…Trong cuốn Hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm của học giả Ðào Duy Anh có những dòng thế này.
…Trong số những vị Dân biểu Trung Kỳ tiến bộ có những nhà Nho ái quốc mới ở Côn Lôn về như cụ Huỳnh Thúc Kháng và mấy người quan lại từ chức để ra hoạt động kinh tế và chính trị. Trong số người này có ông Nguyễn Ðan Quế người Thanh Hóa. Tôi được quen từ hồi trước. Ông Quế vốn làm huấn đạo đã không nhận đổi sang làm công chức sau khi Chính phủ thực dân bỏ nền giáo dục chữ Hán, tự nguyện từ chức về nông thôn ở Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc tự tay cày bừa vỡ đất hoang để làm ăn như một người nông dân bình thường chứ không phải vỡ đồn điền mà bóc lột nông dân đâu. Sau này ông tham gia Việt Nam Cách mạng Ðồng chí hội và trở thành Ðảng Tân Việt năm 1928 (Trích hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm NXB Trẻ năm 2000, Trang 11).
Học giả Ðào Duy Anh đã nhắc đến cái làng Sóc Sơn, Biện Thượng (nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) nơi quê của Chúa tiên khởi Trịnh Kiểm, nơi lập trại của cụ Nguyễn Ðan Quế.
Trước khi trúng cử Dân biểu Trung Kỳ, thầy giáo Nguyễn Ðan Quế từng dạy học (chữ Nho và chữ Pháp). Rồi thầy được chọn làm Hiệu trưởng (khi đó gọi là Ðốc học. Cái tên cụ Ðốc theo Cụ từ đó) Trường Pháp Việt Quảng Hóa ở Vĩnh Lộc từ năm 1926-1928.
Cụ Nguyễn Ðan Quế thôi làm Hiệu trưởng vào Huế thực hiện trọng trách nghị viên. Cùng với nhiều đồng chí của mình, cụ Nguyễn Ðan Quế đã nổi trội với nhiều vai trò xuất sắc. Gánh vai chính ở tờ Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương. Sau này, cũng ở Huế chính cụ Quế thành lập ra báo Dân. Báo Dân ra đời tích cực đấu tranh, thực hiện đường lối, sách lược của Ðảng, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Ðông Dương ở Trung kỳ. Mặc dù chỉ ra được 17 số báo và tồn tại trong 3 tháng, nhưng xứng đáng là người lính tiên phong trên mặt trận báo chí của Ðảng, là vũ khí tư tưởng sắc bén trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Ðông Dương ở Thừa Thiên Huế và Trung kỳ.
Sau cách mạng 1945, cụ Nguyễn Ðan Quế được cử làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Thanh Hóa. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phái viên Trần Ðăng Ninh về làng Sóc Sơn đón cụ Quế ra chiến khu Việt Bắc. Nhưng không may cụ Quế lâm bệnh nặng rồi mất sau đó.
Sau này lứa hậu sinh bồi hồi nghe các bậc lão thành nhắc lại, các đấng Phan Bội Châu rồi Huỳnh Thúc Kháng cùng vài đồng chí khác từng có dịp được cụ Ðốc Quế đưa về quê Sóc Sơn...
Một trong những người thày đầu tiên của người viết bài này ở trường làng, là thày giáo Biển, trưởng nam cụ Nguyễn Ðan Quế.
Thầy Nguyễn Ðình Biển là thân phụ của Nguyễn Thị Lan cùng lứa với tôi ở trường làng rồi trường huyện Vĩnh Lộc. Lan học giỏi, năm 1972 được chọn đi học ở Liên Xô và sau này là Tiến sĩ về ngành Môi trường. Lan là chị gái của của Nguyễn Ðình Thắng (sinh 1957). Em gái Thắng là Hoa học cũng cứng.
