TS Đậu Ngọc Đản - nhà báo đầu tiên có mặt ở dinh Độc lập trưa 30/4/1975:

'Tự thỏa mãn với quá khứ là tụt hậu với thời cuộc'

Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Đậu Ngọc Đản chụp.
Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Đậu Ngọc Đản chụp.
TP - Lăn lộn viết bài thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972, rồi từ đó theo đoàn quân Nam tiến, trở thành một trong những nhà báo đầu tiên có mặt ở dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975 và tiếp tục đến điểm chiến sự ác liệt  khi “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” 1979, sau đó lại có mặt ở chiến trường Campuchia...

Hành trình của  nhà báo tiến sĩ (TS) Đậu Ngọc Đản vẫn chưa dừng lại khi ông trở thành nhà báo đầu tiên đưa tin về sự kiện Gạc Ma năm 1988  và theo bước ngoặt của đất nước, thoắt cái ông đã sang  Liên Xô bảo vệ thành công luận án báo chí và trở thành cây bút  tiên phong trong lĩnh vực đổi mới. Tuổi ngoài 60 -  tóc hãy còn xanh, giọng nói hãy còn sang sảng, TS Đậu Ngọc Đản không chỉ nói về ngày 30/4 mà còn đau đáu những chuyện hôm nay...

11h24, ngày 30/4/1975 ở Dinh Độc lập

Ngày ấy, đang học khóa I tại  trường Tuyên huấn Trung Ương (nay là Học viện Báo chí) , làm đề tài tốt nghiệp xong, tôi cùng 52 người bạn được trường cử vào quân đội.  Năm 1972, tôi vào Quảng Trị, cắm  vào trung đoàn 36, sư 308. Cuộc đời phóng viên chiến tranh bắt đầu từ đó. Tại đây, chúng tôi cùng các chiến sĩ trải qua những vất vả, khó khăn, từ thiếu thốn lương thực đến những cuộc hành quân dài ngày trong rừng. Năm 1972, lính phần nhiều là  sinh viên của các trường đại học “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu. Tôi còn nhớ câu chuyện đầy cảm động về tấm ảnh của chiến sĩ Lê Văn Ninh con trai của đồng chí Lê Văn Lâm - trưởng ban tổ chức cán bộ Thông tấn xã Việt Nam. Chiến sĩ Lê Văn Ninh ngày ấy là sinh viên Bách khoa, nghe tiếng gọi của Tổ quốc vào chiến đấu ở Quảng Trị. Tôi gặp anh tại mặt trận Ái Tử, sau đó chụp và viết bài gửi về Thông tấn xã Việt Nam. Bác Lê Văn Lâm nhận ra người trong bức ảnh kia là con trai mình. Và rồi vài ngày sau bác nhận được giấy báo tử của con trai.

Ở Quảng Trị, vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 ấy, tôi đã có một số bài viết đáng nhớ như Dũng sĩ thành Quảng Trị, Kim Cúc đọc trên đài trong rất nhiều buổi phát thanh.

Sau đó, tháng 2/1975, lúc đó tôi mới 24 tuổi nhận được lệnh của Tổng cục chính trị đi vào Huế để cập nhật thông tin, hình ảnh chiến sự tại đây. Nhiều hình ảnh tư liệu quý giá tôi may mắn  chụp được vẫn đang được lưu lại bảo tàng quân sự Việt Nam, như bức ảnh của trung đoàn 66 tiến vào đại nội Huế, hình ảnh người phụ nữ cầm cờ ngồi trên xe jeep…

'Tự thỏa mãn với quá khứ là tụt hậu với thời cuộc' ảnh 1

“Cô Nhíp” - chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn đường cho xe tăng ta” - bức ảnh lịch sử do nhà báo Đậu Ngọc Đản chụp trưa ngày 30/4 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông trở thành một trong những nhà báo miền Bắc đầu tiên có mặt ở Dinh Độc lập trưa 30/4/1975 như thế nào?

Rạng sáng 29/3 tôi vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng cùng đồng nghiệp. Vì máu nghề nghiệp, tôi quyết đi để có tin tức nóng hổi nhất. Sau đó, tôi lại quay ra Huế, nhưng khi nghe đài báo bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, sốt ruột quá, tôi gọi về Hà Nội để đăng ký vào Sài Gòn. Tôi cùng nhà báo Hoàng Thiểm cấp tốc vào Sài Gòn, bám theo bộ đội hành quân, xe đò. Đến ngày 29/4 tôi vào ngã ba Xuân Lộc, gặp Cục trưởng Cục Văn hóa Hồng Cư, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 Lê Khả Phiêu, được các ông trực tiếp giao nhiệm vụ đi ngay vào Sài Gòn, theo trung đoàn 66 của Sư 304. Rồi gặp và bám xe tăng thứ tư của Lữ đoàn 203. Trên đường đi, tôi chứng kiến từng giây phút lịch sử, có nhiều hình ảnh in đậm trong tâm trí. Đó là hình ảnh của những người lính sinh viên độ tuổi đôi mươi, tràn đầy ước mơ, nhưng lại hy sinh khi ngày thống nhất cận kề. Họ chưa kịp chứng kiến, cảm nhận được không khí của ngày chiến thắng. Người dân đổ ra đường vỗ tay, reo hò, tung hoa, cờ chào mừng đoàn quân giải phóng. Giữa phút giây ấy, tôi cảm thấy, mọi người hòa chung, thống nhất một khối hòa bình.

