Ông Nguyễn Duy Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành:

Tự tin “chèo lái” con thuyền vượt đại dương

TP - Lần đầu tiên Tân Á Đại Thành được xướng danh trong Lễ trao giải Thương hiệu Quốc gia 2014, cũng chính là năm người con trai duy nhất thừa kế gia sản của tập đoàn này chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc (12/1/2015).
Ông Nguyễn Duy Chính - Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành nhận Thương hiệu Quốc gia 2014.

Gặp ông sau những giây phút đáng nhớ trong cuộc đời nghiệp doanh nhân để nghe ông chia sẻ những cảm xúc, những ước mơ và hoài bão và cả những trăn trở cho vận mệnh tương lai của Tập đoàn. 


Theo đuổi “giá trị Việt”

Là công ty duy nhất trong ngành kinh doanh inox đạt được Thương hiệu Quốc gia 2014, Tân Á Đại Thành đã và đang, sẽ thể hiện các tiêu chí của một thương hiệu quốc gia (Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong) như thế nào?

Đối với một doanh nghiệp sản xuất, cái gốc để doanh nghiệp đứng vững trên thị trường vẫn là chất lượng sản phẩm. Trong hơn 20 năm qua, chúng tôi không rời xa kim chỉ nam “Chất lượng tạo nên uy tín”. Chúng tôi đã không ngừng nghiên cứu, đầu tư để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, giá thành hợp lý nhất với mong muốn sản phẩm Việt sẽ dần thay thế những sản phẩm nhập ngoại. 

Muốn làm được như vậy thì việc đổi mới, sáng tạo, cập nhật những công nghệ tiên tiến của thế giới không thể thiếu, bởi nhu cầu tiêu dùng của thị trường ngày càng khắt khe, nếu bạn không đổi mới có nghĩa là bạn sẽ lùi dần so với xã hội. 

Trong năm 2014 , chúng tôi chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội tráng men D.E.V (Đức), liên tục tham gia các hội chợ thế giới để tìm hiểu, học hỏi và đưa những dây chuyền, công nghệ mới nhất, hiện đại nhất của thế giới để áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình. Chính những yếu tố này đã giúp chúng tôi trở thành công ty duy nhất trong lĩnh vực kim khí gia dụng đạt Thương hiệu Quốc gia. Nhưng muốn theo đuổi là “Giá trị Việt” lâu dài, chúng tôi phải tiếp tục theo đuổi các tiêu chí này.

Phải chăng, sau khi đạt được thương hiệu quốc gia thì ông mới ý thức về việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu của Tập đoàn? 

Xây dựng hình ảnh, thương hiệu luôn là một trong những chiến lược phát triển lâu dài của chúng tôi. Tuy nhiên, nếu trước đây, Tân Á Đại Thành có phần bỡ ngỡ trong việc phát triển thương hiệu thì đến nay, chúng tôi đã có những định hướng rõ rệt và đang từng bước thực hiện kế hoạch đó. Việc này đòi hỏi thời gian, công sức và sự quyết tâm cao. 

Thương hiệu Quốc gia cũng đã ghi nhận những gì chúng tôi làm được. Và tôi có thể khẳng định rằng, với chất lượng sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi cung ứng ra thị trường, với những trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế- xã hội đất nước, cộng đồng, chúng tôi luôn “chinh phục” người tiêu dùng bằng chính nội lực của mình.

Nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn chưa ý thức được nhiều về thương hiệu Việt Nam. Còn ông đang thấu hiểu điều này như thế nào?

Là một thương hiệu thuần Việt, tôi hiểu được trách nhiệm của doanh nghiệp mình khi nhận danh hiệu Thương hiệu Quốc gia.

Thương hiệu quốc gia là tập hợp các nhận thức và liên tưởng của cộng đồng toàn cầu về hình ảnh và bản sắc của quốc gia đó thông qua các đối tượng như sự phát triển kinh tế - xã hội, các giá trị thân thiện…và những định hướng về hình ảnh mong ước của quốc gia đó trong tương lai. 

Để khi nhắc đến chúng tôi, người tiêu dùng quốc tế đều biết đó là Thương hiệu Quốc gia của Việt Nam thì sản phẩm mang thương hiệu này không những đáp ứng các yêu cầu như: Chất lượng sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh mà sản phẩm đó phải thể hiện được những giá trị như: Sự thân thiện với người sử dụng, thân thiện với môi trường, sản phẩm là kết tinh sự sáng tạo của con người Việt, từng bước khẳng định thương hiệu Việt có thể sánh ngang các thương hiệu quốc tế; và cũng trên cơ sở đó để thâm nhập các thị trường nước ngoài.

Vậy còn trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành thì sao? 

Theo tôi, đối với các cơ quan, ban ngành thì việc định hướng cho người tiêu dùng là rất quan trọng. Hiện nay trên thị trường có vô số các thương hiệu trong nước, nước ngoài, nên người tiêu dùng sẽ không khỏi lúng túng trong việc lựa chọn các mặt hàng. Các cơ quan, ban, ngành cần kiểm soát chặt chẽ từ việc để các thương hiệu “đặt chân” trên thị trường tiêu dùng, cho đến kiểm soát về chất lượng sản phẩm dịch vụ, việc quảng bá thương hiệu…; Từ đó cung cấp thông tin và định hướng người tiêu dùng có cái nhìn rõ nét về các thương hiệu, doanh nghiệp. Điều này vừa bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thế ông kỳ vọng sẽ được hưởng lợi như thế nào từ các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương ở thị trường nước ngoài?