Làng Sóc Sơn cách làng tôi một quả đồi nhỏ. Nhà thầy giáo Biển bần bách, thanh bạch. Việc quán xuyến nhà cửa lo mấy miệng ăn cho cả nhà phó thác nhờ cậy vào tài đảm đang quán xuyến của bà vợ. Thầy chỉ biết đi dạy và đọc sách. Nhiều hôm nhà phải qua bữa bằng khoai lang khi thì sắn. Khoai sắn hết thì giống dong riềng luộc ăn vào xót ruột lắm. Ðứt bữa nhưng mấy chị em con thầy Biển không có ai đứt học mà lại học rất giỏi. Ðậm mãi hình ảnh thầy với bộ quần áo gụ bạc phếch với dáng bước thư thả, thập thững. Thứ bất ly thân của thầy là cái bị cói đã sờn đựng mấy cuốn sách tiếng Pháp chứ chẳng giáo án gì cả! Trong lớp luôn nhỏ nhẹ với đám học trò ngỗ nghịch quấy phá như giặc.
Thấp thoáng một quá vãng mờ xa… Người thầy thập thững cái bị cói trên vai. Những bữa đi học gặp nhau, khi tòn ten bên vai, lúc khoác chéo qua người những Lan những Thắng là cái túi vải, quê tôi gọi là cái túi dết đựng sách vở. Cái túi dết mẹ khâu bằng những mảnh vải, mà thời ấy sách vở đâu có nhiều nhặn gì? Dăm ba cuốn đã là nhiều.
Năm tháng vèo qua. Thầy Biển đã thành người thiên cổ. Cả nhà sau này quần cư ở TPHCM. Các thành viên Lan, Thắng, Hoa đều thành đạt quây quần bên người mẹ già hơn trăm tuổi còn mẫn tiệp. Thắng tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế, ngành Xử lý thông tin kinh tế bằng máy tính điện tử trường Ðại học Kinh tế Quốc dân năm 1979. Thắng được giữ làm giảng viên. Sau đó có 3 năm tham gia Quân đội.
Nhớ lần ghé qua mái ấm ấy. Tình quê như đậm thêm bởi hồi ức. Lại may mắn được cụ bà sẵn lòng đọc cho nghe những bài thơ cụ sáng tác mà Thắng nói là cái phép, là phương pháp vận động thể dục đầu óc rất tốt cho các bậc cao niên. Con dâu cụ Ðốc từng thông làu truyện Kiều cùng nhiều truyện Nôm khuyết danh. Chợt nhớ thêm Cụ Ðốc Quế còn nhiều trước tác văn thơ, cụ đã từng dịch sách, viết xong hai tiểu thuyết đặt tên là “Chén rượu trùng phùng”, “Hổ phận làm cha”, và hồi ký “Ðứng trước bầy bò” và một tập thơ. Ðáng tiếc phần lớn đều bị thất lạc trong binh loạn. Nhưng điều cụ ghi nhận về cuộc đời mình và muốn con cháu cùng thế hệ sau nhớ về cụ không phải là một ông cử, ông quan, ông nghị, nhà báo mà là một nhà giáo - một người thầy…
Từng nghe Thắng đã start-up với vốn liếng ban đầu chỉ 1.000 USD và gắn đời mình vào tập đoàn tài chính có cái tên Liên Việt này. Chẳng hay người cháu Nguyễn Ðình Thắng có chia lòng chia trí với cái tên Liên Việt một thời của ông nội? Hội Liên Việt quốc dân Việt Nam gọi tắt là Liên Việt hay Mặt trận Liên Việt thành lập năm 1946 tại Hà Nội nhằm thu hút tất cả các đảng phái không phân biệt giai cấp chủng tộc với mục đích xây dựng một nước Việt mạnh giàu. Cụ Ðốc Quế từng là Chủ tịch Liên Việt tỉnh Thanh Hóa nhiều năm.
Khi đảm nhận Chủ tịch HÐQT LienVietPostBank, theo quy định Thắng đã từ nhiệm tất cả các chức danh lãnh đạo ngoài ngân hàng.