11h24. Tôi ở Dinh Độc lập. Với máy ảnh hiệu Canon, ống kính liền, chỉ một tiêu cự tôi may mắn chớp được hình ảnh của đại úy Phạm Xuân Thệ, trung đoàn phó, hùng dũng bước lên nhận sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn. Tôi và anh Hoàng Thiểm là hai nhà báo đầu tiên của miền Bắc có mặt tại Dinh Độc lập vào giây phút lịch sử ấy.

Trưa 30/4 ấy, từ dinh Độc Lập, với tư cách một phóng viên quân sự, tôi cần phải chuyển bài vở, ảnh nhanh ra Bắc. Trong sân, rất nhiều nhân viên, tùy tùng của chính phủ Sài Gòn đứng đợi. Tôi nói to, dõng dạc: “Chúng tôi là phóng viên ở miền Bắc vào. Đây là thời cơ lập công của các ông. Ai có thể chở chúng tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất?”.

Năm sáu cánh tay giơ lên. Tôi chỉ vào một người. Đó chính là Võ Cự Long, sĩ quan lái xe dẫn đường của nội các Sài Gòn. Nhưng đến Tân Sơn Nhất, không có máy bay... Sỹ quan Võ Cự Long lái xe  tôi ra Đà Nẵng để gửi bài và ảnh về Hà Nội.

'Tự thỏa mãn với quá khứ là tụt hậu với thời cuộc' ảnh 2 Nhà báo Đậu Ngọc Đản (trái) và Trung tướng Phạm Xuân Thệ cùng xem lại những bức ảnh lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh do nhà báo Ngọc Đản chụp.

Ông làm thế nào để sau hành trình của một phóng viên chiến trường kỳ cựu, có thể  nhanh chóng “can dự” vào công cuộc Đổi mới đất nước với tư cách một nhà báo của Đổi mới?

Năm 1990, tôi bảo vệ thành công luận án TS về báo chí ở  Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (Liên Xô cũ). Đề tài của tôi nghiên cứu là  “Báo chí Việt Nam như một yếu tố góp phần hình thành chính sách kinh tế trong điều kiện thị trường” . Luận văn này là cơ sở để tôi sau đó đã viết một cuốn sách Báo chí và sự nghiệp đổi mới.

Với thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, có một điều phải khẳng định rằng, nếu  những thế hệ như bọn tôi  không chịu tiếp nhận, học tập những điều mới là sẽ lạc hậu. Không chỉ lạc hậu về kiến thức mà còn lạc hậu về nghề nghiệp. Tôi tự cảm thấy bản thân mình bước vào thời kỳ mới cần phải trau dồi thêm kiến thức mới, phải đọc thật nhiều sách, nghiên cứu tìm hiểu nhiều hơn. Nếu chấp nhận dừng lại, tự thỏa mãn với quá khứ  là bị tụt hậu với thời cuộc, tự đẩy mình ra khỏi cuộc sống. Cho nên có những giá trị lịch sử không bao giờ phủ nhận nó nhưng hãy coi nó là bước đệm để vào thời kỳ mới, tiếp cận những tri thức mới.

Nhiều người vẫn băn khoăn không hiểu vì sao, ông lại “sống sót” giữa những chiến trường bom đạn ác liệt nhất và trong thời bình vẫn trở thành nhà báo thành công trong cái nghiệt ngã của “trường văn trận bút”?

Tôi nghĩ là số phận. Tôi cũng trải qua khá nhiều lần “suýt chết” như trong vụ tai nạn ô tô, máy bay thời chiến nhưng rất may không bị thương . Giữa cái sống và cái chết, nếu ta càng sợ hãi càng chết, quan trọng mình phải chấp nhận nó, đương đầu trực diện với nó thì mới thấy sự khác biệt, mới thấy con đường của mình. Cũng như hiện nay, trong thời bình, bản thân mỗi người phải tương thích với cuộc sống để tránh lạc lõng, chọn cuộc sống mới cho mình.

Suốt cuộc đời làm báo của mình chưa bao giờ tôi nghĩ đến chức vụ, quyền lực, địa vị. Được làm, được mọi người công nhận như ngày hôm nay là do tình yêu nghề, mong muốn khám phá của bản thân.

Xin cảm ơn ông. 

Nhà báo Đậu Ngọc Đản cho biết: Sau 1975, năm 1979, mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, tôi đều có mặt. Đặc biệt là mặt trận Vị Xuyên nơi diễn ra các cuộc chạm trán ác liệt nhất. Điều thú vị là cũng tại chiến hào, tôi lại gặp lại những người bạn, những cán bộ, chiến sĩ chỉ huy từ thời chiến đấu giải phóng miền Nam.

Năm 1984, tôi có mặt tại Campuchia. Tôi được các chiến sĩ cho đi máy bay trực thăng đến trận địa. Trời mưa to như tát nước vào mặt. Ngồi trong máy bay phải mang nylon để tác nghiệp.

Một may mắn nữa, đầu tháng 3/1988, tôi khi đó là phóng viên của báo Nhân Dân, tôi được cử ra công tác Trường Sa cùng bộ đội hải quân và trở thành nhà báo đầu tiên đưa tin về sự kiện Gạc Ma... 

MỚI - NÓNG