Thương hiệu Quốc gia là chương trình duy nhất cho Chính phủ tổ chức, điều đó thể hiện uy tín của chương trình và sự kỳ vọng của Chính phủ đối với các doanh nghiệp có sản phẩm, thương hiệu được lựa chọn. Đối với định hướng của Tân Á Đại Thành là toàn cầu và khẳng định vị thế, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, điều này có ý nghĩa quan trọng bởi thay vì phải tự giới thiệu về bản thân hoặc đối tác cần mất thời gian tìm hiểu uy tín và năng lực của Tập đoàn, “thương hiệu quốc gia” là lời giới thiệu ngắn gọn, xúc tích nhất để nói về năng lực và vị thế của Tân Á Đại Thành.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương - Chủ tịch HĐQT trao quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho ông Nguyễn Duy Chính

Nung nấu quyết tâm đổi mới

Mới chính thức được chuyển giao ghế Tổng giám đốc, ông đã thực sự tự tin chưa?

Thực sự đây là thời điểm rất quan trọng đối với cá nhân, gia đình tôi và Tập đoàn. Mặc dù thách thức sẽ rất lớn nhưng với trách nhiệm của một người con trai trong gia đình, được tạo mọi điều kiện về chiến lược, cũng như được trải nghiệm qua các vị trí quan trọng tại tập đoàn trong suốt 4 năm qua, tôi tự tin sẽ “chèo lái” Tân Á Đại Thành tiếp tục phát triển, có được vị thế trên trường quốc tế. 

Ngoài ra, trách nhiệm với gần 3.000 cán bộ công nhân viên đã hết lòng vì tập đoàn trong suốt những năm qua cũng thôi thúc tôi phải nâng cao hơn nữa môi trường làm việc, chất lượng cuộc sống cho họ.

Vậy ông có còn băn khoăn điều gì?

Quan điểm của tôi khi điều hành là phải liên tục đổi mới, để duy trì rồi sau đó mới là phát triển. Sau một thời gian làm việc và được thử sức ở tất cả các khối trong Tập đoàn, tôi nung nấu quyết tâm đổi mới. 

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là làm thế nào và bằng hình thức nào để các nhân sự trong Tập đoàn chủ động nhận thức được hiệu quả của việc đổi mới. Tôi có một quan điểm: năng lực của con người là vô hạn, nhưng để họ tâm huyết, mang toàn bộ chất xám vào công việc thì cần phải giúp họ nhận thức rằng họ đang làm việc cho công ty nhưng cũng làm cho chính họ.

Ông muốn làm điều gì đầu tiên sau ngày chính thức nhận chuyển giao?

Chuyển giao là một việc không dễ không chỉ đối với người chuyển giao và người được chuyển giao, đối với lực lượng cán bộ nhân viên cũng sẽ bị ảnh hưởng về hoang mang trong công việc. Đối với tôi, nhiệm vụ đầu tiên là duy trì những gì Tân Á Đại Thành đã hoạt động, nên tôi sẽ có buổi nói chuyện với các cổ đông ở vị trí quản lý, sau đó là với từng phòng, từng nhà máy. Để mọi người thấy rằng việc chuyển giao nhằm mục đích giúp tập đoàn tiếp tục phát triển và làm cho cuộc sống của từng người được nâng lên. Tôi cần thời gian để áp dụng điều này.

Vậy ông có lời hứa, một mục tiêu, một tham vọng như thế nào đối với bố mẹ, gia đình, các cổ đông quản lý, nhân viên của tập đoàn? 

Tôi có một khát khao và niềm tin mãnh liệt rằng, tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển, không những tại Việt Nam mà vị thế sẽ được khẳng định trên thị trường quốc tế và “Thương hiệu Quốc gia 2014” là một tín hiệu trong định hướng toàn cầu hoá của tập đoàn.

Mục tiêu của tôi khi bắt đầu tham gia công việc tại công ty nhằm giảm bớt áp lực cho bố mẹ, để cho các cổ đông quản lý và cán bộ nhân viên có một môi trường làm việc chuyên nghiệp, có thể gắn bó trọn cuộc đời. Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi triết lý “Phồn vinh cuộc sống Việt” mà bố mẹ tôi đã lựa chọn mà ở đó những thành viên trong gia đình, những thành viên của Tân Á Đại Thành sẽ là trọng tâm trong mọi định hướng và điều hành của tôi.

Giới truyền thông đang quan tâm đến các ông chủ trẻ. Theo ông thì một doanh nhân trẻ nên thể hiện, ứng xử như thế nào trước sự quan tâm như vậy? 

Tôi quan điểm khi giới truyền thông quan tâm đó là tín hiệu tốt, mình không tốt hoặc không gây sự quan tâm thì chắc chắn họ cũng không quan tâm đến mình. Quan điểm của tôi là, giới truyền thông sẽ là cầu nối, là cánh tay nối dài để khẳng định hơn nữa vị thế và tiềm lực của Tân Á Đại Thành.

Trân trọng cảm ơn ông!