Tử vong sau tiêm: Con khó thở, mẹ bế sang phòng còn bị bác sỹ mắng

Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh nơi xảy ra vụ việc
Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh nơi xảy ra vụ việc
Mẹ cháu bé cho biết sau khi tiêm xong, chị thấy con có biểu hiện bất thường nên bế con sang phòng bác sỹ nhưng bác sỹ bảo chưa có gì nghiêm trọng rồi mắng phải để ý chăm con.

Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Ninh: "Sai đến đâu, bệnh viện xin nhận đến đó"

Liên quan đến sự việc cháu Lê Minh Đ. (2 tháng tuổi) tử vong sau khi tiêm mũi thuốc kháng sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, ngày 17/11 phía bệnh viện đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan.

Tại cuộc họp, ông Lê Văn Nam – GĐ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, về chuyên môn bệnh viên nghi ngờ trẻ tử vong do sốc phản vệ, còn về kết luận cuối cùng về nguyên nhân thì vẫn phải đợi cơ quan giám định pháp y.

Theo ông Nam, sở dĩ cháu Đ. đến mũi thứ 8 mới bị sốc phản vệ là do tích tụ dần. “Trong y văn thế giới, thường sốc phản vệ xảy ra trong 1 đến 2 mũi tiêm đầu. Nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy, sốc phản vệ có sự tích luỹ và trường hợp cháu Đ. là điển hình khi đến mũi thứ 8 mới bị sốc phản vệ.

Hơn nữa, việc sốc phản vệ đối với những cháu nhỏ dưới 1 tuổi, mà lại sốc do thuốc kháng sinh thì nguy cơ sống rất ít. Vì sốc phản vệ do kháng sinh còn nặng hơn cả sốc phản vệ khi tiêm vắc xin”, ông Nam nói.

Cũng theo thông tin từ vị giám đốc bệnh viện, ngày 16/11, cháu Lê Minh Đ. được tiêm kháng sinh bằng máy tiêm của bệnh viện. Nhân viên y tế chỉ là người dẫn đến phòng tiêm, pha thuốc kháng sinh theo cân nặng rồi đưa vào máy tiêm chứ nhân viên y tế không trực tiếp tiêm cho cháu Đ.

Tử vong sau tiêm: Con khó thở, mẹ bế sang phòng còn bị bác sỹ mắng ảnh 1

Lực lượng an ninh đanhg kiểm soát rất chặt tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh

“Hiện cả bệnh viện chúng tôi có khoảng 70 máy đang hoạt động, đây là máy được nhập từ Nhật Bản. Việc sử dụng máy để tiêm cho người bệnh là nhằm tránh những sai sót chủ quan do con người gây nên”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho biết, trong quá trình cháu Đ. bị tím tái phải cấp cứu, gia đình có xin cho cháu chuyển tuyến, nhưng qua thăm khám thấy tình trạng cháu Đức rất nặng, nếu chuyển viện lúc đi đường, nhiều vấn đề rủi do rất lớn, nên bệnh viện đã mời bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương lên cùng cấp cứu.

Người mẹ nghi ngờ việc pha thuốc có vấn đề

Có mặt tại buổi họp báo, nhiều người thân trong gia đình cháu bé vẫn chưa hết bức xúc và không đồng tình với câu trả lời từ phía bệnh viện. 

Chị Nguyễn Thị Gấm (mẹ bé Đ.) nghi ngờ việc con mình tử vong là do khâu pha thuốc có vấn đề chứ không phải là do tiêm máy. 

"Tôi thấy một cô điều dưỡng và một cô học việc pha thuốc, trong lúc tiêm, pha thuốc cho con tôi thì cười đùa. Tại sao họ không đặt nguyên nhân là do y bác sỹ mà lại thiên về nguyên nhân kim tiêm và sốc phản vệ, tại sao cô điều dưỡng, cô học việc lại đi pha thuốc?”, chị Gấm thắc mắc.

Đồng thời, người mẹ 21 tuổi vô cùng bức xúc khi cháu co quắp, mặt tím và yêu cầu bác sỹ khám lại thì một bác sĩ khám cho còn bảo chưa có gì bất thường, cứ yên tâm.

"Sau khi tiêm xong, thấy con có dấu hiệu bất thường, người hơi tím tái, khó thở, tôi đã bế con sang phòng bác sỹ nhưng bác sỹ lại bảo con tôi vẫn bình thường, chưa có gì nghiêm trọng. Tôi thắc mắc với bác sỹ con tôi tím tái, người run rẩy, khó thở thì bị bác sỹ mắng phải để ý con, chăm con, khó thở thì môi phải tím lại", người mẹ kể lại. 

Tử vong sau tiêm: Con khó thở, mẹ bế sang phòng còn bị bác sỹ mắng ảnh 2

 Chị Nguyễn Thị Gấm - mẹ bé trai 2 tháng tuổi tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.

Trong khi đó, ông Lê Xuân Chìu (ông nội cháu Đ.) cho biết, chiều ngày 16/11, nhận được tin cháu rơi vào tình trạng tím tái, run rẩy sau khi tiêm, ông chạy bộ lên tầng 6 thì thấy con dâu đang bế cháu, không có bác sĩ nào. Ông Chìu thắc mắc hỏi bác sĩ đâu thì có một bác sĩ nam và nữ mặc thường phục đưa cháu sang phòng cấp cứu của khoa Nhi.

"Trong phòng cấp cứu, tôi mượn áo vào thăm cháu và có hỏi bác sỹ trực tiếp cấp cứu tại sao môi cháu lại thâm thế, liệu có gì không ổn không. Bác sỹ không nói gì và 15 phút sau, gia đình tôi nhận được thông báo cháu đã tử vong", ông Chìu kể... 

Ông Chìu tiếp tục bức xúc: "Thời điểm chúng tôi hoàn tất thủ tục để đưa cháu về nhà tại sao không có một bác sỹ, y tá nào của bệnh viện xuống hỏi thăm động viên gia đình tôi, tại sao họ có thể thờ ơ đến vậy".

Theo Theo Khám phá
MỚI - NÓNG