Từ vụ án Nguyễn Phương Hằng: Mạng ảo, hậu quả thực

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội­­, không ít hành xử thiếu kiềm chế, phát ngôn nhục mạ, xúc phạm người khác, thậm chí ẩu đả, hỗn chiến, khiến có người mất mạng đã xảy ra trong đời thực.

Hậu quả từ mạng ảo

Những ngày qua, thông tin bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, gây xôn xao dư luận.

 Từ vụ án Nguyễn Phương Hằng: Mạng ảo, hậu quả thực ảnh 1

Nhóm người hỗn chiến (do mâu thuẫn trên mạng của hai cô gái cuối năm 2021) bị bắt

Bà Hằng bị bắt vì thường xuyên thực hiện các buổi livestream trên mạng xã hội (Facebook, Youtube, TikTok…) phát tán thông tin chưa kiểm chứng, phát ngôn nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Trong đó, liên quan trực tiếp là những phát ngôn của bà Hằng đối với ca sĩ Vy Oanh. Bà Hằng đã sử dụng những ngôn từ với nội dung làm nhục, thóa mạ, bôi nhọ, xúc phạm, như “đẻ thuê”, “làm gái bao”, “làm bé”, “giật chồng”… lặp đi lặp lại nhiều lần.

Công an TPHCM cũng đang triệu tập nhiều Youtuber, Facebooker, TikToker… cũng như ekip giúp bà Hằng thực hiện các buổi livestream, phát tán các video bà Hằng có phát ngôn không đúng sự thật, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan để điều tra, xử lý.

Không riêng vụ bà Hằng, thời gian qua, có nhiều vụ gây rối an ninh trật tự xuất phát từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí chết người.

Ngày 28/3, Công an TPHCM đang tạm giam 12 người để điều tra về tội giết người, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Đây là những thành viên trong hai nhóm thanh thiếu niên hẹn nhau hỗn chiến để giải quyết mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Sau nhiều cuộc điện thoại thách thức, rạng sáng 18/3, hai nhóm mang theo nhiều loại hung khí tập trung trên đường ở huyện Hóc Môn, TPHCM và lao vào truy đuổi, rượt chém nhau gây náo loạn khu dân cư khiến 1 người chết, 1 người bị thương.

Trong ngày 28/3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết, đã lấy lời khai bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) liên quan đến đơn tố cáo bà Bùi Thanh Quỳnh Như (30 tuổi, chủ kênh Youtube Lang thang đường phố) với hơn 316.000 người đăng ký theo dõi. Kênh này đã phát 19 video thông tin không đúng sự thật, phát ngôn xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của nữ ca sĩ này. Trong số đó, có những video liên quan trực tiếp đến bà Nguyễn Phương Hằng vừa bị Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, gây xôn xao dư luận.

Cũng xuất phát từ mâu thuẫn của hai cô gái trên mạng xã hội, cuối năm 2021, nhóm thanh niên ở TPHCM mang theo nhiều loại hung khí đến TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương để “nói chuyện”, giải quyết mâu thuẫn. Vừa gặp nhau, hai bên xông vào hỗn chiến, một nhân viên bảo vệ dân phố phát hiện vụ việc đã gọi điện báo Công an. Tuy nhiên, anh này chưa dứt cuộc điện thoại thì bị một đối tượng trong hai nhóm trên dùng dao chém ít nhất 3 nhát.

Người bảo vệ dân phố ngay sau đó phải nhập viện cấp cứu. Vào cuộc điều tra, Công an TP Dĩ An phối hợp với Công an phường Linh Xuân, TP Thủ Đức (TPHCM) bao vây, khống chế bắt giữ nhóm đối tượng cùng nhiều hung khí.

Tăng cường xử lý

Trả lời PV Tiền Phong, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho hay, mạng xã hội Facebook; Tik tok Zalo được sử dụng khá phổ biến và trở thành những kênh truyền đạt thông tin hữu ích trong giao tiếp cộng đồng. Tuy nhiên, đây cũng là những phương tiện để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, buôn bán hàng giả, hàng cấm, làm nhục người khác.

Nghiêm trọng hơn, có những vụ án có nguyên nhân là mâu thuẫn, thách đố trên không gian mạng xã hội. Do mâu thuẫn, các đối tượng đã hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn, dẫn đến hành vi giết người, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng hoặc tập trung đua xe trái phép… bị cơ quan công an thành phố phát hiện, xử lý.

Trước thực trạng trên, Ban giám đốc Công an TPHCM đã tham mưu cho Bộ Công an thành lập phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao vào năm 2021 và các biện pháp nghiệp vụ để ứng phó. Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung lập án, đấu tranh, xử lý nghiêm các vụ việc có tính chất tự tạo.

Trong năm vừa qua, Công an TPHCM cũng đã làm việc với ban giám đốc các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM. Theo đó, ngành công an đang phối hợp với một số trường thực hiện những nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nắm tình hình liên quan không gian mạng và đào tạo cán bộ công an thành phố có trình độ công nghệ thông tin đủ khả năng phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

MỚI - NÓNG