Nhớ câu của tiền nhân quang tiền dụ hậu (cha ông mở lối, cháu con bồi đắp) người cháu nội Nguyễn Ðình Thắng đã hiếu kính ông nội mình theo cách riêng? Cùng với sự tài trợ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Nguyễn Ðình Thắng đã xây mới trường PTCS trị giá 8 tỷ đồng, đạt chuẩn quốc gia tặng cho xã nghèo Vĩnh Hùng. Trường được mang tên nhà chí sĩ Nguyễn Ðan Quế. Rồi Quỹ khuyến học mang tên Nguyễn Ðan Quế được thành lập năm 2012. Ðầu tiên là cấp huyện rồi học bổng Nguyễn Ðan Quế mang tầm vóc của cả Thanh Hóa, hàng năm trợ cấp học bổng cho hàng ngàn học sinh nghèo vượt khó.
Quỹ Khuyến học, khuyến tài Nguyễn Ðan Quế như cú hích cho truyền thống đất học xứ Thanh.
Không khí buổi lễ trao học bổng như sôi động thêm bởi những tràng pháo tay. Ấy là khi Công ty Hồng Cơ (Nguyễn Ðình Thắng sáng lập từ năm 1993 nay vẫn đương ăn nên làm ra) trao 1.000 chiếc ba lô thêm cho các cháu có tiêu chuẩn học bổng. Loại ba lô hai lớp với thiết kế trang nhã Thắng đã công phu tìm đặt may ở tận Sài Gòn rồi chuyển thẳng về Vĩnh Hùng. Tặng ba lô cho các cháu chả phải ba lô đang là thứ mốt hay thời thượng sành điệu mà ba lô có vài ngăn rất tiện dụng đối với các cô cậu học sinh ngoài sách vở ra còn sở hữu những thứ lặt vặt không tên của tuổi học trò. Rồi tiện nữa, tất cả tòn ten trên vai trên lưng vì hầu hết đường đến trường cũng khá xa.
Ngắm sự sáng láng trên gương mặt cùng chiếc ba lô ấm trên lưng thế hệ học trò thời @, tôi như gặp lại cái túi dết khâu bằng vải tòn ten trên vai ông Chủ tịch HÐQT Liên Việt cùng người chị người em ông ngày nào? Và cả cái bị cói của người thầy giáo Biển thương kính của tôi nữa? Hình như mỗi thế hệ mang trên vai mình mỗi sứ mệnh nào đó. Như câu thơ của cụ Ðốc, ông nội Nguyễn Ðình Thắng Ước con cháu Việt khôn ngoan nữa/Mong nước non Hồng rực rỡ hơn!
Khó tưởng tượng ra trước khi đảm nhận chức chủ tịch HÐQT LienVietPostBank, Nguyễn Ðình Thắng từng xôm tụ các chức danh: Chủ tịch HÐTV Công ty TNHH Công nghệ Hồng Cơ; Chủ tịch HÐQT Công ty CP Công nghệ Viễn thông Việt Nhất (VNCTC); Chủ tịch HÐTV Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Ðan Phong; Thành viên HÐQT CTCP Tập đoàn Liên Việt. Chủ tịch HÐQT CTCP Xây dựng Trường Thọ; Phó Chủ tịch HÐQT CTCP HQT Việt Nam; Chủ tịch CTCP Nông nghiệp Xanh 3 LỢI; Chủ tịch HÐQT Trường Ðại học Công nghiệp Vinh; Chủ tịch HÐQT CTCP Ðầu tư Vùng đất mới. Chưa hết Nguyễn Ðình Thắng lại còn có chân và là thành viên tích cực của nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Tại buổi lễ trao học bổng, ông Nguyễn Ðình Thắng, Chủ tịch Quỹ học bổng mang tên Nguyễn Ðan Quế cho biết từ năm 2012 cho đến nay, Quỹ đã trao 4.600 suất học bổng. Ông Thắng khẳng định trong 3 năm tới sẽ trao mỗi năm ít nhất 1.000 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của 9 huyện tỉnh Thanh Hóa (sau 3 năm sẽ đủ hết 27 huyện thị của tỉnh).
Tặng ba lô cho các cháu chả phải ba lô đang là thứ mốt hay thời thượng sành điệu mà ba lô có vài ngăn rất tiện dụng đối với các cô cậu học sinh ngoài sách vở ra còn sở hữu những thứ lặt vặt không tên của tuổi học trò.