hội tháng Giêng năm nào cũng tái diễn cảnh biển người chen chân đổ về các lễ hội lớn như chùa Hương, Tam Chúc, Yên Tử... Lễ hội cướp phết Hiền Quan, Hội Gióng... cũng không hiếm khoảnh khắc tiềm tàng rủi ro từ đám đông tranh cướp lộc. Một số người từng bị ngất, bầm tím chân tay hoặc xước chân tay. Vài năm trở lại đây, cảnh chen chân cướp lộc có những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên đám đông chưa bao giờ ngớt mỗi khi có sự kiện đông người hoặc tổ chức lễ hội.
Theo bà Nguyễn Trang - nhà sáng lập Doanh nghiệp xã hội Kỹ năng sinh tồn SSVN - tâm lý thích đám đông, thích những nơi ồn ào, náo nhiệt không chỉ xuất hiện ở những người trẻ. Nhóm người ở độ tuổi trung niên cũng có xu hướng tìm đến những nơi đông đúc, sôi động để tham gia các sự kiện giải trí. Tâm lý này, cùng với việc thiếu kiến thức sơ cấp cứu, an ninh không đảm bảo… cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến thảm kịch.
Kỹ năng thoát thân
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam), những thảm kịch giẫm đạp xảy ra là hồi chuông cảnh tỉnh cho Việt Nam trong quá trình tổ chức, thực hiện những sự kiện quy mô lớn, tập trung quá đông người trong không không gian hẹp.
“Trong đám đông có thành phần quá khích, vô ý thức dễ khiến đám đông hoảng hốt. Khi đám đông mất kiểm soát, không ai bảo được ai và tạo thành những dòng người đối lưu, ngược nhau gây ra sự hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau. Nếu chỉ đi theo một hướng và có lối thoát thì sẽ không có thương vong”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích.
Trải qua hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự phục hồi của đời sống xã hội kéo theo sự nở rộ của loạt sự kiện văn hóa - giải trí với quy mô lớn hơn. Để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia hoạt động văn hóa - giải trí một cách trọn vẹn nhất, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, nhà chức trách cần sát sao hơn để kiểm soát các rủi ro trong mùa lễ hội.
“Nếu tổ chức những lễ hội lớn, các nhà tổ chức phải phòng ngừa, xây dựng kịch bản và trong quá trình diễn ra lễ hội phải theo dõi chặt chẽ. Lực lượng cấp cứu cần được trang bị tốt các kỹ năng, phương tiện, bố trí lối thoát. Ngay trong quá trình tổ chức sự kiện nếu thấy bất thường, các nhà tổ chức cần sớm có sự điều tiết, thậm chí dừng lại, ngăn chặn sớm thương vong. Đừng thấy chưa xảy ra chuyện gì mà bình chân như vại”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Bên cạnh đó, sự hiểu biết về sơ cấp cứu, kỹ năng thoát hiểm sẽ là “phao cứu sinh”, mang lại cơ hội sống sót cho nhiều người nếu không may vướng vào tình huống bị chèn ép. Chuyên gia sơ cấp cứu người Úc Toney Coffey khuyên người trẻ nên dành thời gian học chương trình đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu. “Khi đám đông xô đẩy từ phía sau, chúng ta phải đứng thẳng và cố gắng hết sức để không bị ngã. Hãy gập cánh tay lên trước ngực, cố gắng làm chậm nhịp thở…”, ông đưa ra biện pháp bảo vệ bản thân khi mắc kẹt trong đám đông.
Bộ Văn hóa khuyến cáo đảm bảo an toàn
Trao đổi với Tiền Phong, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong các công văn gửi UBND các tỉnh/thành, các sở quản lý văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở đều có những khuyến cáo đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh. Nghị định 110/2018 về quản lý và tổ chức lễ hội cũng nêu rõ các quy định về đảm bảo trật tự an toàn khi tổ chức lễ hội. “Các địa phương khi xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội phải có cam kết đảm bảo trật tự, an toàn bên cạnh các điều kiện khác. Hơn nữa, không chỉ riêng các lễ hội mà một số sự kiện và hoạt động tập trung đông người tại địa điểm công cộng cũng có thể xảy ra chen lấn, xô đẩy như Halloween ở Hàn Quốc. Lãnh đạo các địa phương cần quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành rà soát, quy hoạch các hoạt động hằng năm để lên các phương án đảm bảo an toàn”, bà Ninh Thị Thu Hương nói.
Nguyên Khánh